Hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An với hơn 1.350 di tích. Riêng ở khu vực I của Khu phố cổ được xem là “vùng lõi” chỉ rộng 4km2 nhưng có đến 1.273 di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng- miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ). Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng nhưng đó là sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục và sự đan quyện tài tình giữa các phong cách kiến trúc Việt– Hoa– Nhật– Phương Tây.
Bởi vậy, “vẻ đẹp không trùng lặp” của phố cổ Hội An độc đáo ở chỗ dung hòa những cái điển hình trong sự đa thể, chứa đựng trong sự phong phú của các thể dáng kiến trúc, đồng thời còn được tô điểm ở sự kết dính hoàn hảo từng di tích với nhau. Lịch sử, địa lý, phong thủy và phong hóa đã hình thành cho những thế hệ con người Hội An một bản lĩnh riêng, một tính cách riêng, sắc thái của riêng mình. Trải qua bao bể dâu, những ngôi nhà cổ, đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc, cầu, giếng… vẫn tồn tại trong bàn tay chăm chút và trái tim yêu thương của những chủ nhân của nó; vẫn chối từ những kiểu thức kiến trúc hiện đại, vẫn trầm mặc với những đầu hồi, bờ chảy, mái ngói âm dương, mắt cửa… để đến hôm nay, khu phố cổ được bảo tồn hầu như nguyên vẹn, cả về kiến trúc lẫn hồn cốt bên trong.
Trong quần thể kiến trúc nghệ thuật của Phố cổ Hội An thì nhà ở là loại hình di tích có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ chiếm hầu như tuyệt đại đa số mà còn tạo tác nên diện mạo và cốt cách của Phố cổ Hội An. Quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An được xem như một “bảo tàng sống” về kiến trúc, về lối sống đô thị. Từ bao đời nay người dân Hội An vẫn “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”, trân trọng gìn giữ, nâng niu từng chi tiết kiến trúc nhỏ nhất đến những di sản to lớn- cả vật thể và phi vật thể- ông bà để lại. Hàng ngày cuộc sống đời thường diễn ra ngay trong lòng phố cổ; từng công trình kiến trúc cổ đều in đậm, hằn sâu nếp sống, lối sống văn hóa đặc trưng của con người Hội An.
Do vậy, phố cổ Hội An không chỉ là bản thân vẻ đẹp của kiến trúc cổ, mà cái chính là “nếp nhà” với những câu chuyện về lối sống, nếp sinh hoạt, việc làm ăn, cách ứng xử của người Hội An. Công bằng mà nói, với tư cách là di sản kiến trúc xét về quy mô, thì Hội An khó sánh với cố đô Huế, về niên đại thì cũng không cổ bằng Mỹ Sơn, Ăng Co Thơm, Ăng Co Vát; về cảnh quan thiên nhiên cũng khó đọ với Hạ Long, Cát Bà… Nhưng Hội An có sức hấp dẫn riêng đầy sức chiêu cảm kỳ lạ của một “bảo tàng sống”.
Hội An là nơi tụ cư, hợp cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc; là cái nôi truyền bá Thiên chúa giáo và Phật giáo ở Đàng Trong- Việt Nam, là một trong hai cái nôi (cùng Kinh Kỳ- Hà Nội) ra đời chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XVII; là điểm gặp gỡ, giao thoa các nền văn minh Chăm - Việt - Hoa - Nhật - Ấn và các nước Phương Tây. Các yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn trải qua quá trình chọn lọc, tiếp biến để rồi định hình sắc thái riêng rất độc đáo của kho tàng văn hóa phi vật thể Hội An; giữ vai trò dòng chủ lưu là hệ thống các phong tục tập quán- tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Việt và cộng đồng cư dân gốc Hoa.
Ở Hội An gần như quanh năm bốn mùa đều diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống, gồm các lễ hội của cư dân sông nước như lễ hội cầu ngư- tế Cá Ông- đua thuyền; của cư dân thương nghiệp như lễ hội vía Tài Thần, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bổn Đầu Công, Lục Tánh Vương Gia; của cư dân nông nghiệp như Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu, Lễ cầu bông, long chu, xô cộ...Ngoài ra còn có các lễ hội tế Xuân, tế Tổ nghề Mộc- nghề May- nghề Gốm - nghề khai thác Yến sào... Và những năm gần đây các lễ hội hiện đại, các sự kiện văn hóa- du lịch, kỷ niệm những ngày lễ lớn được tổ chức khá hoành tráng đã thu hút sự tham gia đông đảo, nồng nhiệt của cả cộng đồng dân cư và du khách.
Hội An còn có những làng nghề nổi tiếng như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng khai thác Yến Thanh Châu, làng trồng rau Trà Quế, làng hến- bắp Cẩm Nam, các làng chài Thanh Nam, Đế Võng, Phước Trạch, Bãi Làng, Bãi Hương, các làng buôn Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô... cùng với nguồn văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú và vang tiếng khắp nơi. Hội An còn có kho tàng văn nghệ dân gian muôn hình muôn vẻ như những truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích, ngụ ngôn; những lời hát ru dào dạt, những điệu hò khoan trữ tình, những câu dân ca- bài chòi nồng thắm...
*
* *
Diễn trình lịch sử đã cho thấy ý thức trân trọng giữ gìn di sản của các thế hệ cư dân Hội An đóng vai trò dòng chảy chủ lưu, tạo nên chiều sâu mạch nguồn và bồi đắp bề dày của văn hóa Hội An. Quá trình phát triển văn hóa Hội An là một nhu cầu tự thân, tất yếu, vừa dựa trên nền tảng của các di sản văn hóa và những truyền thống tốt đẹp, vừa thích ứng nhanh với sự vận động không ngừng của cuộc sống.
Thành tựu và những trải nghiệm từ thực tiễn đã đúc kết cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An những bài học kinh nghiệm quý báu, đồng thời là một minh chứng về sự đúng đắn trong việc lựa chọn văn hóa làm nền tảng, bệ đỡ, đòn bẩy, cốt lõi cho sự phát triển của Hội An. Văn hóa đã thể hiện vai trò vô cùng quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, làm cho con người Hội An xích lại gần nhau, sát cánh bên nhau, thông cảm và đồng cảm trong đời sống thường ngày, trong lao động, công tác, học tập... Văn hóa đã trở thành mạch nguồn khơi dậy tình yêu quê hương- đất nước, lòng tự hào và ý thức tự trọng của mỗi con người; khơi dậy những yếu tố tốt đẹp và khuyến thiện bằng cơ chế tự quản của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi tộc họ, mỗi cộng đồng. Văn hóa đóng vai trò “bộ điều chỉnh”, đồng thời trở thành thuộc tính tạo nên sự đồng thuận, kết dính trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị, các bộ máy vận hành xã hội và các tầng lớp nhân dân. Văn hóa Hội An không chỉ là một phần cấu thành văn hóa Quảng Nam, góp phần làm giàu cho bản sắc dân tộc mà còn là nhịp cầu nối những nền văn hóa đa vùng miền trong nước và thế giới, thúc đẩy “ngoại giao văn hóa”, “ngoại giao nhân dân”.
Những thành quả đạt được trên lĩnh vực văn hoá đã thật sự trở thành động lực quan trọng cho kinh tế tăng trưởng, đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết những vấn đề xã hội. Ngược lại, kinh tế phát triển bền vững, an ninh trật tự ổn định đã tạo điều kiện chăm lo các vấn đề an sinh xã hội, thực hiện tốt hơn việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng con người Hội An văn hóa. Chính văn hóa đã tạo cho Hội An vừa có sức đề kháng cao vừa thích nghi nhanh với mọi biến đổi của hoàn cảnh; các yếu tố văn hóa được gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương... đã trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng nhất trong quá trình phát triển của thành phố, làm cho Hội An có những bước đi vững chắc, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.