Giếng cổ

1. Tổng quan về di tích giếng cổ ở Hội An

Đào giếng để khai thác mạch nước ngầm phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt như nấu ăn, uống, tắm giặt,… xuất hiện từ lâu trong lịch sử với nhiều hình thức khác nhau, phản ánh trình độ kỹ thuật cũng như khả năng về mặt phong thủy trong nhận biết, truy tìm nguồn nước ngọt của các lớp cơ dân. Ở Hội An, giếng cổ hiện còn với số lượng phong phú, loại hình đa dạng, có niên đại vào nửa đầu thế kỷ XX trở về trước. Hầu hết các giếng cổ phân bố ở khu vực dọc bờ Bắc sông Đế Võng, thôn Thanh Đông, thôn Võng Nhi - xã Cẩm Thanh, khối An Bang - phường Thanh Hà và đặc biệt là trong khu phố cổ. Vị trí trên bình diện địa hình là phía Nam cồn cát, dọc bờ Bắc những dòng chảy cổ, thông thường nằm cách sông khoảng từ 50 - 150m, đặc biệt nhiều giếng chỉ cách sông 6 - 10m. Nếu như ở vùng ven, giếng nằm trong vườn nhà dân và phổ biến kiểu giếng hình tròn thì tại khu phố cổ kiểu giếng xuất hiện nhiều nhất là giếng hình vuông và trên tròn dưới vuông, chúng nằm trong khuôn viên của các di tích tín ngưỡng như hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu của người Minh Hương, người Ngũ Bang. Giếng nằm ở phía đông hoặc bên trái trục dọc của công trình tín ngưỡng hoặc ngôi nhà ở chiếm tỉ lệ rất cao. 

Các giếng cổ hiện còn ở Hội An có độ sâu từ 220cm - 570cm, có thể chia thành 3 kiểu dáng cơ bản gồm kiểu hình tròn, hình vuông và hình trên tròn dưới vuông. Ngoài ra còn có một số kiểu khác không phổ biến như kiểu trên vuông dưới tròn, trên tròn dưới lục giác và trên bát giác dưới tròn. Kiểu giếng hình tròn có đường kính miệng từ 90-120cm(mép trong), được  xây chủ yếu bằng gạch, một số giếng xây bằng đá cong hình vành khăn hoặc kết hợp đá cong hình vành khăn với gạch. Về vật liệu gạch, có hai kiểu dáng cơ bản là gạch hình hộp chữ nhật và gạch cong hình vành khăn. Gạch hình hộp chữ nhật có nhiều kích cỡ khác nhau song có độ dày phổ biến là 4,5cm. Gạch cong hình vành khăn cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, độ dày thường gặp là 4cm. Về vật liệu đá gồm có đá granit hoặc sa thạch cong hình vành khăn, có chiều rộng từ 20-30cm. Đá xây giếng với hình thức nhiều viên đá cong đặt chồng lên nhau theo chiều đứng. Phía dưới thành gạch của kiểu giếng hình tròn đều có khung gỗ hoặc khung đá (khuôn cụi) hình vuông khá dày. 

Kiểu giếng hình vuông  có cạnh từ 60-120cm(cạnh trong), được xây chủ yếu bằng gạch, một số xây bằng gạch và đá thanh. Vật liệu gạch chỉ có một loại cơ bản là gạch hình hộp chữ nhật. Loại gạch này cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, song phổ biến ở độ dày 3,5cm và 4cm. 

Kiểu trên tròn dưới vuông có đường kính miệng từ 73-142cm (mép trong), phân bố chủ yếu trong khu phố cổ Hội An. Cũng như kiểu giếng hình tròn và hình vuông, giếng hình trên tròn dưới vuông xây bằng gạch chiếm tỉ lệ tuyệt đối. Ở góc vuông tại vị trí tiếp giáp với phần hình tròn được xây đá. Mặt thành của phần hình vuông rất phẳng, đều. Phía dưới thành gạch có khung gỗ hình vuông khá dày. Vật liệu gạch xây giếng có hai loại gồm gạch hình hộp chữ nhật và gạch cong hình vành khăn. Gạch hình hộp chữ nhật có nhiều kích cỡ khác nhau song có độ dày phổ biến là 4 cm và 4,5 cm. Gạch cong hình vành khăn có độ dày từ 3,5 - 3,7 cm. Vật liệu đá xây ở phần hình vuông của giếng là đá thanh bằng sa thạch màu xám xanh, có chiều rộng 40 cm, được xếp chồng lên nhau rất khít. 

Ngoài ra có 3 giếng kiểu hình trên tròn dưới lục giác, trên vuông dưới tròn và trên lục giác dưới tròn. 

Giếng là loại hình di tích mang tính chất lịch sử, nó được xây dựng trong những điều kiện nhất định, là một trong những phương thức khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt của cư dân Hội An xưa. Những giếng cổ ở Hội An hiện nay có niên đại xây dựng không đồng nhất, có thể hình thành ở nhiều thời điểm khác nhau của nhiều thế kỷ. Đến nay vẫn chưa sưu tầm được tư liệu văn bản nào đề cập đến việc xây dựng giếng để có thể xác định chắc chắn niên đại cụ thể của nó. 

2. Một số giếng cổ tiêu biểu

Giếng Xóm Cấm: Tọa lạc tại xóm Cấm, thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm).  Cộng đồng người Việt tại Cù Lao Chàm, được định hình và phát triển vào các thế kỷ XVI - XVII. Trải qua quá trình sinh sống, cư dân Việt đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, dân sinh như đình, chùa, lăng, giếng,... để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong đó, cư dân địa phương đã kế thừa sử dụng và tu bổ, tôn tạo các giếng do người Chăm xây dựng từ trước cho phù hợp các tập quán sinh sống của mình. Giếng Xóm Cấm nằm ở khu dân cư thôn Cấm. Đây là một trong những giếng cổ ở Cù Lao Chàm mang đậm phong cách kiến trúc Chăm, giếng có đường kính 118 cm, sâu 450 cm, lòng giếng xây gạch hình cổ áo (vành khăn), tô vữa vôi, dưới đáy có 4 thanh đà gỗ lim ghép lại thành hình vuông. Theo các nguồn tư liệu thư tịch cổ, thương thuyền quốc tế trên con đường hàng hải thường ghé vào Cù Lao Chàm để tiếp thêm lương thực, thực phẩm và nước ngọt tại các giếng nước ở đây. Đặc biệt, hiện nay giếng Xóm Cấm vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và được người dân địa phương sử dụng bởi nguồn nước dồi dào, trong, ngọt mát lạnh. Giếng xóm Cấm được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006. 

Giếng Xóm Cấm - Ảnh: Hồng Việt

 

Giếng Bá Lễ: Tọa lạc tại khối An Thái, phường Minh An. Tương truyền đây là giếng được xây dựng vào thời kỳ Champa, đã qua nhiều lần tu sửa. Trong đó, vào đầu thế kỷ XX, bà Bá Lễ ở gần giếng đã bỏ ra 100 đồng Đông Dương để đại tu và vì thế sau đó người dân gọi là giếng Bá Lễ. Giếng có hình vuông, mặt tường phía Tây gắn liền với tường nhà một người dân. Giếng sâu 615 cm, bên dưới có khung gỗ lim, thành giếng xây bằng gạch, phần nổi lên cao 80 cm, tô xi măng. Giếng cho mạch nước ngọt, dồi dào, trong suốt và góp phần tạo nên tính đặc trưng của nhiều đặc sản ẩm thực của Phố cổ, đặc biệt là Cao lầu. Gắn liền với giếng Bá Lễ còn có một nghề rất bình dị ở Phố Hội là nghề gánh, đổi nước.

Giếng Bá Lễ - Ảnh: Hồng Việt

 

Giếng đá Trà Quế: Tọa lạc tại  thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà. Giếng nằm giữa Làng Trà Quế xanh ngát màu rau, có hình lăng trụ, đường kính miệng ngoài là 100 cm, thành dày 10 cm, độ sâu 412 cm. Tương truyền, giếng được xây dựng vào thời Champa và có điểm đặc biệt là được xây bằng đá, có mạch nước trong ngọt, dồi dào, được dùng để sinh hoạt và tưới nước cho làng rau Trà Quế từ bao đời nay. Giếng đá Trà Quế nằm sát sông Cổ Cò, một đoạn sông thông thương quan trọng giữa hai đô thị thương mại Hội An và Đà Nẵng trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, chắc hẳn đã góp phần trong hệ thống giếng nước ngọt ven biển phục vụ trao đổi nước ngọt cho các thương thuyền trên biển. Hiện nay, giếng đá Trà Quế là một trong những điểm tham quan chính của làng rau Trà Quế.

Giếng đá Trà Quế - Ảnh: Hồng Việt

 

Giếng Tứ Tộc: Tọa lạc tại thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim. Giếng này được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX, có tên gọi dân gian là giếng Tứ tộc bởi tương truyền do 4 tộc tiền hiền làng Kim Bồng xưa góp công xây dựng. Liên quan đến giếng này còn có nhà thờ Tứ tộc nhưng đến nay ngôi nhà thờ đã bị hư hại hoàn toàn.

Kiểu giếng hình tròn sâu 350 cm, thành giếng được xây bằng gạch thẻ, liên kết bởi lớp vữa hợp chất. Các lớp gạch được xây nằm ngang, không giống các giếng cổ khác ở Hội An. Giếng có mạch nước ngọt dồi dào, từng cung cấp nguồn nước sinh hoạt hàng ngày cho cư dân địa phương. Di tích liên quan đến cuộc sống đời thường của cộng đồng dân cư và chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử - văn hóa của vùng đất Kim Bồng – Cẩm Kim.