Gắn bó với nghề trồng rau mấy mươi năm qua, mỗi ngày vác cuốc ra vườn, ông Lê Văn Thảo, người trồng rau Trà Quế không khỏi vui mừng và tự hào khi làng nghề truyền thống quê mình vừa được vinh doanh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Tôi lấy làm vui sướng và tự hào vì làng nghề đã được tôn vinh như thế” – Ông Lê Văn Thảo, nói:

Ông Lê Văn Thảo lấy làm vui sướng và tự hào vì làng nghề đã được tôn vinhTrải qua hơn 400 trăm năm hình thành và phát triển, nghề trồng rau Trà Quế đã bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Từ nghề trồng rau đã hình thành nguồn tri thức dân gian bản địa rất đa dạng, độc đáo cùng những di sản văn hóa phi vật thể liên quan quá trình canh tác. Đặc biệt, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc rau, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề nghiệp đã được cộng đồng thường xuyên thực hành, trao truyền.
Qua quá trình khảo sát lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Lê Thị Ngọc Hương – Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An, cho biết: “Cùng với lịch sử hình thành và phát triển, Trà Quế có những đặc trưng về thổ nhưỡng. Thứ hai là giống cây trồng được người dân địa phương duy trì là giống cây bản địa.”
Cùng với nguồn giống cây trồng chủ yếu là giống bản địa được duy trì cách đây hàng trăm năm, nông dân Trà Quế đã giữ gìn phương thức canh tác truyền thống từ công đoạn chọn, bảo quản giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ, đồng thời tích lũy kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp, cách thức sản xuất để có sản phẩm rau đảm bảo chất lượng, an toàn.

Kỹ thuật gieo trồng, lễ hội nghề nghiệp được cộng đồng thực hành, trao truyềnTrà Quế có 55 loại rau với nhiều loại đặc trưng, là nguyên liệu không thể thiếu trong đặc sản của địa phương và còn là những vị thuốc dân gian có tác dụng chữa bệnh.
Với diện tích gieo trồng 18,5ha, Trà Quế hiện có 207 hộ chuyên trồng rau với 345 lao động với năng suất đạt gần 800 tấn mỗi năm, giá trị đạt trên 10 tỷ đồng. Phần lớn sản phẩm của làng rau được cung cấp cho các siêu thị ở Đà Nẵng và các chợ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Hội An. Từ năm 2003, các chương trình khai thác tour tham quan, trải nghiệm tại đây đã đi vào hoạt động. Bình quân mỗi năm, làng rau Trà Quế đón hơn 20 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm với doanh thu từ bán vé 350 đến 400 triệu đồng.
Ông Mai Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà – TP. Hội An, nói:“Để phát huy và gìn giữ làng nghề, chúng tôi vận động nhân dân tiếp tục phát huy các giá trị văn hoá của làng nghề, đưa thương hiệu rau Trà Quế thành sản phẩm đặc trưng, trở thành sản phẩm du lịch gắn với vùng miền, gắn với con người và mảnh đất Trà Quế”.
Hiện địa phương đang tăng cường công tác quản lý quy hoạch để gìn giữ nếp xưa của một làng nghề truyền thống đồng thời xây dựng thương hiệu Trà Quế gắn với du lịch cộng đồng, du lịch xanh, phấn đấu đưa Trà Quế thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Hội An và là điểm du lịch nông nghiệp độc đáo của cả nước./.