Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam tại Cù Lao chàm

Ngày 28-4 (nhằm ngày 10.3 AL), nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Nghề Yến, Thành phố Hội An đã tổ chức Lễ đón bằng công nhận 4 loài cây ở Cù Lao Chàm là Cây Di sản Việt Nam, buổi lễ được tổ chức tại miếu Tổ Nghề Yến (Thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp - Cù Lao Chàm).

 4 loài cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam gồm quần thể 3 cây Ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình- Bãi Làng; cây Đa núi cao tại phía Tây đường Quốc phòng, trên sườn Đông đảo Hòn Lao; cây Kén và cây Nánh tại miếu Tổ nghề Yến – Thôn Bãi Hương.

Đón bằng công nhận cây Di sản Việt Nam

Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản nhằm vinh danh, tuyên truyền, quảng bá những giá trị của cây xanh, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn và phát huy Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

GS-TS Đặng Huy Huỳnh- PCT Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam (thứ hai từ trái sang) và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hội An làm lễ gắn bia Cây Di sản cho cây Kén ở miếu Tổ Nghề Yến - Bãi Hương 

Các bô lão chứng kiến lễ gắn bia cây Di sản cho cây Kén và cây Nánh tại miếu Tổ nghề Yến - Ảnh: Minh Hải

 

 Hai cây Nánh và cây Kén nằm ở bên phải và trái khu vực sân giữa tam quan và bình phong miếu Tổ nghề Yến, có tuổi gần 200 năm.Cây Kén nằm ở bên phải sân miếu, có tên gọi khác là Kên, Nuốt cò ke, tên khoa học là Casearia grewiaefolia Vent.var. deglabrata Koord &Val, thuộc họ Mùng quân. 

Cây Nánh nằm ở bên trái sân miếu, có tên gọi khác là Mát đen, Thàn mát rủ, Thàn mát nước, tên khoa học là Millettia nigrescens Gagnep, thuộc họ Đậu Cánh bướm. Hai cây cổ thụ làm cho miếu Tổ nghề yến thêm cổ kính, uy nghiêm đồng thời tỏa bóng mát cho sân miếu.