Trên cánh đồng sản xuất rau màu rộng lớn ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, hầu như tất cả các thửa ruộng đều đã được bà con xen canh, gieo trồng nhiều loài, từ rau ăn lá, ăn quả đến bắp, đậu phụng, dưa hấu, dưa gang, kể cả giống cỏ sửa trồng để nuôi bò. Không để đất trống, ngay ở khoảng giữa những luống bắp mới trồng hoặc dưới những giàn bí đao, mướp đắng, bà con đã tận dụng gieo thêm các loại rau ngắn ngày để tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, có thể ví, cánh đồng thôn Trung Hà như một khu chợ nông sản lớn, hội tụ đủ loại rau màu.

Nhờ có nguồn điện, bà con dễ dàng tưới nước
Theo lời kể của bà con, nhiều năm trước, việc xen canh, gối vụ sản xuất liên tiếp nhiều loại cây trồng rất khó thực hiện bởi phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên. Đồng đất màu rộng lớn nhưng mỗi năm, các hộ hầu như chỉ sản xuất một vụ. Vào mùa hè, không có nước tưới, nhiều hộ đành phải bỏ vụ, cỏ cây mọc um tùm.
Từ khi được thành phố đầu tư kéo điện ra đồng, bà con rất phấn khởi. Nhà nào cũng làm giếng khoan, sắm máy bơm và ống dẫn nước để có thể dùng nguồn nước ngầm tại chỗ chăm sóc cây trồng. Vui nhất vẫn là các hộ trồng bắp bởi từ khi trồng đến lúc gần thu hoạch đều cần nhiều nước tưới. Vừa bơm nước vào các luống bắp xanh tốt, bà Nguyễn Thị Cúc, ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim phấn khởi nói: « Hồi xưa phải đào ao gánh nước cực khổ lắm. Chừ thì nhờ có điện, cặm vô cái nó chạy, mình đánh hàng, nó chạy ù một cái là xong. Mấy năm mùa hè phải bỏ đất chứ làm chi được. Chừ quá khỏe luôn đó »
Rời Cẩm Kim, chúng tôi đến bãi bồi Thanh Nam Đông, phường Cẩm Nam. Dù ruộng nằm sát sông Thu Bồn nhưng do đặc tính nước lợ nên bà con không thể dùng nước sông tưới cho cây trồng như một số vùng quê khác. Năm ngoái, khi thành phố đầu tư hơn 140 triệu đồng để thực hiện công trình cấp điện phục vụ sản xuất tại đây, bà con vui như mở cờ trong bụng Hiện tại, tất cả các hộ đều đã bắt điện bơm nước, có thể chủ động tưới rau màu bất kể khi nào cần thiết. Việc đào ao tại ruộng, gánh nước tưới trảy bả vai một thời đã lùi vào “dĩ vãng”. Nhờ sản xuất xen canh gối vụ liên tục, các thửa ruộng đều phủ kín rau màu, xanh tốt quanh năm. Với hộ nhiều đất như gia đình ông Nguyễn Mới thì ngày càng có cơ hội thu đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo nhẩm tính của ông, vụ bắp gần đây nhất, trừ chi phí nhân công, phân bón, ông lãi ròng hơn 50 triệu đồng. Có điện tại đồng như một thay đổi lớn trong phương thức canh tác, ông Mới phấn khởi nói: « Trước đây, cái cồn này không có điện, bà con chúng tôi làm rất là vất vả. Vì trồng bắp mỗi ngày phải tưới vài trăm gánh nước trở lên. Từ ngày có nguồn điện đến nay, bà con tưới rất là phấn khởi. Nhà tôi thì làm nhiều đất, có nguồn điện, tôi thấy tưới rất là tốt, rất là vui mừng ».
Có lẽ, chia sẻ của ông Nguyễn Mới, ở phường Cẩm Nam cũng là niềm vui chung của hàng trăm hộ dân có đất canh tác rau màu tại các cánh đồng đã được thành phố đầu tư kinh phí cấp điện phục vụ sản xuất. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Hội An đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để thực hiện 13 công trình thủy lợi hóa đất màu, với hơn 7.000 mét dây điện kéo về các khu đất sản xuất ở các xã phường Cẩm Kim, Cẩm Phô, Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Hà... Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng góp thêm nguồn lực để thành phố tiếp tục mở rộng diện tích đất sản xuất có điện. Vì vậy, người dân ngày càng dễ khai thác, tận dụng nhiều diện tích đất màu để trồng hoa cây cảnh, rau quả... Bà con mạnh dạn luân canh, gối vụ, chủ động bố trí cây trồng phù hợp mà không sợ thời tiết nắng nắng, khô hạn. Nói về chủ trương kéo điện ra đồng phục vụ nhân dân sản xuất, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: “Hơn mười năm nay, thành phố đã đặt ra chủ trương đầu tư hệ thống điện ra các cánh đồng, để sử dụng nguồn nước ngầm phục vụ nước tưới cho diện tích đất sản xuất, tận dụng và khai thác tối đa quỹ đất, giúp cho nông dân canh tác bớt khó khăn hơn, từ đó, giá trị từ sản xuất nông nghiệp đạt cao hơn. Hiện nay thành phố đã triển khai ở Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Nam và một số vùng ở Cẩm Hà. Trong tương lai, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư dành nguồn lực kéo điện ra đồng để hỗ trợ bà con nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất.”
Có thể nói, chủ trương kéo điện ra đồng thủy lợi hóa đất màu đã đáp ứng trúng nguyện vọng của người dân. Tin rằng, từ sự đầu tư này, bà con không chỉ giải phóng sức lao động, tận dụng triệt để diện tích đất canh tác mà còn đa dạng hóa mặt hàng nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế trong thời gian đến. /.
Lê Hiền