Phẩm chất anh hùng trong lao động

Sau ngày quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng và đã đạt được những thành tựu to lớn. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Diện mạo phố thị, làng quê, hải đảo ngày càng khởi sắc. Những năm gần đây, Hội An tiếp tục có bước phát triển nhanh, trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực miền Trung và cả nước.

 Sau ngày đất nước thống nhất, cả dân tộc ca khúc khải hoàn. Nhà nhà ngây ngất niềm vui đoàn tụ, mẹ gặp lại con, vợ gặp lại chồng, chị gặp lại em, đồng chí từ chiến khu, ngục tù gặp lại nhau. Nhưng đó cũng là thời điểm chúng ta đứng trước bao nỗi lo toan, gian khổ chất chồng. Chiến tranh mới đi qua để lại những hậu quả nặng nề len lỏi vào từng ngõ ngách, trong mỗi cuộc đời, mỗi mái nhà. Làng mạc, ruộng vườn điêu tàn hoang phế. Hơn ba mươi nghìn đồng bào ta từ các trại tập trung, các khu dồn trở về quê cũ, trơ trọi giữa bùng nhùng kẽm gai, chằng chịt bãi mìn, loang lỗ hố bom. Hàng chục nghìn lao động ở nội ô không có việc làm, đói ăn thiếu mặc. Cái mới còn đang manh nha chưa kịp định hình lại phải chống chọi với bao tàn dư cũ. Rồi thiên tai ập đến làm hao tổn biết bao sức của, sức người.
Đối mặt với những thách thức ấy, những đoàn quân lại hăng hái bước vào mặt trận mới, phá gỡ bom mìn, đắp đê ngăn mặn, đào mương thủy lợi, khai hoang phục hóa, vỡ đất tăng gia, thực hiện chân biển chân đồng, thâm canh xen vụ, lấy ngắn nuôi dài. Lại một lần nữa máu của nhiều đồng bào đồng chí đổ xuống để lợp lại màu xanh cho ruộng vườn, làng xóm. Nhiều đoàn cán bộ tần tảo vào Nam ra Bắc để học tập kinh nghiệm mở mang nghề dệt may, thủy tinh, chổi đốt, thảm len, cói lát, mành trúc, mây tre... cùng với việc phục hồi nghề truyền thống, chắt chiu từng bước vượt qua cơn bĩ cực.
Chính trong hoàn cảnh ấy, bài học về sức mạnh nội sinh, về ý chí tự lực tự cường, về tinh thần đoàn kết đã giúp chúng ta dần dần tìm ra lối đi. Thành công lớn nhất của chúng ta là từ rất sớm đã nhất quán quan điểm: Phát triển kinh tế phải gắn liền và đồng hành với giải quyết tốt những vấn đề về văn hóa và đạt được sự tiến bộ về xã hội; gắn kết nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn là phải ra sức bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo các giá trị của di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, môi trường sinh thái với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó tập trung đưa du lịch- dịch vụ- thương mại trở thành một ngành chủ đạo.
Có hướng đi đúng, kinh tế - xã hội của thành phố phát triển nhanh và khá bền vững. Từ chỗ hầu như chỉ với hai bàn tay trắng, năm 1990 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 2,6 tỉ đồng, năm 2000 tăng lên 42 tỉ, thì đến năm 2009 đã đạt mức 430 tỉ đồng. Bằng nhiều nguồn vốn, mấy chục năm qua chúng ta đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển không gian đô thị, xây dựng nông thôn. Nhiều công trình kiến trúc công cộng, công trình kinh tế, công trình văn hóa, các khu dân cư đô thị mới hình thành, làm cho diện mạo phố thị, làng quê, hải đảo ngày càng đẹp hơn. Các điều kiện đảm bảo cho tiêu dùng, sinh hoạt, đi lại, chữa bệnh, học hành, vui chơi giải trí đã được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân của mỗi người năm 2009 đã đạt mức xấp xỉ 20 triệu đồng, nhân dân có của ăn của để tích lũy đầu tư sản xuất kinh doanh. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo; mà thành tựu nổi bật là chúng ta đã chủ động phòng chống, ngăn ngừa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và tội phạm nghiêm trọng.
Chúng ta đã có những nỗ lực vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn để được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; được Bộ VHTT tuyên dương là mô hình đô thị văn hóa tiêu biểu của cả nước; đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, Cù Lao Chàm- Hội An được ghi vào danh mục Khu dự trữ sinh quyển của nhân loại. Hội An đã và đang cố gắng xác lập vị thế là một trong những trung tâm du lịch, một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện cho du khách muôn phương.

Tin liên quan