*Sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng:
Lê Lưỡng sinh ra và lớn lên ở quê hương Đồng Nà - Cẩm Hà anh hùng, bên dòng sông Đế Võng hiền hòa thơ mộng, và được nuôi dưỡng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng.
Vào năm 1966, lúc nầy Lưỡng mới 13 tuổi, được đồng chí Nguyễn Đức Minh (Ủy viên Ban thường vụ Thị ủy Hội An, phụ trách nội ô) tuyên truyền, giác ngộ, tham gia cơ sở hoạt động trong lòng nội ô. Vừa đi học để kiếm đôi ba chữ, vừa tạo vỏ bọc hợp pháp, Lưỡng có điều kiện đi lại khắp ngõ ngách của thành phố để nắm bắt tình hình, cung cấp kịp thời những thông tin cho đường dây do đồng chí Nguyễn Đức Minh phụ trách. Những hoạt động tình báo của địch, những cuộc hành quân của lính ngụy; vây ráp, chặn đường lục soát của bọn cảnh sát; những động thái, diễn biến bất thường của Tòa hành chính Quảng Nam, Chi khu Hiếu Nhơn…đều được Lưỡng cập nhật và thông tin kịp thời ra bên ngoài.
Đầu năm 1968, sau đợt Tổng công kích Tết Mậu Thân, một lực lượng lớn lính Nam Triều Tiên được huy động tiến hành một cuộc càn quét vào các thôn Đồng Nà, Bến Trễ, Cửa Suối, Trảng Kèo. Chúng lùa dân ra giữa nỗng cát để thanh lọc, phân loại và bắt bớ. Lúc nầy Lưỡng mới 15 tuổi nhưng thân hình phổng phao như một thanh niên. Chúng bắt Lưỡng đem về giao cho bọn ngụy ở Ty cảnh sát quốc gia Quảng Nam, đặt tại Hội An.
Bọn cảnh sát ở Trung tâm thẩm vấn thuộc Ty cảnh sát khai thác lấy cung, và không cần biết đương sự làm gì, tuổi vị thành niên ra sao? Chúng áp dụng khẩu hiệu quen thuộc: “Không đánh cho có, có đánh cho chừa”. Chúng ép cung bừa bãi với tội: “Hoạt động phá rối trị an quốc gia”! Rồi tống Lưỡng vào nhà lao Hội An. Ở nhà lao Hội An chừng 2 tháng, bọn cai ngục ở đây làm cuộc thanh lọc một số tù chính trị và Lưỡng bị địch đày ra Côn Đảo.
Vì Lưỡng tuổi mới vị thành niên, nên khi mới bước chân lên Côn Đảo, bọn cai ngục ở đây đã đưa Lưỡng vào “Trại hướng nghiệp công xưởng”. Tên dài dòng hoa mỹ là vậy nhưng chủ yếu là học nghề để làm ra những kỷ vật. Ở Côn Đảo không thiếu những sản vật như san hô, đồi mồi, ngọc trai và những loại gỗ quý. Bọn chỉ huy nhà tù lập ra trại hướng nghiệp công xưởng là để bắt tù nhân “nước sông công tù” làm ra những sản phẩm có giá trị cho chúng. Những chiếc gậy chống (ba toong), những chiếc tẩu thuốc lá, bộ bàn ghế, giường tủ…bằng gỗ quý được chạm khắc đầu rồng, mình phượng cầu kỳ, công phu. Những chiếc nhẩn, chiếc vòng bằng ngọc trai, đồi mồi…vô cùng tinh xảo. Bằng trí óc thông minh và đôi bàn tay khéo léo, những người tù ở đây đã làm ra những sản phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, mỹ thuật rất cao. Hàng ngày công xưởng sản xuất ra hàng trăm sản phẩm.
Hàng làm ra được bọn chúa đảo đưa về tiêu thụ ở Sài Gòn; những vật phẩm tinh xảo, có giá trị cao được đem biếu cho những quan trên, bạn bè, hoặc làm vật kỷ niệm cho những tên về lại đất liền do mãn hạn làm việc tại Côn Đảo.
Lê Lưỡng vào công xưởng được những nghệ nhân có tay nghề cao dạy bảo ân cần, truyền cho những kỹ năng chế tác nhiều loại vật phẩm. Chẳng bao lâu anh đã làm được những sản phẩm có giá trị. Đây cũng là kinh nghiệm, vốn quý để khi ra tù sẽ là hành trang theo anh suốt đời.
Vào khoảng đầu tháng 9/1970, sau gần 3 năm bị lưu đày ở Côn Đảo, bọn địch đưa Lưỡng về khám Chí Hòa (Sài Gòn) để làm thủ tục mãn hạn tù. Nhưng phải 3 tháng sau (tháng 12/1970) anh mới được trả tự do.
Sau khi ra tù, đầu năm 1971, anh tiếp tục móc nối với đường dây do đồng chí Nguyễn Đức Minh phụ trách, hoạt động cơ sở trong lòng nội ô cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.