 |
Một buổi biểu diễn của đội bả trạo nữ của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An. |
Ở Quảng Nam, hiện chưa có một hội hay câu lạc bộ (CLB) nghệ nhân bả trạo chuyên nghiệp để truyền dạy cho lớp trẻ, chưa có sự thống nhất chung về kịch bản (một số nơi kịch bản bị thay đổi do nhiều nghệ nhân tự ý chỉnh sửa cho phù hợp với địa phương và ngữ cảnh). Tiếp đến là khó khăn trong việc xét tặng nghệ nhân ưu tú, trong khi các nghệ nhân tài năng hầu hết đã tuổi cao, sức yếu, bệnh tật. Ngoài ra, công tác thông tin truyền thông quảng bá giới thiệu nghệ thuật hò bả trạo còn chậm chạp, hạn chế nên người dân và du khách ít biết về loại hình nghệ thuật này.
Quan tâm hời hợt ?
Ngoại trừ một số CLB như CLB bả trạo Cẩm Thanh (Hội An), CLB bả trạo nữ Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An, CLB bả trạo Tam Thanh (Tam Kỳ), CLB bả trạo Bình Minh (Thăng Bình), thì phần lớn các CLB hò bả trạo vẫn chưa chuyên nghiệp, chỉn chu và bài bản. Việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật hò bả trạo cũng còn quá ít, chủ yếu được biểu diễn trong lễ Cầu ngư và ra quân đánh bắt hải sản đầu năm hoặc lễ Tế thu (tùy địa phương). Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật hò bả trạo.
Hiện nay ở Quảng Nam sử dụng 2 kịch bản hò bả trạo là kịch bản Long thần bả trạo ca (được trình diễn trước lăng cá Ông) và kịch bản Âm linh bả trạo ca (được trình diễn trên bãi biển). Các nghệ nhân am hiểu bả trạo hiện nay dường như chỉ đếm trên đầu ngón tay như nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Xa Văn Hùng (Thăng Bình), Phạm Đúng (Hội An). Ít là vậy nhưng đến nay, các nghệ nhân này vẫn chưa được công nhận nghệ nhân ưu tú dù đã tham gia nghiên cứu, biểu diễn nghệ thuật hò bả trạo hơn 35 năm.
Người viết bài này đã thực hiện một khảo sát người dân vùng biển (từ Điện Bàn đến Thăng Bình) về nghệ thuật hò bả trạo. Tiếc thay những người am hiểu về hò bả trạo quá ít, thanh niên vùng biển ngày càng hời hợt, lãng quên hò bả trạo; nghệ nhân biểu diễn thì không mặn mà trong việc tập luyện biểu diễn vì theo họ có nhiều khó khăn trong tập luyện, chế độ đãi ngộ… khiến cho một số diễn viên rút lui khỏi CLB hoặc không tham gia khi được mời.
Cần truyền dạy
Tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật hò bả trạo ở Nam Trung Bộ” (tổ chức tại Học viện Âm nhạc Huế hồi đầu tháng 12), các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ các tỉnh Nam Trung Bộ đã đưa ra một số đề xuất trong việc phát triển nghệ thuật hò bả trạo Nam Trung Bộ. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách tài trợ, đãi ngộ cho hoạt động truyền dạy nghệ thuật hò bả trạo, coi trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hóa cơ sở có trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của xã hội, địa phương. Cần có những chính sách bảo trợ tài trợ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của cư dân miền biển, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa miền biển để các CLB các địa phương trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Nên giới thiệu lý thuyết về nghệ thuật này cho học sinh THPT, THCS thông qua bộ môn âm nhạc, giáo dục nội dung và ý nghĩa nghệ thuật này cho học sinh miền biển, đưa nghệ thuật này vào sân khấu học đường, thí điểm ở một số địa phương ven biển. Tiếp đến là thường xuyên thông tin, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu đến nhân dân và du khách về nghệ thuật hò bả trạo, phát hành các ấn phẩm về nghệ thuật hò bả trạo, công chiếu và tăng thời lượng phát sóng trên truyền hình địa phương và các kênh truyền hình chuyên biệt về văn hóa nghệ thuật dân gian vào những ngày cuối tuần, dịp lễ tết. Đồng thời nghiên cứu đưa nghệ thuật hò bả trạo trở thành sản phẩm du lịch phục vụ nhân dân và du khách (ví như Công ty Du lịch Khoa Trần, Hội An đã thử nghiệm tại Cẩm Thanh). Tuy nhiên phải tham khảo ý kiến các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, bô lão trưởng ban khánh tiết các đình làng ven biển vì đây là nghệ thuật mang tính tâm linh tín ngưỡng.
Các nhà nghiên cứu về hò bả trạo ở Quảng Nam tham gia hội thảo này là Phùng Tấn Đông, Tôn Thất Hướng, Nguyễn Thị Thu Hiền đều có chung nhận định, để nghệ thuật hò bả trạo Quảng Nam được bảo tồn, phát triển thì cần phải có lộ trình hợp lý, có những nhân tố, nguồn lực am hiểu văn hóa nghệ thuật dân gian, có nguồn kinh phí hoạt động ổn định. Đặc biệt phải có sự chung tay của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý văn hóa địa phương, sự ủng hộ của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ và những người có tâm huyết, đam mê loại hình nghệ thuật độc đáo này.
(Hát bả trạo là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ ở các vùng miền ven biển Trung Bộ, từ Bình Trị Thiên đến Bình Thuận, nhưng nghệ thuật này phát triển chủ yếu từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Xứ Quảng là một trong những địa phương lưu giữ “nguyên bản” nghệ thuật hò bả trạo và được biểu diễn ở các địa phương ven biển trong lễ hội Cầu ngư (Nghinh Ông), hoặc lễ đưa tang cá Ông. Ngày nay, nghệ thuật này còn có mặt trong nhiều hoạt động lễ hội dân gian, hoạt động giải trí, du lịch... làm tăng tính hấp dẫn và phong phú của hò bả trạo. Nội dung và ý nghĩa của hò bả trạo xứ Quảng là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu trời yên biển lặng, ngư dân được mùa thu hoạch, thể hiện bản sắc văn hóa đặc thù miền biển, sự đồng tâm đồng lòng tương thân tương ái của ngư dân miền biển, thể hiện phương ngữ đặc trưng xứ Quảng. Bên cạnh đó thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của ngư dân miền biển đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, những tai ương trên biển. Đồng thời cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là hò và chèo (động tác cầm mái chèo khác với hát chèo miền Bắc) để đưa những linh hồn, oan hồn vong mạng bất đắc kỳ tử về nơi vãng sanh cực lạc.)
LƯU ĐỖ ANH VĂN (baoquangnam.com.vn)