Dự án xí phần băm nát bãi biển

Hàng chục dự án bất động sản nằm “bất động” cắt nhỏ, băm nát bãi biển xinh đẹp Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đến Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

 

Dải bờ biển Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đến Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) dài hơn 30km được đánh giá là bãi biển du lịch đẹp cả nước.  

Biệt thự bỏ hoang nhiều năm của dự án Sontra Travel ở bãi Con, bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng - Ảnh: V.Hùng
Biệt thự bỏ hoang nhiều năm của dự án Sontra Travel ở bãi Con, bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng - Ảnh: V.Hùng

Đây là những dự án “đầu cơ” xí phần rồi chết gí suốt nhiều năm qua.

Dự án chục năm không rục rịch

Dải bờ biển bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) xanh mướt nay được khoanh lại thành từng vùng bởi nhiều dự án nhưng không dự án nào triển khai. Đầu tiên là một dự án bỏ hoang với hơn 50 căn biệt thự trên bãi biển thuộc bãi Nam bán đảo.

Dự án này đã xây xong phần thô, nay hoang phế, nằm xen lẫn với cây dại. Khu đất thuộc dự án không rào chắn, không một bóng người, không ai bảo vệ. Một người buôn bán gần đó cho biết mấy năm nay không thấy ai vào ra dự án.

Cạnh đó là dự án Sontra Travel rộng vài hecta thuộc bãi Con của Công ty cổ phần Sơn Trà cũng chỉ trơ trọi một tấm bảng, công trình vắng tanh. Dự án được khoanh lại bởi một hàng rào bằng tôn sát mép đường.

Tiếp đó là dự án Sơn Trà Resort của Savico và Công ty CP đầu tư Đà Nẵng Sơn Trà với quy hoạch là khu biệt thự, khu khách sạn, khu thể thao... cũng nằm im với những công trình dở dang. Lọt thỏm giữa dự án là một căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, đóng kín cửa, trên tấm bảng dự án không hề có địa chỉ liên lạc.

Kéo dài từ chân núi Sơn Trà lên phía trên là “siêu” dự án Bai But Bay Resort của Công ty CP Hải Duy (TP.HCM) và Công ty CP Đầu tư & dịch vụ TP.HCM (Invesco) được khởi công từ năm 2005. Khu du lịch phức hợp này đăng ký tổng vốn đầu tư đến 30 triệu USD trên diện tích 30ha (gồm 20ha mặt đất và 10ha mặt biển), hứa hẹn sẽ là “thiên đường” cho du khách khi đến nghỉ dưỡng.

Thế nhưng hàng chục năm trôi qua, “thiên đường” ấy vẫn chỉ là một hồ nước nhân tạo cùng một số nhà công vụ với dãy bờ tường dài hoành tráng, còn lại là đất rừng và bãi biển hoang sơ. Dự án này nhiều lần bị chính quyền TP Đà Nẵng “dọa” thu hồi, ra “tối hậu thư” nhưng đâu lại vào đấy.

Dọc bờ biển, từ đường Hoàng Sa đến đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa cũng có nhiều dự án chỉ là những bãi đất trống, những bãi biển trơ trọi cát, cây cối um tùm.

Cụ thể, dự án Anvie Danang của Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu, dự án The Song - Danang Beach Villas, dự án biệt thự dở dang nằm giữa resort Vinpearl với trạm biên phòng Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), dự án khu nghỉ dưỡng ven biển Non Nước của Công ty CP đầu tư du lịch Hà Nội Non Nước.

Trong khi các bãi biển bị các dự án “xí phần” đất thì bãi biển công cộng càng bị thu hẹp, người dân Đà Nẵng lẫn du khách khó lòng tìm đường xuống biển. Những ngày hè qua, các bãi biển công cộng nhỏ hẹp luôn quá tải người tắm biển, dưới biển thì đông nghịt người chen chúc chật hẹp, trên bờ không có bãi giữ xe.

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, hiện có 18 dự án du lịch bất động sản ven biển triển khai ì ạch, trong đó có một số dự án bị yêu cầu thu hồi, một số khác bị thanh tra, xử phạt.

Một dự án ven biển ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), công trình không một bóng người - Ảnh: V.Hùng
Một dự án ven biển ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), công trình không một bóng người - Ảnh: V.Hùng

Dấu hiệu chuyển nhượng dự án

Theo ông Nguyễn Điểu - giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, TP đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nhà đầu tư các dự án ven biển nhưng các chủ đầu tư vẫn để nhiều dự án dang dở từ năm này qua năm khác. Chính quyền TP Đà Nẵng đã rất nhiều lần ra “tối hậu thư” hối thúc, yêu cầu chủ đầu tư triển khai, chủ đầu tư cũng nhiều lần cam kết nhưng rồi đâu vẫn vào đấy.

“Hầu như dự án ven biển nào cũng kết hợp giữa du lịch và khai thác bất động sản. Các chủ đầu tư “ngâm” dự án không phải là do không có năng lực hay thị trường bất động sản đóng băng, mà do nguồn khách du lịch không ổn định nên họ không làm” - ông Điểu nói.

Ông Điểu còn thừa nhận có trình trạng các nhà đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhau. “Việc chuyển nhượng đó là việc làm của các nhà đầu tư, chưa bao giờ TP cho phép” - ông Điểu khẳng định.

Ông Trần Thọ, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết các ngành chức năng sẽ làm mạnh tay với tất cả dự án ven biển và quyết tâm thu hồi các dự án xí phần đất, nhiều năm không triển khai.

“Với các dự án ven biển, sức chịu đựng của TP có giới hạn. TP mà làm cứng quá thì họ nói TP không chia sẻ với chủ đầu tư trong thời điểm kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, các ông nhận đất rồi để đó chờ thời cơ chuyển nhượng dự án là không được. Có lúc buổi sáng chúng ta họp bàn thu hồi dự án thì buổi chiều họ đã tìm cách chuyển nhượng dự án rồi” - ông Thọ bức xúc nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Điểu cho biết lãnh đạo TP Đà Nẵng đã họp, thống nhất giao sở chủ trì đoàn liên quan để thanh tra, kiểm tra tất cả dự án ven biển. Hiện đoàn kiểm tra đã vào cuộc. Sau khi kiểm tra, đoàn sẽ có báo cáo và sẽ ra quyết định xử phạt đối với các chủ đầu tư không sử dụng đất hoặc sử dụng đất không đúng cam kết.

“Hiện có nhiều doanh nghiệp đăng ký đất làm dự án du lịch, dịch vụ nhưng không có đất. TP phải quyết ra tay xử lý, không thể để nguồn lực đất đai lãng phí, ảnh hưởng môi trường đầu tư” - ông Điểu nói.

Theo tìm hiểu, hiện có rất nhiều dự án chủ đầu tư đã chuyển nhượng hoặc thế chấp giấy chủ quyền sử dụng đất ở ngân hàng, chính quyền giải quyết vấn đề này thế nào? Ông Điểu trả lời: “Chắc chắn là thu hồi được.

Về mặt pháp lý, TP cho thuê đất, giao đất cho anh mà anh không triển khai sử dụng đất theo đúng cam kết, quy hoạch thì chúng tôi thu hồi. Việc anh mang thế chấp ngân hàng hay chuyển nhượng là quan hệ của chủ đầu tư với ngân hàng. Nhà nước khi thu hồi thì chỉ làm việc với chủ đầu tư mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quan điểm của lãnh đạo TP lần này là làm kiên quyết”.

Ông Điểu nói TP sẽ tính toán có thể thu hồi rồi tổ chức đấu giá lại khu đất thuộc dự án chậm triển khai, giao cho nhà đầu tư khác, sau đó có thể trả lại tiền mà chủ đầu tư cũ đã nộp vào ngân sách TP cộng với lãi suất ngân hàng. “Việc thu hồi dự án chắc chắn sẽ làm kiên quyết nhưng phải hài hòa để làm sao cho nhà đầu tư cũ bị thu hồi họ thấy thoải mái, tâm phục” - ông Điểu cho hay.

Một dự án bỏ hoang tại bờ biển P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá
Một dự án bỏ hoang tại bờ biển P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá

Hàng chục dự án nằm bất động ven biển Quảng Nam

Không chỉ bãi biển Đà Nẵng bị dự án cắt khúc, bờ biển Quảng Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đến biển Cửa Đại (TP Hội An), bờ biển không còn một chỗ trống bởi các dự án lẫn khu dân cư.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng D’Evelyn Beach của Công ty TNHH Quê Việt Quảng Nam rộng gần 5,4ha được UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi đất giao cho doanh nghiệp từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn bất động. Tương tự, dự án Trường Sơn Ảnh có hơn 7ha đất trống động thổ từ năm 2003, tới nay nhà dân vẫn chưa giải tỏa.

Ông Phan Minh Dũng - phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) - cho biết dù tỉnh đã thu hồi bốn dự án ven biển Điện Bàn với vài chục hecta đất nhưng hiện giờ còn hơn 10 dự án du lịch bất động sản chưa triển khai, chậm tiến độ. Các dự án chậm trễ làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế địa phương, gây đảo lộn đời sống người dân.

Thực tế cho thấy dọc bãi biển từ An Bàng đến Cửa Đại (TP Hội An) dài 7km được giao cho 11 dự án nhưng hiện có gần nửa số dự án chậm trễ, không có tiến độ. Từ dự án Lê Phan Resort 4,5ha từ năm 2004 đến các dự án Năm Sao (năm 2005), Qudos, Thái Bình Dương vẫn là bãi đất trống, mặt bằng dự án ngổn ngang giữa rừng cây và nhà dân.

Đặc biệt, ba dự án Fusion, Vinpearl và dự án của Công ty CP TM-DL-ĐT Cù Lao Chàm đã được chủ đầu tư đổ hàng trăm tỉ đồng để xây khu nghỉ dưỡng, khách sạn sát bờ biển Cửa Đại nhưng nay vắng tanh.

Còn ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết các dự án ven biển TP Hội An kéo dài nhiều năm do vướng mắc từ những khiếu nại thu hồi đất đai, chính sách giải tỏa, đền bù khiến việc giải phóng mặt bằng gian nan, có dự án kéo dài hàng chục năm.

Đó là chưa kể năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo, bị ảnh hưởng của thị trường địa ốc và nguồn khách du lịch hạn chế.

Riêng các dự án ven biển Điện Bàn, ông Phan Minh Dũng - phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - nói phần lớn phụ thuộc vào năng lực kinh tế của chủ đầu tư, các nhà đầu tư kéo dài triển khai dự án là để tìm đối tác hợp tác và chờ thị trường địa ốc, chờ du lịch ấm lên.

Một số dự án khác thì giá cả đền bù đất cho dân còn thấp, không hợp lý, xây khu tái định cư khó khăn nên không giải tỏa được đất giao cho nhà đầu tư. Ông Dũng cũng cho rằng đã có dấu hiệu một số dự án chờ đợi để chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác dù việc này bị cấm.

Đồng quan điểm với chính quyền TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết TP Hội An sẽ giảm diện tích dự án thấp xuống và những dự án mà nhà đầu tư không triển khai thì đề xuất thu hồi.

Dự án nào vướng giải tỏa, TP sẽ có biện pháp mạnh tay để thu hồi đất nhanh giao cho nhà đầu tư. TP sẽ cùng các chủ đầu tư ký cam kết tiến độ triển khai dự án, ký quỹ đầu tư, nếu họ vi phạm thì vừa mất tiền ký quỹ vừa bị thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án.

Đối với các dự án ở thị xã Điện Bàn, ông Phan Minh Dũng cho biết đã rà soát hơn 10 dự án ven biển, nếu dự án nào vướng giải tỏa đất thì địa phương sẽ tích cực giải quyết.

Với những dự án đã có đất sạch, ông Dũng nhấn mạnh: “Sẽ cùng nhà đầu tư bàn bạc, tìm giải pháp tốt nhất để chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án nhưng chính quyền cũng cương quyết không để tình trạng găm giữ, sang nhượng, lãng phí tài nguyên đất đai”.

VIỆT HÙNG - HỮU KHÁ (tuoitre.vn)

Tin liên quan