Anh em nhà họ Đặng

Hội An, vẫn ươm những mảng màu mới lên không gian cũ. Nhưng với cánh nhiếp ảnh, đây lại thành nỗi niềm khó diễn tả cho hết. Nhất là những người mê ảnh cũ, yêu mê Hội An như một định mệnh.

Trong buổi chiều nắng vẫn mê mải xiên qua tường rêu ngói cũ, người yêu Hội An qua ảnh, từ những bức ảnh chừng trăm năm trước đến những khung hình với kỹ xảo hiện đại của hôm nay, đôi lúc chùng xuống đầy ưu tư. Ngồi cùng nhau trong gian nhà cổ được Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho anh em CLB Nhiếp ảnh Hội An “thuê”, để nghe họ tỏ những niềm cũ từ câu chuyện mới của phố Hội. Trong câu chuyện ấy, hai anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đặng Kế Đông, Đặng Kế Cường như thể có một đồng điệu kỳ lạ khi cùng nhắc về Hội An ngày cũ, những “di sản” ảnh trăm năm của người sông Hoài.

Đặng Kế Đông và Đặng Kế Cường. Ảnh: SONG ANH
Đặng Kế Đông và Đặng Kế Cường. Ảnh: SONG ANH

1. NSNA Đặng Kế Đông, bậc đàn anh của phần lớn anh em nhiếp ảnh Hội An hiện nay, vẫn không thôi những ưu tư của một người chơi ảnh lâu năm. Chọn con đường nhiếp ảnh, đầu tiên là để mưu sinh, rồi mới trở thành một cuộc chơi nghệ thuật đầy may rủi, có lẽ người đàn ông này hiểu và từng vui mừng, đau khổ, âm thầm nếm đủ mùi vị của một kẻ lỡ vận vào mình một đam mê. Đặng Kế Đông chừng mực trong từng lời nói, không quá nồng nhiệt nhưng cũng không để bị chê là thờ ơ. Ông đĩnh đạc, chỉn chu từ vóc người đến khung hình. Bình tâm trước mọi đổi dời của thời cuộc. Và lặng lẽ chọn cho mình một góc riêng ở phố cổ, để “duy trì cho đặng một cái nghề gia truyền”. “Nghề ảnh”, xem ra sẽ khá mới mẻ với những người độ tuổi chừng 30 trở lại. Nhưng cái tên gọi nghề nghiệp này, từng là mơ ước của bao người thuộc thế hệ như Đặng Kế Đông. Khởi sự là một thanh niên mê hội họa, cũng đã đi học vẽ, Đặng Kế Đông nói, ông từng nghĩ sẽ thâu tóm hết mọi khung cảnh của phố Hội vào tranh của mình. Nhưng mê đắm của tuổi trẻ không đủ sức đánh bật lẽ mưu sinh. Những bề bộn của cuộc đời cơm áo đẩy người đàn ông này đến với “nghề ảnh”. Và may thay, ở vào hoàn cảnh tưởng tận cùng, người ta lại khám phá ra tiềm ẩn về năng lực bản thân. Một NSNA Đặng Kế Đông “ra đời” từ đây, sau bao thăng trầm, u uẩn, như đời của phố.

Tác phẩm “Từng trải” của Đặng Kế Đông.
Tác phẩm “Từng trải” của Đặng Kế Đông.
NSNA Đặng Kế Đông là một trong những người chơi ảnh nghệ thuật đầu tiên tại Hội An từ những thập niên 1980. Năm 2000, ông nhận giải thưởng từ cuộc thi nhiếp ảnh tại Bồ Đào Nha với tác phẩm “Hoa văn trên cát”. Tiếp sau đó, ông nhận được rất nhiều giải thưởng từ các cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế, khu vực và trong nước. Hiện ông được phong tước hiệu E.VAPA – Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc  Hội NSNA Việt Nam. Năm 2014, ông đoạt Huy chương Bạc với tác phẩm “Từng trải” của Cuộc thi ảnh quốc tế Gia Định 2014 do CLB Nhiếp ảnh Gia Định tổ chức, dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA), Hội Hình ảnh không biên giới của Pháp (ISF). Đặng Kế Cường cũng có những thành tích đáng nể trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Người em họ Đặng Kế Đức cũng không kém cạnh các anh mình, khi chỉ mới tham gia Hội Nhiếp ảnh chừng 2 - 3 năm nay, nhưng những tác phẩm của anh đã biểu lộ một tay máy tài năng.

Người ta nghĩ, nhiếp ảnh như một sự “chép” lại đời thực, chỉ vài mươi phút là cuộc đời đi vào ảnh, nhẹ tênh như không. Tưởng vậy thôi, để đạt được cái nhẹ thênh ấy, phải mất cả cuộc đời. Như cả đời ảnh của người tuổi đã vào độ chông chênh, coi được mất, danh vị như thể hư vô - Đặng Kế Đông nói, bói mắt bây giờ tìm vẫn không thấy cái “thần ảnh” thênh thang như thời các cụ ngày xưa. Thời của Trương Trừng, Huỳnh Sỏ, Hứa Văn Bân, Huỳnh Sau… những ông tổ của “nghề ảnh” Hội An. Bởi thời ấy, tao loạn nhưng không bị đứt rời giữa nghệ thuật, tri thức hay thậm chí những điều ấy còn gắn liền với đời sống xã hội. Còn bây giờ, một cư dân Hội An gốc như Đặng Kế Đông, vắt ký ức mình qua bao đổi dời của phố cổ, thì lại sợ không níu được hồn phố. Một người với biệt danh “người níu hồn phố cổ”, như cái cách bạn bè chơi ảnh cả nước đặt cho ông, giờ lại khiến họ Đặng ngậm ngùi. Dù có nhiều giải thưởng, tước hiệu quốc gia, quốc tế, người đàn ông này vẫn lặng lẽ riêng mình ở những góc u trầm của phố, ngắm ngõ hẻm hun hút, buồn tênh. Cái buồn lặm sâu cả vào mắt ảnh, để có những bữa thật sớm, vác máy đi quanh phố, rồi lại quay về tay không. Ông nói, độ này, hình như cảm xúc ông chững lại. Không phải vì nguồn đề tài đã cạn. Cũng không hẳn vì tuổi tác làm chùng chân. Ông ngại gặp những đoàn người cười nói ê chề trên phố, ngại gặp ánh đèn chớp nhoáng đủ màu giăng khắp phố cổ, ngại những khung cảnh sắp đặt để ra “hồn xưa phố cũ”. Hội An biến đổi và đông đúc lên từng ngày, thì cũng từng ấy thời gian, Đặng Kế Đông nói, ông tạm mang hồn mình gửi về những miền quê khác...  

2. Những mảnh buồn rời rạc neo trong lòng người dằng dặc và lô xô. Từ phố Hội, Đặng Kế Đông tạo cho riêng mình chỗ đứng với nghệ thuật nhiếp ảnh. Những khoảnh khắc bấm máy thừa sự dụng tâm nhưng cũng đủ hạnh ngộ giữa cái hồn nhiên trong veo của cảnh và sự từng trải qua nhiều cung bậc cuộc đời. Tình yêu và sự biết ơn không gian phố cổ khiến mỗi bước chuyển ở độ chùng chình được - mất của vùng đất này khiến ông đau đáu. Người em út của ông, Đặng Kế Cường, chừng như hiểu được tâm ý của anh, nên những khung hình của Cường, vẫn thẳm sâu những chiều kích văn hóa – điều luôn hiện hữu trong tác phẩm của NSNA Đặng Kế Đông. Như ước mong đi qua được những chặng đường dài mệt mỏi, lòng vẫn không quản ngại xin làm lại từ đầu. Đặng Kế Đông mang cả một đời ảnh của mình để chia sớt cho những người trẻ tuổi, nâng niu đam mê của họ. Vậy nên CLB Nhiếp ảnh Hội An, gần 20 năm thành hình, vẫn trọn vẹn những quan tâm của người trước người sau dành cho nhau. Còn nhớ cuối năm 2014, từ giới nhiếp ảnh Hội An, dư luận cả nước mới biết đến câu chuyện tác quyền ảnh và những thiệt thòi mà giới chơi ảnh nghệ thuật lâu nay phải chịu. Thời gian đó, cùng với các thành viên của CLB Nhiếp ảnh Hội An, Đặng Kế Đông và vợ bỏ hơn một tuần để “mật phục” tại Đà Nẵng, truy ra thông tin và gửi bằng chứng đến chính quyền, buộc phải làm cho đến cùng câu chuyện này. Nhắc chuyện, người như cơi lên nỗi lo, rằng biết ảnh của mình thì mình phải giữ, nhưng bỗng chốc nghệ thuật bị hạ giá đến bất ngờ. Những trân quý với cái cười, cái vui, cái mộng, cái khát khao vượt lên đời thực – những thứ chỉ có trong nghệ thuật, giờ như bị  khước từ, để thành khắc khoải.

Đọc tâm sự phố trên những mái nhà đọng hàng thế kỷ sương mưa, trên những mảng tường rêu phủ, trên những đầu hồi nhà, trên những ngọn đèn đêm chao đưa… trong ảnh của Đặng Kế Đông, Đặng Kế Cường và rất nhiều những NSNA phố Hội khác, mới thấy hết cái duyên và mê phố mà họ lỡ vận vào mình. Đặng Kế Đông nói ông coi ảnh của người thế hệ trước chụp về Hội An rất nhiều, từ những bức ảnh đầu tiên của hiệu ảnh Thiên Chơn Cát, rồi Lệ Ảnh, Vĩnh Tân…, coi và đọc nhiều đến nỗi giờ trí nhớ ông có thể viết được cả một địa chí lịch sử nhiếp ảnh của Hội An. Và có lẽ niềm mê phố của những NSNA sau này có đôi ba phần nguồn cơn từ những khung hình cũ kỹ, úa màu này. Những ngày học ảnh với cụ Hứa Văn Bân, tiếp xúc cách thức ông làm ảnh, tranh tối tranh sáng, mới nhận ra rõ ràng, đây hẳn là một cuộc chơi của sự độc thoại. Và bây giờ, sau gần 30 năm dấn thân vào nghệ thuật nhiếp ảnh, ở những ngày tuổi đời đã vào độ chín, mới nhận chân được, sự hiện diện vĩnh hằng của những tác phẩm nghệ thuật buộc cuộc đời sáng tạo phải luôn ở tâm thế cô độc. Bất chợt tôi tự hỏi mình, liệu ông có cô độc không, nhà nhiếp ảnh của phố Hội? Giữa dòng quên, nhớ, biết đâu mảnh buồn rời rạc làm nên từ sự cô độc, lại cơi lên những tận hiến, để bật tung ra những góc ảnh để đời…

SONG ANH (baoquangnam.com.vn)

 

Tin liên quan