Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

1. Thực trạng tổ chức bộ máy

Hội An được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III vào năm 2006, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam vào đầu năm 2008 theo Nghị định số 10/2008/NĐ-CP ngày 29/01/2008 của Chính phủ và là một trong số các đô thị đặc thù của Việt Nam.

Tổ chức bộ máy của thành phố Hội An bao gồm: HĐND thành phố, UBND thành phố, các đơn vị hành chính cấp phường, xã. Cụ thể như sau:
- HĐND thành phố: Thường trực HĐND (Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 01 ủy viên Thường trực), Ban Kinh tế - Xã hội, Ban Pháp chế.
- UBND thành phố: 07 thành viên UBND (Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch, 04 Ủy viên), 13 cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố.
- Các đơn vị hành chính cấp phường, xã: bao gồm 9 phường (Minh An, Sơn Phong, Cẩm Nam, Cẩm Phô, Thanh Hà, Tân An, Cẩm Châu, Cẩm An, Cửa Đại) và 4 xã (Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Tân Hiệp).

2. Thực trạng cán bộ, công chức, viên chức
a, Về quy mô
- Tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp thành phố là 173 người , trong đó biên chế hành chính là 104 người và biên chế sự nghiệp là 69 người.
- Số lượng lao động hợp đồng là 474 người, trong đó các cơ quan hành chính là 133 người (toàn bộ do ngân sách thành phố chi trả) và các đơn vị sự nghiệp là 341 người (NSTP chi trả 122 người, các cơ quan, đơn vị tự chi trả 219 người).
- Tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 244 người, trong đó cán bộ chuyên trách là 138 người và công chức cấp xã là 106 người.
b, Về trình độ chuyên môn
- Cán bộ, công chức, viên chức: Thạc sỹ có 04/173 người, chiếm tỷ lệ 2,3%; đại học có 128 người, chiếm tỷ lệ 74%; cao đẳng có 05 người, chiếm tỷ lệ 2,9%; trung cấp có 33 người, chiếm tỷ lệ 19,1% và còn lại chiếm 1,7%.
- Cán bộ, công chức cấp xã: Đại học có 74/244 người, chiếm tỷ lệ 30,3%; cao đẳng có 02 người, chiếm tỷ lệ 0,8%; trung cấp có 138 người, chiếm tỷ lệ 56,5%; sơ cấp có 30 người, chiếm tỷ lệ 12,3%.
c, Về trình độ lý luận chính trị
- Cán bộ, công chức, viên chức: Trình độ lý luận cao cấp có 59/173 người, chiếm tỷ lệ 34,1%; trình độ trung cấp có 29 người, chiếm tỷ lệ 16,8%; trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo chiếm 49,1%.
- Cán bộ, công chức cấp xã: Trình độ lý luận cao cấp có 30/244 người, chiếm tỷ lệ 12,3%; trình độ trung cấp có 187 người, chiếm tỷ lệ 76,6%; trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo chiếm 11,1%.
d, Về trình độ tin học
- Cán bộ, công chức, viên chức đã qua đào tạo, bồi dưỡng về tin học có 136/173 người, chiếm tỷ lệ 78,6%.
- Cán bộ, công chức cấp xã đã qua bồi dưỡng về tin học có 157/244 người, chiếm tỷ lệ 64,3%.
e, Về chuyên môn ngoại ngữ
- Cán bộ, công chức, viên chức đã qua đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ có 117/173 người, chiếm tỷ lệ 67,6%.
- Cán bộ, công chức cấp xã đã qua bồi dưỡng về ngoại ngữ 48/244 người, chiếm tỷ lệ 19,7%.
f, Về độ tuổi
- Cán bộ, công chức, viên chức: Dưới 30 tuổi có 02/173 người, chiếm tỷ lệ 1,2%; từ 31-40 tuổi có 56 người, chiếm tỷ lệ 32,4%; từ 41-50 tuổi có 57 người, chiếm tỷ lệ 32,9%; từ 50 tuổi trở lên chiếm 33,5%.

3. Cơ chế, chính sách thực hiện quản lý cán bộ, công chức, viên chức
a) Chính sách thu hút nguồn nhân lực
Nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực, phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Hội An đã nghiên cứu vận dụng các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài của Trung ương và tỉnh và xây dựng chính sách thu hút cán bộ của thành phố như thu hút nhân lực có trình độ sau đại học phục vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố; thu hút nguồn nhân lực có trình độ đại học về công tác tại cấp xã.
Việc thực hiện thu hút nguồn nhân lực có trình độ sau đại học được thực hiện theo Quyết định số 3141/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 25 tháng 9 năm 2008 về “Ban hành Danh mục các chuyên ngành và nhu cầu đào tạo, thu hút cán bộ có trình độ sau đại học giai đoạn 2008-2010 và đến năm 2015”.
Theo chính sách của Hội An, các đối tượng tự nguyện về phục vụ cho thành phố, bên cạnh việc được nhận các hỗ trợ của Tỉnh như hỗ trợ ban đầu, đãi ngộ về tuyển dụng vào công chức, viên chức nhà nước, bố trí việc làm phù hợp, tạo điều kiện đi đào tạo, hỗ trợ tiền mua đất làm nhà ở …, còn được thành phố trích ngân sách hỗ trợ thêm ban đầu (mức hỗ trợ tương đương 50-75% mức hỗ trợ của Tỉnh).
Từ nhu cầu khan hiếm nguồn nhân lực y tế, thành phố đã vận dụng Quyết định 03/2009/QĐ-UBND ban hành ngày 12 tháng 01 năm 2009 của UBND thành phố Hội An về việc “ban hành Quy định về thực hiện chế độ hỗ trợ luân chuyển và thu hút cán bộ”, có chính sách chủ động tiếp cận, hỗ trợ các sinh viên ngành y có kết quả học tập tốt tự nguyện về công tác tại Hội An với mức 6 triệu đồng/người/năm, kéo dài trong vòng 6 năm.
Các đối tượng tốt nghiệp đại học được thu hút về công tác tại các phường, xã trên địa bàn thành phố Hội An cũng được thành phố hỗ trợ thêm (bao gồm hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ hằng tháng).
b) Chính sách đào tạo
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp thành phố, xã phường và cán bộ thôn, khối phố. Công chức có thời gian làm việc trên 3 năm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tạo điều kiện về thời gian hoặc được hỗ trợ một phần học phí để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo “Đề án đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” (Ban hành kèm theo Quyết định số 2835/QĐ-UBND ngày 7 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Quảng Nam) và “Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016” (Ban hành kèm theo Quyết định số 2398/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2011 của UBND tỉnh Quảng Nam).
Cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, công chức đi học được thực hiện theo đúng các quy định đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành tại Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2010 về ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ, công chức; Quyết định số 42/2008/QĐ-UBND ngày 27/10/2008 ban hành Quy định về cơ chế, chính sách và công tác quản lý đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài; Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND ngày 02/4/2008 Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ luân chuyển và thu hút cán bộ.
Ngoài ra, cán bộ được cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn trình độ sau đại học, đại học, trung cấp chính quy và tại chức, lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được thành phố hỗ trợ chi bù đủ 50-100% tiền học phí, trợ cấp đi học hằng tháng, tiền lưu trú, tàu xe... Cán bộ đi học là nữ được hưởng 100.000đ/người/tháng (theo Quyết định 02/2009/QĐ-UBND ban hành ngày 12 tháng 01 năm 2009 của UBND thành phố Hội An về ban hành quy định thực hiện chế độ trợ cấp cho cán bộ đi học).
c) Chính sách sử dụng cán bộ, công chức
Các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức được các cấp chính quyền quan tâm, đảm bảo. Thành phố đã kịp thời điều chỉnh các chế độ tiền lương, phụ cấp, các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức theo đúng các quy định của Trung ương và Tỉnh. Thành phố cũng đã ban hành Quy chế xét tuyển, quản lý, sử dụng; chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ chính sách khác để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng là lao động hợp đồng làm việc tại các cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2011 của UBND thành phố Hội An).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thực tiễn được chú trọng, việc luân chuyển cán bộ được gắn liền với quy hoạch và đào tạo cán bộ. Chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức được luân chuyển được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND ngày 02/4/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam “Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ luân chuyển và thu hút cán bộ” (ngoài chế độ, chính sách hiện hành của nhà nước do đơn vị sử dụng cán bộ chi trả, cán bộ luân chuyển được hưởng chế độ trợ cấp một lần, bố trí nhà ở công vụ hoặc nơi ở thuận lợi, hỗ trợ tiền thuê nhà ở).
Việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá cán bộ, công chức thực hiện theo đúng quy chế, quy trình, thủ tục và thẩm quyền. Việc sử dụng, bố trí và quản lý cán bộ, công chức bước đầu đã căn cứ vào vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh.

Tin liên quan