Năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An bắt đầu tiếp cận với công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART. Thời điểm đó chỉ có các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn trên cạn áp dụng công cụ này và đến năm 2020, công cụ SMART chính thức được áp dụng tại đây.
Tuần tra viên thu thập và ghi lại dữ liệu về những nơi họ đi và những gì họ thấy, chẳng hạn như các hoạt động của con người, các biện pháp xử lý, các quan sát về động vật hoang dã và các đặc điểm sinh cảnh. Dữ liệu này được quản trị viên đưa vào phần mềm SMART trên máy tính và xử lý lỗi, sau đó phân tích và tạo báo cáo.
Báo cáo của bà Nguyễn Hồng Thuý và ông Huỳnh Ngọc Diên – Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, dữ liệu được xử lý thành các bảng, biểu đồ và bản đồ trực quan thể hiện nỗ lực, phạm vi và kết quả tuần tra, tạo cơ sở cho việc phân tích và đánh giá hiệu quả của quá trình tuần tra. Tiếp theo, dựa trên báo cáo tạo được đánh giá và phản hồi, thảo luận về những kết quả đạt được, từ đó xây dựng kế hoạch, chiến lược tuần tra trong giai đoạn tiếp theo.

Ứng dụng công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra tại Cù Lao ChàmLà đơn vị đầu tiên trên cả nước áp dụng công cụ SMART vào tuần tra, kiểm soát ở Khu bảo tồn có hợp phần biển nên ban đầu gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, SMART đã giúp Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chủ động và khoa học hơn trong công tác báo cáo, xác định xu hướng trong khai thác thủy sản của ngư dân, từ đó giúp Khu bảo tồn biển hướng dẫn ngư dân khai thác hiệu quả hơn nhưng không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn biển. Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển tự tin nắm bắt, vận hành và ứng dụng sâu rộng trên các tuyến, hình thức tuần tra.
SMART là một công cụ hỗ trợ quản lý, giúp đội tuần tra có thể nắm được các thông tin khai thác, du lịch một cách nhanh chóng, ngành nghề khai thác theo mùa vụ, diễn biến khai thác theo mùa để thay đổi linh hoạt các phương thức tuần tra khác nhau hoặc đề xuất các biện pháp khác nhằm ngăn chặn các hành vi không đúng quy chế Khu bảo tồn và các quy định liên quan.
Ông Huỳnh Ngọc Diên cho biết, năm nay còn mở rộng các trường thông tin thu thập dữ liệu để theo dõi động vật hoang dã (còn sống hay đã chết, các đối tượng như rùa biển, cá heo…), các chương trình điều tra đa dạng sinh học, sự cố môi trường; tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng đồng thời đào tạo, tập huấn và áp dụng chương trình SMART nâng cao, SMART connect.
Công nghệ mới & Năng lượng sạch
Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho biết, từ năm 2017, chương trình quan trắc môi trường khu dự sinh quyển đã được triển khai, hình thành được cơ sở dữ liệu theo dõi giám sát về chất lượng môi trường nước của thành phố. Hội An đã hoàn thành việc lắp đặt trạm kết nối truyền dữ liệu quan trắc tự động (online) để giám sát hoạt động xả thải đối với nhà máy xử lý nước thải tập trung. “Đây là một trong những ứng dụng công nghệ mới phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ bảo tồn và phát triển đa dang sinh học trong khu sinh quyển” – Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo, nói.
Hội An đang chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường. Hiện thành phố có 239 hộ gia đình, doanh nghiệp ký hợp đồng bán điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất là 5MW. Một số công sở đã lắp đặt điện mặt trời như Quảng trường sông Hoài, Lò giết mổ gia súc, UBND phường Sơn Phong,…

Xe điện sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trườngSau khi Đề án thí điểm sử dụng xe điện đưa đón khách trong nội thị Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt vào tháng 11/2016, đến tháng 1/2017, thành phố có 50 xe điện được đưa vào sử dụng, lưu thông trên 3 tuyến cố định là Bến xe phường Tân An đi phố cổ, đi biển An Bàng và biển Cửa Đại.
Hiện toàn thành phố có 2 doanh nghiệp tham gia sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy năng lượng điện vận chuyển hành khách du lịch trong khu vực nội thành với 60 chiếc. Ngoài ra, trên lĩnh vực du lịch, chế biến thực phẩm, các thiết bị điện đang dần trở nên phổ biến, thay thế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu truyền thống.
Ông Nguyễn Minh Lý – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết: “Hội An đã triển khai ứng dụng công nghệ kè mềm, kè sinh thái chống sạt lở bờ sông, bảo vệ bờ biển Cửa Đại. Nhiều đề tài khoa học ứng dụng như điều tra chất lượng môi trường nước ngầm nông tại Hội An và Cù Lao Chàm, các giải pháp sản xuất phân compost từ rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và khu dân cư,… Việc sử dụng năng lượng sạch và ứng dụng công nghệ mới vào công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cộng đồng đã mang lại hiệu quả và bền vững”./.