Văn hóa thông tin sau đại thắng mùa xuân 1975 đến trước thời kỳ đổi mới

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi vẻ vang vào ngày 30/4/1975 mở ra một kỷ nguyên mới, một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước được hòa bình, độc lập và thống nhất, quá độ tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội (1975-1985)

Ngay sau ngày 30/4/1975, Bộ đã tổ chức nhiều đợt điều động cán bộ vào phía Nam. Đợt đầu có các đoàn: Cải lương Nam Bộ, Kịch nói Nam Bộ, ca múa miền Nam, Dân ca khu 5, Tuồng khu 5, Ca kịch Trị Thiên, với số lượng cán bộ diễn viên trên 500 người. Liền sau đó, Bộ điều động 12 đoàn nghệ thuật của Trung ương và trên 100 đoàn nghệ thuật của các tỉnh phía Bắc với trên 6000 cán bộ, diễn viên vào Nam cùng các đoàn văn công giải phóng biểu diễn tại các vùng mới giải phóng.

Cả nước ta tưng bừng kỷ niệm ngày hội non sông 30 năm Quốc khánh 2/9/1975. Ta đã tổ chức mít tinh, diễu binh, diễu hành quần chúng ở các tỉnh phía Nam, và tập trung nhất là cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành lớn ở Quảng trường Ba Đình, đồng thời với cuộc triển lãm Chiến thắng vẻ vang đế quốc Mỹ tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ.

Ở miền Bắc, chủ trương vừa khôi phục, vừa xây dựng đã cổ vũ cán bộ toàn ngành khẩn trương di chuyển các máy móc, thiết bị từ nơi sơ tán về thành phố và thị xã, khẩn trương khôi phục sản xuất,  xây dựng chương trình, tiết mục, đào tạo cán bộ và tổ chức hoạt động.

Năm 1976, năm đầu của kế hoạch 5 năm (1976 - 1980), Nghị quyết Bộ Văn hóa xác định nhiệm vụ và nội dung của hoạt động văn hóa, nghệ thuật phải tập trung vào hai chủ đề lớn là lao động sản xuất và thống nhất nước nhà, phục vụ cuộc tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội thống nhất, phục vụ Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng.

Tháng 4/1976, Bộ Văn hóa tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển ngành, các chuyên đề văn hóa quần chúng, nghệ thuật, đào tạo cán bộ, rút ra những bài học kinh nghiệm và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch 5 năm, có mời một số cán bộ lãnh đạo Sở, Ty Thông tin - Văn hóa các tỉnh phía Nam cùng dự.

Tháng 6/1976, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập. Chính phủ tổ chức Bộ Văn hóa do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Bộ trưởng.

Năm 1977, Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam ra  đời Xưởng phim truyền hình thuộc Tổng cục thông tin đã chuyển từ trước, nay chuyển tiếp phần truyền thanh các tỉnh sang Ủy ban phát thanh và truyền hình. Tổng cục thông tin hợp nhất với Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin theo Quyết định số 99 NQ/QHK6 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đến ngày 4/7/1981 đổi lại là Bộ Văn hóa theo Nghị quyết kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VII.

Ở miền Nam mới được giải phóng, do có những đặc điểm riêng Bộ đã tổ chức Hội nghị văn hóa miền Nam vào tháng 10-1976 để phân tích tình hình, xác định mục tiêu, phương hướng công tác cụ thể, khắc phục nhanh chóng sự không đồng đều về công tác văn hóa giữa miền Bắc và Nam với phương châm vừa cải tạo, vừa xây dựng.

Bộ đã điều động hơn 1000 cán bộ và biệt phái khoảng 300 cán bộ từ 6 tháng đến 2 năm cho các tỉnh miền Nam. Các tỉnh miền Nam đã san sẻ cán bộ cho các huyện thành lập Phòng văn hóa. Hoạt động văn hóa và thông tin được tăng cường.

Sách, báo cách mạng nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. Đài truyền thanh, phát thanh tỉnh, huyện được xây dựng. Các Đội thông tin lưu động, mạng lưới tuyên truyền viên, báo cáo viên và các phương tiện thông tin, cổ động khác làm chủ được mặt trận thông tin, kịp thời đập lại những luận điệu xảo trá, kích động chống lại ta.

Công việc cải tạo các cơ sở văn hóa tư nhân được tiến hành khẩn trương. Các đoàn nghệ thuật được sắp xếp lại. Sách, báo, phim ảnh, tiết mục, bản nhạc được rà soát, kịp thời quy định danh mục lưu hành, thiêu hủy và ngăn chặn những văn hóa phẩm phản động, độc hại. Đồng thời hướng dẫn và khuyến khích thể hiện các đề tài mới. Các cơ sở ấn loát được tổ chức lại Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Công ty in quản lý trên 1100 nhà in lớn nhỏ. Cả nước hình thành hai trung tâm lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và 4 trọng điểm: Hải Phòng, Quảng Nam Đà Nẵng, Nghệ An và Cần Thơ.

Ngành xuất bản chọn những sách và văn hóa phẩm thích hợp, gần 20 triệu bản và cả bộ khung cán bộ quản lý, phục vụ cuộc triển lãm sách “Nước Việt Nam là một” (12/1975). Các Nhà xuất bản đều thành lập chi nhánh ở Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, học sinh miền Nam đã được học giáo trình, sách giáo khoa theo chương trình mới. Từ 1981 - 1982, học sinh lớp 1 trong cả nước đã đủ sách học theo chương trình cải cách mới. Bộ sách gồm 6 cuốn, 16 triệu bản và 1 tỷ 600 triệu trang in.

Các thư viện, đội chiếu bóng kết nghĩa được chuyển về. Hiệu sách mới mở ra… làm cho bộ mặt văn hóa Miền Nam thay đổi rõ. Từ những hoạt động ấy, thông tin - văn hóa cả nước cùng nhau phát triển.

Mở rộng và nâng cao phong trào văn hóa quần chúng

Hội nghị tổng kết công tác văn hóa toàn quốc lần đầu tiên tổ chức tại thành phố Nam Định từ ngày 23 đến 28/3/1978.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV và các Chỉ thị 07 và 08 của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1977, khẩu hiệu hành động của ngành văn hóa và thông tin sau khi hợp nhất là: “Toàn ngành đồng khởi thi đua chuyển mạnh về địa bàn huyện và cơ sở phục vụ cao trào xây dựng chủ nghĩa xã hội, phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới".

Hội nghị đã được nghe giới thiệu mô hình văn hóa – thông tin thuộc các loại hình cơ sở, huyện, tỉnh, thành phố, trong đó Ty Văn hóa Hà Nam Ninh (cũ) là đơn vị được nhận lá cờ luân lưu của Chính phủ và huyện  Hải Hậu (Hà Nam Ninh cũ) được nhận lá cờ thi đua của Bộ về tập huấn. Bộ đã phất cao ngọn cờ văn hóa - thông tin huyện Hải Hậu, tổ chức thi đua với Hải Hậu và đã được 60 huyện trong cả nước đăng ký đuổi kịp và vượt Hải Hậu.

Hải Hậu thật sự là một điển hình văn hóa cấp huyện và trên địa bàn huyện: một thư viện với hàng chục ngàn bản sách, một Nhà bảo tàng với hàng trăm hiện vật, một Nhà triển lãm, Sân khấu và bãi chiếu bóng ngoài trời mà nổi bật là Nhà văn hóa huyện.
Hàng chục xã của huyện đều có Ban văn hóa - thông tin, có Đội văn nghệ, Nhà văn hóa, Câu lạc bộ, Thư viện, Phòng đọc sách, trong đó nhiều xã có đồng bào theo đạo Thiên chúa tổ chức tốt đời sống văn hóa tinh thần. Đội ngũ cán bộ cơ sở  được đào tạo ở trình độ trung học.

Chủ trương trên đây của Bộ đã có tác động đến các địa phương triển khai việc đem văn hóa tốt đẹp đến quần chúng ta và hướng dẫn phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng lại nhấn mạnh: "Phải đưa văn hóa thâm nhập cuộc sống hàng ngày của nhân dân ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, nông trường, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, hợp tác xã, phường đều có đời sống văn hóa".

Do đặc điểm của mỗi vùng, Bộ đã phân ra vùng miền núi phía Bắc, nông thôn đồng bằng sông Hồng, duyên hải miềnTrung, vùng tây nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông nam bộ và các thành phố để chỉ đặc cho sát hợp.

Để có căn cứ đánh giá một cơ sở có đời sống văn hóa, Bộ đề ra 6 mặt hoạt động: Thông tin cổ động; Đọc sách báo và thư viện; Văn nghệ quần chúng; Giáo dục truyền thống và hoạt động bảo tồn bảo tàng; Sinh hoạt câu lạc bộ; nhà văn hóa; Nếp sống văn minh; gia đình văn hóa.

Bộ coi trọng việc chỉ đạo hoạt động thực tiễn đi đôi với việc nghiên cứu lý luận để nâng cao nhận thức, soi sáng cho hoạt động thực tiễn, tổ chức hội thảo khoa học về đời sống văn hóa cơ sở.

Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Bộ có kế hoạch đem văn hóa nghệ thuật theo chỉ tiêu phân bổ, xác định cấp huyện cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp và liên kết giữa các ngành, các tổ chức xã hội cùng với ngành văn hóa của nhân dân. Kết quả căn cứ vào tiêu chuẩn cơ sở có đời sống văn hóa, Thái Bình đạt 90%, Nghĩa Bình đạt 80%, Đồng Nai 80% Hà Nội 90% và Hà Nam Nính đạt 93%.

Bộ đã chủ trương mở 3 cuộc vận động văn nghệ quần chúng: ca múa hát dân gian, kịch nói và kịch truyền thông, hát múa tập thể.

Những vốn văn nghệ dân gian của các dân tộc, ca kịch truyền thống đã được khơi dậy ở mọi miền của đất nước. Đồng bào các dân tộc ít người như Pa-dí, Tu-dí, Hà nhì…phấn khởi với bộ váy áo dân tộc đủ màu lần đầu tiên trình diễn trên sân khấu thủ đô Hà Nội những bài dân ca và điệu múa dân gian đặc sắc của dân tộc mình. 6000 đội ca khúc chính trị từ thành thị đến nông thôn đã đi khắp mọi miền đất nước để phục vụ tầng lớp nhân dân lao động.

Cuộc vận động xây đựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được duy trì ở nhiều đã phương.

Trong thời kỳ này, mạng lưới nhà văn hóa đã hình thành và phát triển

Ngày 30/6/1976 nhà văn hóa trung ương thuộc Bộ văn hóa được thành lập có vai trò là  trung tâm  hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa và thúc đẩy hình thành và phát triển mạng lưới nhà văn hóa trong toàn quốc.

Nhà văn hóa huyện Đông Hưng ra đời ngày 2/9/1978 là nhà văn hóa huyện đầu tiên, tiếp đó là nhà văn hóa huyện Thủ Đức ngày 7/11/1978, nhà văn hóa quận 6 thành phố Hồ Chí Minh năm 1976.

Hai nhà văn hóa trung tâm tỉnh đâu tiên được thành lập tháng 8 và tháng 10/1979 là nhà văn hóa trung tâm tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) và Hải Phòng. Từ đó đã hình thành hệ thống nhà văn hóa từ trung ương đến cấp huyện. Một số nhà văn hóa xã, phường được xây dựng. Ngoài ra còn có mạng lưới nhà văn hóa lao động, nhà văn hóa thanh niên, cung, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa trong quân đội được phát triển rộng khắp nhiều nơi trở thành trung tâm bồi dưỡng năng khiếu, nâng cao kiến thức và vui chơi giải trí lành mạnh cho các tầng lớp xã hội.

Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô là cung văn hóa đâu tiên ra đời ngày 1/9/1985, là con chim đầu đàn của mạng lưới nhà văn hóa lao động.

Hoạt động của các ngành chuyên môn ở Trung ương và địa phương

Điện ảnh có 4 xưởng phim sản xuất được 16 bộ phim truyện trong đó có bộ phim mầu đâu tiên “Ngày ấy bên Sông Lam”. Ngành phát hành phim tổ chức được 13 đợt phim mà nổi bật là đợt phim kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng và lần  thứ 90 ngày sinh Hồ Chủ Tịch với bộ phim Nguyễn Ái Quốc đến với Lê -nin, Đường về tổ quốc, Mẹ vắng nhà, Mùa gió chướng. Đặc biệt là bộ phim Cánh đồng hoang đã được giải thưởng quốc tế.

Ngành sân khấu mở bốn trại sáng tác viết được 108 kịch bản, tổ chức ba đợt liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp với các vở kịch nói như: Ngày và  đêm, Dòng sông âm vang, vở chèo Bài ca giữ nước vở cải lương Lý Thường Kiệt.

Ngành ca múa nhạc cũng khởi sắc trong liên hoan nghệ thuật toàn quốc. Các đoàn ca múa nhạc Đắc Lắc, Khơme Cửu Long, Bông Sen đã gây được ấn tượng mạnh mẽ. Ngành mỹ thuật, đã mở được chín trại sáng tác với 250 người dự. Đỉnh cao của thành tựu mỹ thuật là cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980 với 679 tranh và 145 tượng và phù điêu của 600 tác giả thuộc các thế hệ, các dân tộc và các thành phần trong xã hội.

Trong năm 1980, 21 Nhà xuất bản ở Trung ương và một số Nhà xuất bản địa phương đã xuất bản được 1500 tên sách với 30 triệu bản.

Thư viện quốc gia và mạng lưới thư viện địa phương đã có những hình thức trưng bày, triển lãm giới thiệu, kể chuyện sách, lập thư mục phục vụ những nhà nghiên cứu khoa học và những ngày lễ lớn.

Ngành bảo tồn báo tàng lập kế hoạch bảo vệ các khu đi tích như Tràng Kênh (Hải Phòng), Côn Sơn, Hạ Long, Yên Tử, Địa đạo Củ Tri, di tích Tháp Chàm ở Mỹ Sơn, Cổ Loa, Điện Biên… nhà nước đã đầu tư nhiều tỷ đồng để tôn tạo các di tích nổi tiếng.

Một sự kiện có ý nghĩa lớn trong thời gian này là Nhà nước đã tặng danh hiệu cho 92 nghệ sĩ nhân dân, 637 nghệ sĩ ưu tú có tài mở đầu từ năm 1983.

Một điều đáng chú ý nữa là chủ trương xây dụng hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin cấp huyện như Nhà văn hóa, Thư viện, Nhà truyền thống... bằng ngân sách do Bộ cấp cùng với ngân sách của tỉnh, huyện và nhân dân đóng góp đã tạo nên hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật về văn hóa - thông tin trong cả nước. Mở đầu là cuộc thi thiết kế mẫu nhà văn hóa và Bộ trực tiếp đầu tư 5 Nhà văn hóa huyện: Hải Hậu (Hà Nam Ninh), An Nhơn (Nghĩa Bình), Phụng Hợp (Cần Thơ), Tiền Hải (Thái Bình), và Đông Anh (Hà Nội). Đối với các dân tộc miền núi, vùng cao, hải đảo, biên giới và vùng sâu, Bộ đã kịp thời chuyển hướng phương thức đầu tư trực tiếp bằng thiết bị nghe nhìn qua Nhà văn hóa, Đội thông tin lưu động, mở đầu là huyện Đồng Văn (Hà Giang) năm 1989 và đến năm 1993 thì 1 00% số huyện miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo vùng sâu được hưởng ánh sáng văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Và để tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, Bộ đã quan tâm xây dựng các Nhà sáng tác (Xuân Hòa, Nha Trang, Đà Lạt...) thành lập Quỹ văn hóa (do Chính phủ quyết định tháng 2/1981). Quyền tác giả được Hội đồng Bộ trưởng ký Nghị định ban hành số 142/HĐBT ngày 14/11/1986 và đến ngày 10-12-1994 được Chủ tịch nước công bố thành Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả. Nhiều công trình văn hóa - thông tin được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp như: Rạp xiếc, Nhà hát Tuổi ttrẻ, Nhà hát Chèo Kim Mã, Hãng phim giải phóng, các trường Đại học văn hóa, Sân khấu điện ảnh, và khu văn hóa nghệ thuật Mai Dịch.

Về quan hệ với nước ngoài.

Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, một loạt quan hệ ngoại giao với các nước và khu vực mới được thiết lập. Nhưng quan hệ văn hóa - thông tin với các nước anh em vẫn giữ vị trí chủ chốt. Một loạt các hiệp định văn hóa đã được ký kết. Những ngày văn hóa của các nước anh em đã được tổ chức tại Việt Nam, với quy mô và mức độ chưa từng thấy. Ngược lại, những ngày văn hóa Việt Nam cũng được tổ chức tại nhiều nước.

Quan hệ với các nước anh em tiếp tục phát triển. Có năm ta đã đón trên 700 đoàn vào và cử ra nước ngoài trên 600 đoàn với hàng nghìn người. Bạn bè đã khẳng khái giúp đỡ ta trong việc xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa - thông tin.
Riêng đối với Lào và Campuchia là mối quan hệ đặc biệt đã có sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau từ lâu, trong quá trình đấu tranh cách mạng chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp.

Về quan hệ hợp tác văn hoá Việt - Lào.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ 1965 - 1975, hai nước đã cử các đoàn văn hóa thông tin nhằm trao đổi, tìm hiểu yêu cầu xây dựng và phát triển của nhau. Việt Nam đã cử các chuyên gia sang Lào để giới thiệu kinh nghiệm, nhận đào tạo và xây dựng các đoàn nghệ thuật, nhà in, đài truyền thanh.

Từ năm 1975 đến nay, thông qua các Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam và Lào, hai Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam và Lào đã cử những đoàn nghệ thuật sang biểu diễn nhằm giới thiệu những vốn và thành tựu nghệ thuật của mỗi nước, cử các đoàn đại biểu văn hóa - thông tin chuyên ngành của mỗi nước sang trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin. Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam đã cử những chuyên gia ca múa nhạc, sân khấu, bảo tàng, thư viện, thông tin, triển lãm, văn hóa quần chúng, mỹ thuật tổ chức đào tạo cán bộ sang Lào để giúp xây dựng, nâng cao các tiết mục ca múa nhạc , xiếc, giúp xây dựng bảo tàng cách mạng, quay các bộ phim tài liệu về những sự kiện quan trọng của nước bạn, thành lập xưởng in tráng phim...

Nhiều tình kết nghĩa Việt Nam- Lào cùng cử những đoàn nghệ thuật, đoàn đại biểu văn hóa thông tin sang thăm và biểu diễn nhằm tăng cường đoàn kết giữa các tỉnh kết nghĩa và giới thiệu những thành tựu và vốn văn hóa nghệ thuật của mỗi tỉnh.

Với Campchia

Nạn diệt chủng Polpot đã hủy diệt cả nền văn hóa truyền thống Campuchia; hủy diệt cả tâm hồn con người Campuchia biến con người thành một thứ súc vật, nhiều cán bộ văn hóa và nghệ sỹ Campuchia bị giết hại.

Việc hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau là nhằm sống lại truyền thống văn hóa, nghệ thuật Campuchia, củng cố tình đoàn kết Campuchia Việt Nam, tình đoàn kết ba nước Đông Dương.

Theo yêu cầu của Bạn và sự thỏa thuận giữa hai Chính phủ, Bộ Văn hóa Việt Nam đã cử sang Campuchia ngay từ đầu tháng 1/1979 một đoàn chuyên gia để giúp Bạn tiến hành ngay những công việc cần kíp trước mắt đồng thời nghiên cứu tình hình đặt kế hoạch hợp tác với Bạn lâu dài.

Sau một thời gian phục hồi, tháng 9/1979, Bộ Văn hóa Campuchia đã cử sang Việt Nam Đoàn ca múa quốc gia đi biểu diễn ở Hà Nội và nhiều địa phương nhằm giới thiệu nền nghệ thuật đặc sắc của Bạn. Ta cử sang Bạn Đoàn ca múa dân tộc.

Bộ Văn hóa Campuchia đã cử hai đoàn cán bộ sang Việt Nam nghiên cứu về in, xuất bản và điện ảnh. Việt Nam đã cử sang Campuchia các đoàn nghiên cứu về âm nhạc, về múa và điêu khắc. Theo sự thỏa thuận giữa ba nước Đông Dương, các cuộc liên hoan nghệ thuật được tổ chức hai năm một lần ở Vientiane, Phnom Pênh và Nha Trang.

Theo nghị định thư ký kết giữa hai Bộ, Bộ Văn hóa Việt Nam đã cử sang Campuchia nhiều chuyên gia các ngành. Chuyên gia ta dân tình giúp bạn, không quản khó khăn, gian khổ. Chủ yếu là chuyền kinh nghiệm để bạn vận dụng vào công việc của Bạn. Đến năm 1984, ta đã rút một số lớn chuyên gia và 1986 rút tất cả.

Theo sự đánh giá của Bạn, nền văn hóa nghệ thuật Campuchia, tám năm sau giải phóng, không những đã hi sinh mà còn phát triển hơn trước, bảo tồn và phát huy được bản sắc dân tộc độc đáo.

Tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước được củng cố.

Có thể nói hời kỳ này (1975-1985) cũng giống như thời kỳ 1955 đến 1964, ngành văn hóa và thông tin chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, tuy mấy năm đầu có lúng túng, bị động, khó khăn, nhưng đã vượt qua thử thách và phát triển toàn diện với một chất lượng mới trên phạm vị cả nước.

Đổi mới và tiến lên (1986 - 1995)

Hòa bình thống nhất đã được 10 năm. Tuy nhiên do hậu quả của chiến tranh, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, chiến tranh lại nổ ra ở phía Tây - Nam và biên giới phía Bắc, công cuộc xây dựng đất nước theo cơ chế tập chung quan liêu bao cấp bộc lộ nhiều sai phạm, chủ yếu duy ý trí, không phù hợp với quy luật khách quan.

Sự tan rã của các nước Đông Âu và Liên Xô đã tác động sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế và văn hóa ở Việt Nam.

Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, đòi hỏi phải đổi mới, mở cửa theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) là cột mốc của công cuộc đổi mới đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước.

Những năm 1986-1995, có thể nói là một giai đoạn đón lấy thời cơ mới và đương đầu với những thử thách mới. Mấy năm đầu (1985-1986) sau khi xóa bỏ bao cấp, có quan niệm sai lầm xóa bỏ bao cấp một cách máy móc, đồng loạt đã gây ra nhiều hậu quả. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật phải bươn chải, một số nơi chạy theo cơ chế thị trường, theo thị hiếu tầm thường, thậm chí thương maị hóa… khiến tư nhân, đầu nậu móc ngoặc với cơ quan Nhà nước gây nhiều hỗn tạp.

Lúc này, do giao lưu văn hóa từ nhiều nguồn tác động vào, đã nẩy sinh quan điểm tự do buông thả. Đến lúc đổi mới lại có nhiều sai sót trong việc truyền đạt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ chính trị về văn hóa, văn nghệ, quan điểm này lại được dấy lên gây không ít tác hại nhưng đã bị Phê phán, ngăn chặn.
Hoạt động báo Chí cởi mở, thoải mái hơn, phong phú, đa dạng hơn; làm cho hai chiều tiếng nói của Đảng, Nhà nước và của nhân dân đồng cảm.
Báo chí là mũi nhọn trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Mở đâu bằng một loạt bài: "Những việc cần làm ngay" của N.V.L. là một đòn đánh vào bọn tham nhũng và quan liêu. Báo chí hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng... tăng lên nhiều so với trước, nội dung phong phú hơn hình thức cũng đẹp hơn, tuy cũng có một số lệch lạc đã được uốn nắn. Tính đến nay, cả nước có 375 cơ quan báo và tạp chí với khoảng 360 triệu bản in; nhiều tờ báo được phát hành rộng rãi với số lượng rất lớn.

Phát thanh và truyền hình phủ sóng ở trong nước và ra cả một số khu vực nước ngoài; có cơ sở ở phần lớn các huyện và thị trấn, ở các vùng biên giới, hải đảo. Tuy vậy, báo in tập trung nhiều ở thành thị, gần như vắng bóng ở nông thôn. Phương tiện nghe - nhìn còn rất hạn chế ở nơi thiếu nguồn điện.

Xuất bản phát triển mạnh và phong phú hơn trước. Ngành in hiện đại hóa khá nhanh. Sách in nhiều loại hơn, đẹp hơn, nhưng cũng có một số Nhà xuất bản chạy theo xu hướng thương mại, để cho đầu nậu lợi dụng giấy phép chi phối nội dung phát hành và cơ sở in của Nhà nước.

Do được Nhà nước tài trợ, nhiêu Thư viện đã làm tốt việc bổ sung sách báo và phát huy sức sống của kho sách báo, tuy số người đọc giảm sút nhiều trong một số đối tượng. Các thư viện lớn đang chuyển hóa thành các trung tâm thông tin với trang thiết bị hiện đại để có thể phục vụ kịp thời, rộng rãi hơn.

Văn hóa nghệ thuật: Nhiều đợt biểu diễn đã được tổ chức thành công để chào mừng những ngày kỷ niệm lớn, nhiều cuộc thi sáng tác âm nhạc, cả bài hát và các thể loại khác như: độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng... đã được tổ chức, nhiều giải thưởng đã được trao tặng cho các tác phẩm xuất sắc. Hai đợt hội diễn năm 1992 với hơn 100 tiết mục múa mới được coi là một sự bùng nổ trong sáng tác ngành Múa.

Hàng trăm nhạc sĩ, ca sĩ đã có băng cát-xét hoặc vidéo tuyển tập (album) tác phẩm, tiết mục biểu diễn của riêng mình, là điều mà năm 1985  trở về trước chỉ là niềm mơ ước.

Tin liên quan