Một góc làng Kim Bồng nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
Tại đây, muộn nhất vào nửa đầu thế kỷ 18 đã hình thành cộng đồng dân cư với các thiết chế hành chính, văn hóa - xã hội theo kiểu làng xã. Thực tế này được xác định qua lạc khoản của bản in Long Thư tịnh độ năm 1746, trong đó ghi địa danh giáp Đông, giáp Nam, châu Kim Bồng, thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam. Đây cũng là tư liệu có niên đại sớm nhất ghi địa danh Kim Bồng châu được biết cho đến nay. Chữ “Châu” (洲) trong Kim Bồng Châu (金 逢 洲) cũng cho biết Kim Bồng là vùng đất cù lao giữa sông. Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu định nghĩa “Châu” là: “bãi cù lao, trong nước có chỗ ở được gọi là châu”. Vào thời điểm năm 1746, châu Kim Bồng ít nhất có 2 giáp là giáp Đông và giáp Nam. Giáp là tổ chức hành chính - cư dân dưới xã/làng. Một làng/xã thường chia thành các giáp như giáp Đông, giáp Tây, giáp Nam, giáp Trung, có lẽ lấy theo địa bàn cư trú, tuy nhiên có một số trường hợp không trùng với phương hướng địa lý. Đứng đầu các giáp có giáp trưởng hoặc giáp thủ.
Trong bản đồ thời Đồng Khánh (1886-1889), phần về huyện Duy Xuyên, ở vị trí gần cửa Đại Chiêm, ghi 2 địa danh là Kim Bồng Đông và Kim Bồng Trung. Trong một tấm bia ở đình Tiền hiền Kim Bồng nói về việc tu bổ đình vào năm Nhâm Thìn (1892) có ghi “Kim Bồng châu Trung giáp”. Điều này cho biết lúc bấy giờ Trung là tên một giáp của Kim Bồng. Trong tấm bia này, cũng ghi tên một số người ở giáp Đông đứng cúng tiền. Không thấy tên giáp Nam, giáp Tây ở tấm bia này. Tại sắc phong cho tượng mục Phan Văn Mưu năm Thành Thái 8 (1896) ghi địa danh “Kim Bồng châu, Đông Trung giáp” có lẽ đây là 2 giáp Đông và Trung của châu Kim Bồng như bản đồ thời Đồng Khánh có ghi. Như vậy đến cuối thế kỷ 19, ở Kim Bồng đã có các giáp Trung, Đông, Nam. Riêng giáp Tây châu Kim Bồng vẫn chưa tìm thấy ghi ở tư liệu nào vào thế kỷ 19 trở về trước.
Đến năm Thành Thái thứ 19 (1907) trong bản văn cúng Tư Độ đạo tràng pháp sự của tộc Trương xuất hiện địa danh giáp Tây, châu Kim Bồng, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn. Có thể đây là giáp ra đời muộn ở Kim Bồng so với các giáp khác. Thời điểm ra đời có thể vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Vấn đề đặt ra là các giáp này có tồn tại đồng thời một lúc tại Kim Bồng - Cẩm Kim hay không thì chưa có tư liệu để xác định.
Đến thời Bảo Đại, năm 1941 tại xà cò đình Tiền Hiền Kim Bồng xuất hiện địa danh Bồng Tây xã. Từ giáp lên thành xã là một bước phát triển về quy mô dân số, quy mô hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội. Vào thời điểm này xuất hiện phổ biến địa danh Bồng Tây xã, Bồng Đông xã trên các văn bản.
Cho đến nay chưa tìm thấy các tư liệu thực tịch và thực địa ghi địa danh Kim Bồng có niên đại thế kỷ 17 trở về trước. Những di tích mộ táng ở đây hầu hết có nên đại muộn, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chưa tìm thấy ở Cẩm Kim những di tích di chỉ thời tiền sử, sơ sử. Cũng chưa phát hiện những ngôi một hợp chất mang phong cách thế kỷ 17-18, trừ một số ngôi mộ người Hoa ở Trà Nam, địa phương giáp giới với Kim Bồng về phía Nam.
Gia phả các tộc họ ở đây hầu hết có niên đại muộn. Dựa vào các gia phả có thể xác định quá trình định cư ổn định của các tộc họ tại Kim Bồng - Cẩm Kim diễn ra vào thế kỷ 18.
Những giá trị về sinh thái - văn hóa
Kim Bồng - Cẩm Kim là một cù lao giữa sông, vị trí nằm gần trung tâm phố cảng Hội An cũng như với các thị tứ lân cận như Phú Chiêm, Bàn Thạch, lại không quá gần cửa biển như Cẩm Thanh, Cẩm An… Với vị trí này Kim Bồng - Cẩm Kim có thể vừa lên nguồn vừa xuống biển để phát triển các ngành nghề và sớm trở thành là một vệ tinh của thương cảng Hội An.
Một góc làng Kim Bồng nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
Do là một cù lao giữa sông nên Kim Bồng - Cẩm Kim có nhiều cồn bãi hói rạch và các vạt ruộng phù sa ven sông. Địa hình ở đây tương đối bằng phẳng, tầm nhìn thoáng rộng. Tuy nhiên cũng do đặc điểm là cù lao nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn nên hàng năm, Kim Bồng - Cẩm Kim chịu đựng nhiều cơn lụt từ thượng nguồn đổ về. Lũ lụt dễ làm Kim Bồng - Cẩm Kim bị cô lập và để lại hậu quả nặng nề cho sản xuất cũng như đời sống dân cư đồng thời cũng tạo nên sự không ổn định về địa hình đất đai, hói rạch… Thực tế này tạo nên những thói quen và kinh nghiệm để thích nghi và ứng phó với bão lụt trong cộng đồng dân cư địa phương.
Các bến sông hói nước, đồng ruộng, đường làng, cồn bãi là những dạng cảnh quan sinh thái - văn hóa đặc thù tạo nên những nét riêng có về văn hóa ở Cẩm Kim.
Bên cạnh đó các di tích hiện tồn cũng góp phần quan trọng để làm nên giá trị của di sản văn hóa ở Cẩm Kim. Ở Cẩm Kim hiện có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích xếp hạng cấp Tỉnh; 26 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố Hội An. Về loại hình thì có 08 di tích lịch sử cách mạng, 19 di tích kiến trúc nghệ thuật, 2 di tích vừa là di tích lịch sử cách mạng vừa là kiến trúc nghệ thuật. Ngoài ra còn có 13 di tích nhà ở và 6 giếng gạch có giá trị.
Trong các di tích này có thể xác định 2 ngôi chùa lâu đời ở Kim Bồng - Cẩm Kim có niên đại muộn nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ 18 là chùa Hội Nguyên và chùa Bửu Kim (nay là Kim Bửu). Theo lẽ thường, có chùa ắt có đình làng cũng như 1 số lăng miếu khác. Rất tiếc do sự thay đổi địa hình, tác động của bão lụt, chiến tranh dấu tích của đình làng Kim Bồng hiện nay không còn. Một số hoành phi còn lại ở đình Tiền hiền Kim Bồng hiện nay cho biết từ thời Minh Mạng (1820 - 1841) ở đây đã có 1 cơ sở thờ tự các vị thần bảo hộ của làng, có lẽ đây là các hoành phi còn lại của đình làng Kim Bồng trước đây. Xà cò ở đình Tiền hiền Kim Bồng cũng cho biết ngôi đình này được chức sắc và dân giáp Nam, châu Kim Bồng kiến tạo (làm mới) vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). Trong bia ghi lại sự kiện này niên đại 1854 nằm ở tường Đông đình không thấy xuất hiện tên “đình Tiền hiền” hoặc “đình” mà ghi công trình này là Từ sở - đền thờ nói chung. Ở nhiều làng xã tại Hội An đình làng để thờ các vị thần bảo hộ, thành hoàng làng thường có trước, sau đó kết hợp với thờ Tiền hiền hoặc lập đình Tiền hiền riêng như Hội An, Cẩm Phô, Minh Hương. Tên gọi các di tích thờ tiền hiền này không giống nhau ở các làng/xã: Hội An tiên tự, Minh Hương Tụy tiên đường; Cẩm Phô hương hiền… Đình Tiền hiền Kim Bồng có lẽ là một thiết chế hình thành sau đình làng Kim Bồng hoặc là sự kết hợp giữa đình làng và nhà thờ Tiền hiền làng.
Đình tiền hiền Kim Bồng - Ảnh: Quang Ngọc
Về ngành nghề truyền thống, có thể nói Kim Bồng - Cẩm Kim là vùng đất đa nghề, gồm nông, ngư, thủ công, buôn bán - dịch vụ, nghề nào cũng phát triển. Buôn bán - dịch vụ thì có cái nghề buôn nguồn, buôn ghe bầu, đưa đò,… Gần đây các loại hình dịch vụ gắn với du lịch cũng bắt đầu xuất hiện như bán quà lưu niệm, đưa đón du khách… Nghề nông, ngoài trồng lúa còn có trồng hoa màu khoai, bắp, đậu phụng, trồng dâu, đay, lát, bông và chăn nuôi, chăn thả gia súc, gia cầm. Gần đây việc chăn nuôi bò đàn tại các cồn bãi ven sông phát triển mạnh.
Trong các nghề này, nổi bật ở Kim Bồng - Cẩm Kim có các nghề đóng ghe thuyền, mộc - nề - đắp vẽ; buôn nguồn, nghề mành, giã. Trong nghề mộc - nề - đắp vẽ, Kim Bồng - Cẩm Kim có nhiều người thợ tài hoa từng được phong bát phẩm, cửu phẩm tượng mục, đội trưởng, tham gia xây dựng nhiều công trình tầm cỡ quốc gia như Kinh đố Huế, Lăng Bác Hồ và có những tác phẩm để đời. Nghề mộc Kim Bồng đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Phong tục tập quán ở Kim Bồng - Cẩm Kim vừa mang những nét chung của vùng đất Hội An, xứ Quảng, vừa có một số nét riêng do điều kiện địa sinh thái, địa văn hóa - xã hội quy định. Do điều kiện giao thông đường thủy thuận lợi, lại nằm sát cạnh đô thị - thương cảng Hội An nên phong tục - tập quán của cư dân ở đây có yếu tố linh hoạt, mềm dẻo hơn ở các địa phương thuần nông. Những lễ nghi, tập tục ở đây thường giản lược, không quá gò bó, khuôn phép. Do có điều kiện đi lại giao lưu - tiếp xúc rộng nên Kim Bồng - Cẩm Kim cũng là vùng đất thuận lợi để các yếu tố mới sinh sôi, nảy nở. “Chồng làm thợ vợ làm nông”, “Đàn ông đám giỗ, đám chạp, đàn bà đám khoai, đám lúa” cũng là một nét riêng trong phân công lao động gia đình và trong phong tục - tập quán ở đây.
Trước đây tại Kim Bồng - Cẩm Kim có nhiều lễ lệ, lễ hội liên quan đến cộng đồng, ngành nghề, tộc họ, gia đình. Các lễ hội, lễ lệ này phản ánh sinh động đời sống văn hóa của cư dân địa phương. Các lễ lệ trong gia đình, đặc biệt là trong thờ cúng ông bà, lễ cúng tại nhà hàng năm theo thời vụ nông nghiệp hoặc thời vụ hành nghề ngư nghiệp, thủ công là bộ phận di sản phi vật thể có giá trị, phản ảnh sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Các lễ lệ cộng đồng liên quan đến nghề nông, nghề đánh bắt thủy hải sản, nghề thủ công cũng khá phong phú và mang tính địa phương, trong đó lễ cúng bến, lễ giỗ tổ nghề mộc, các lễ lệ liên quan đến nghề đóng ghe thuyền và những lễ lệ, lễ hội cần bảo tồn, phát huy.
Kim Bồng - Cẩm Kim là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Bên cạnh việc phát triển đa dạng các ngành nghề để đảm bảo đời sống, Kim Bồng - Cẩm Kim còn là vùng đất có truyền thống về học hành, thi cử. Trong thế kỷ XIX ở Kim Bồng đã có 2 người đỗ cử nhân, đó là Huỳnh Kim Côn, đỗ cử nhân năm Thiệu Trị 3 (1843), Huỳnh Toản, đỗ cử nhân năm Tự Đức 20 (1867). Ngoài ra ở Kim Bồng cũng có nhiều người học hành cao tuy không đỗ đạt nhưng có vai trò rất lớn trong việc xây dựng, phát triển địa phương. Đầu thế kỷ 20 Kim Bồng - Cẩm Kim cũng là địa phương sớm du nhập sách vở tân thư và là một trong những địa điểm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và nuôi dưỡng phong trào Cách mạng thời tiền khởi nghĩa.
Tất cả những đặc điểm đó về sinh thái - văn hóa đã tạo nên những giá trị nổi trội của di sản văn hóa ở Kim Bồng - Cẩm Kim.