Nhà thờ tộc

1. Khái quát về di tích nhà thờ tộc họ ở Hội An

Trong di sản kiến trúc ở Hội An, nhà thờ tộc họ chiếm số lượng không nhỏ. Theo số liệu thống kê có khoảng 45 ngôi nhà thờ tộc họ có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc. Đây là công trình kiến trúc thờ tự các bậc Tiền hiền và Hậu hiền của mỗi tộc họ, là thiết chế văn hóa quan trọng của tộc họ. Một số di tích tín ngưỡng nhà thờ tộc họ có niên đại hình thành cách đây đến 200 năm. Tùy vào điều kiện riêng của mỗi tộc họ mà quy mô xây dựng, giá trị nghệ thuật của mỗi ngôi nhà thờ có sự khác nhau. Tuy nhiên, trên bình diện tổng thể, nhà thờ tộc họ ở Hội An cấu tạo chủ yếu kiểu chữ nhất và không có nhà đông, nhà tây. Một số ít cấu tạo kiểu chữ nhị như nhà thờ tộc Đỗ ở Cẩm Kim,... hoặc có nhà đông/nhà tây như nhà thờ tộc Lê Doãn ở khối An Thái và tộc Trương ở khối An Thắng, phường Minh An. Nhà thờ tộc họ có tường xây bằng gạch, cột gỗ tròn đặt trên đá táng. Vì kèo có nhiều loại gồm cột trốn kẻ chuyền, trính chồng trụ đội, vì vỏ cua. Một số ngôi nhà thờ kết hợp giữa trính chồng trụ đội với vì vỏ cua và vì kẻ chuyền tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc của ngôi nhà thờ. Bẩy hiên của một số ngôi nhà thờ được chạm trổ cầu kỳ hình con cá vẫy đuôi đỡ đòn tay chân thổ. Mái lợp ngói âm dương và cũng được trang trí công phu đề tài lưỡng long tranh châu, các con vật trong bộ tứ linh. Vẻ đẹp kiến trúc kết hợp với hệ thống trang trí nội thất như hoành phi, liễn đối và hệ thống thờ tự càng làm cho ngôi nhà thờ tăng thêm phần tôn kính, linh thiêng. 

2. Một số nhà thờ tộc họ tiêu biểu

Nhà thờ tộc Phan Xuân: Tọa lạc tại thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim. Đây là nơi thờ tự thủy tổ và các vị tiền nhân của tộc Phan Xuân, một nhánh lớn của tộc Phan xuất hiện rất sớm ở làng Kim Bồng, đã góp công khai dựng làng quê, làng nghề mộc, nề Kim Bồng từ khoảng thế kỷ XVI. Ngôi nhà thờ có kiểu thức kiến trúc đặc trưng của một công trình tín ngưỡng ở làng quê truyền thống với cổng kiểu tam quan, bình phong hình cuốn thư, nhà chính kiểu ba gian hai chái với hệ vì kèo gỗ được khắc chạm công phu. Đặc biệt, ngôi nhà thờ này được xây dựng nên bởi bàn tay tài hoa của các thợ mộc Kim Bồng. Tài liệu Hán Nôm lưu trữ tại nhà thờ cho biết có một số nghệ nhân mộc - nề của tộc được triều Nguyễn trưng tập làm việc tại kinh thành Huế, được sắc phong, vi bằng. Ngôi nhà thờ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. 

Nhà thờ tộc Phan Xuân - Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 

Nhà thờ phái nhất tộc Nguyễn Tường: Tọa lạc tại khối Hoài Phô, phường Cẩm Phô. Đây là nơi thờ tự các vị tiền nhân tộc Nguyễn Tường trong đó nhiều vị khoa bảng, đại quan như Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân, Hàn lâm viện thị giảng Nguyễn Tường Vĩnh,... và các nhà văn nổi tiếng trong Tự lực văn đoàn vào đầu thế kỷ XX là Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thạch Lam. Ngôi nhà thờ này được xây dựng vào thế kỷ XIX và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Ngôi nhà thờ có kiểu dáng ba gian hai chái ba lòng, hệ cửa thượng song hạ bản, mái lợp ngói âm dương. Đặc biệt, hệ vì kèo ở lòng nhất là kiểu cột trốn kẻ chuyền, kèo lòng nhì lại là chồng rường giả thủ và lòng ba là vì vỏ cua đỡ mái thừa lưu trông rất nhẹ nhàng. Ngôi nhà thờ được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2008. 

Nhà thờ phái nhất tộc Nguyễn Tường - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 

Nhà thờ tộc Trần Thanh: Tọa lạc tại khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô. Chưa rõ niên đại xây dựng nhưng ngôi nhà thờ đã được tu bổ lần đầu tiên vào năm Bảo Đại thứ 14 (1939). Ngôi nhà thờ có mặt tiền hướng Đông Bắc, kết cấu theo kiểu ba gian hai chái, hệ chịu lực bằng gỗ, vì kèo kiểu kẻ chuyền kết hợp với vì vỏ cua, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc đắp nổi tạo dáng hơi cong hình thuyền, bờ chảy giật cấp uốn lượn trông thật uyển chuyển mềm mại. Kèo, trính và một số chi tiết kiến trúc khác được tạo dáng mềm mại bởi các gờ chỉ, đuôi kèo cách điệu. Đặc biệt là vài vỏ cua ở hiên chạm trổ hình con cá rất kỹ xảo và có một khám thờ phía sau án thờ chính được làm bằng kỹ thuật cổ truyền từ các vật liệu tre, rơm, vôi ghè, ngói đất nung... Ngôi nhà thờ được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2008. 

Nhà thờ tộc Trần Thanh -Ảnh: Hồng Việt

 

Nhà thờ tộc Nguyễn Viết: Tọa lạc tại khối Thanh Chiếm, phường Thanh Hà. Tộc Nguyễn Viết - Thanh Hà là một trong những tộc có quá trình định cư ở Hội An vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI và có công góp phần khai dựng nên làng quê, làng nghề gốm Thanh Hà. Nhà thờ tộc này là nơi thờ tự thủy tổ và các vị tiền nhân tộc Nguyễn Viết. Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ XIX, đã trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay nhà thờ có kết cấu 3 gian, hai chái, vì kèo gỗ kiểu cột trốn kẻ chuyền. Ngôi nhà thờ được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2008.