Bảo tàng Văn hóa Dân gian - Ảnh: Quang Ngọc
Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An hiện trưng bày các hiện vật gắn liền với đời sống văn hóa dân gian của người dân Hội An, chúng được kết tinh từ cuộc sống lao động, chiến đấu, sinh hoạt của bao lớp cư dân đã định cư trên mảnh đất Hội An từ thời Tiền - Sơ sử đến ngày nay, góp phần định hình nên những giá trị đặc trưng của Di sản văn hóa thế giới Hội An, khắc họa đậm nét diện mạo văn hóa Hội An trong lòng nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế gần xa. Các nội dung trưng bày chính của bảo tàng gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian (bài chòi, múa thiên cẩu, hát bả trạo, âm nhạc truyền thống), nghề truyền thống (nghề nông, nghề đánh bắt sông nước, nghề mộc, nghề gốm, nghề may, nghề thêu, nghề buôn, nghề làm lồng đèn,…), sinh hoạt văn hóa dân gian (không gian sinh hoạt truyền thống trong ngôi nhà, trang phục truyền thống, phong tục cưới hỏi,…)
Bài chòi: Đây là một trò chơi dân gian lưu hành phổ biến ở Hội An cũng như một số địa phương ở miền Trung. Bài Chòi là trò chơi khá độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông đảo người chơi từ nông thôn cho đến phố thị, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên Đán và các ngày lễ hội lớn. Bộ bài chòi được làm từ bộ bài tới, dán lên các thẻ tre hoặc gỗ, gồm hai loại: loại thẻ lớn, dán ba con bài dùng để phát cho người chơi; loại thẻ nhỏ, dán một con bài dùng cho người hiệu rút và hô hát. Mỗi con bài có những lời hát riêng để diễn đạt, được người hiệu trình diễn rất bài bản, vui nhộn và sinh động. Trước đây, hội chơi bài chòi thường được tổ chức ở những địa điểm công cộng như sân đình, sân bãi rộng, gồm hai dãy chòi dành cho người chơi và một chòi cái dành cho Ban tổ chức cũng như cho người hô hát, diễn xướng. Hiện nay, Bài Chòi được tổ chức hằng đêm tại Khu phố cổ Hội An, thu hút rất đông người chơi đủ mọi lứa tuổi. Bài Chòi lưu giữ bản sắc của cư dân bản địa với những giá trị văn hóa độc đáo và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân miền Trung gìn giữ từ bao đời. Với những giá trị văn hóa đó, ngày 7/12/2017, Bài Chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của nhân loại.
Không gian trưng bày về bài chòi - Ảnh: Quang Ngọc
Hát bả trạo: Đây là một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến của ngư dân Hội An nói riêng, duyên hải miền Trung nói chung. Hiện nay, lối diễn xướng này vẫn được bảo lưu tại địa phương và được tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ cầu ngư hay tế cá Ông hàng năm. Theo một số nghệ nhân cao tuổi, hát bả trạo có mặt ở Hội An từ lâu đời. Hát bả trạo hay hát bạn chèo đưa linh, là lối hát có cầm mái chèo, diễn tả động tác đang bơi ghe, chèo thuyền. Đội hình trình diễn bao gồm ba hoặc bốn ông tổng và đám bạn chèo có từ 10 đến 16 người tùy theo sự sắp xếp của từng đội chèo, bên cạnh đó còn có ban nhạc lễ, người đánh trống chầu... Hát bả trạo có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân Hội An. Đây là hoạt động vừa thể hiện sự thương tiếc, thành kính cá Ông “Ngọc Lân Nam Hải”, vị thần đã giúp họ trong những khi hoạn nạn trên biển, đồng thời vừa là sự cầu mong bình an trước cảnh sóng nước mênh mông, cầu mong một năm được mùa, bội thu hải sản.
Không gian trưng bày về hát bả trạo - Ảnh: Quang Ngọc
Múa Thiên Cẩu: Đây là một loại múa vật linh khá đặc biệt, lưu truyền ở Hội An từ lâu đời và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người dân phố Hội. Ký ức về tết Trung Thu của nhiều thế hệ cư dân ở đây sẽ nghèo đi nếu thiếu tiếng vọng “cắc, tùng, tùng” của múa Thiên cẩu, ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng bánh ú, ông sao và những đầu Thiên cẩu rộn ràng kéo nhau đi dưới ánh trăng rằm tháng Tám êm ả chảy tràn khắp phố xá... Trải qua quá trình phát triển, múa Thiên cẩu dần trở thành là lối múa dân gian đặc trưng ở Hội An, có bài bản và kỹ thuật riêng, gắn với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc, cầu trăng sáng để mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Nghệ thuật tạo hình dân gian: Ở Hội An, nghệ thuật tạo hình dân gian được thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc, chạm trổ trên gỗ, các phù điêu bằng sành sứ, các tượng thờ, tượng trang trí bằng đồng, hợp chất, gỗ, đất nung, các loại tranh thủy mặc, tranh màu, các hoành phi, liễn đối khảm, cẩn xà cừ, ốc... Các tác phẩm này hiện đang được lưu giữ, bài trí ở nhiều gia đình, nhiều di tích tôn giáo - tín ngưỡng để tô điểm cho vẻ đẹp của Di sản Hội An, qua đó góp phần minh chứng cho sự tinh tế, tài hoa của các thế hệ nghệ nhân dân gian địa phương ở lĩnh vực này.
Không gian trưng bày về nghệ thuật tạo hình - Ảnh: Quang Ngọc
Nghề nông: Hội An đất hẹp, diện tích trồng trọt, chăn nuôi không nhiều nhưng nghề nông ở Hội An đóng vai trò khá quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của toàn thành phố. Nghề nông trên mảnh đất cảng thị này vẫn mang đậm những bản sắc, những đặc trưng cơ bản của nền nông nghiệp truyền thống Việt Nam trên nhiều phương diện. Người nông dân vẫn phổ biến với nghề trồng lúa nước trên những cánh đồng phù sa An Mỹ, Sơn Phô, Cửa Suối, Đồng Nà;... vẫn chuyên cần với những bãi bắp ven sông của Xuyên Trung, Châu Trung, Kim Bồng, Nam Ngạn;... vẫn miệt mài chăm sóc những bầy heo, gà, vịt, ngỗng,... trong những chuồng trại tranh tre đơn giản;... vẫn cần mẫn chế tác các công cụ một cách sáng tạo và phù hợp với phương thức sản xuất của mình. Người nông dân Hội An định cư trên vùng đất cửa sông - ven biển, luôn đứng trước những hiểm họa của thiên nhiên như bão, lốc từ biển Đông, lũ lụt từ thượng lưu Vu Gia, Thu Bồn,... vì vậy, sự gắn kết, nương tựa, đùm bọc lẫn nhau để bảo vệ gia súc, mùa màng, nhà cửa, tính mạng,... là mối quan tâm thường trực đối với họ. Tình làng nghĩa xóm và những tập quán tốt đẹp của nếp sống làng xã được vun đắp suốt chiều dài lịch sử và duy trì cho đến ngày nay.
Không gian trưng bày về công cụ nghề nông - Ảnh: Quang Ngọc
Nghề đánh bắt trên sông nước: Nghề đánh bắt sông nước Hội An được hình thành trên mảnh đất tuy nhỏ bé (diện tích tự nhiên khoảng 60km2) nhưng nằm ở vị trí vùng cửa sông - ven biển, rất đa dạng về môi trường sinh thái tự nhiên, đặc biệt là dạng sinh thái sông nước, cùng với nó là các loại thủy - hải sản. Hơn nữa, ở đây kết cấu khối cộng đồng cư dân với chủ nhân chính là người Việt từ đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tiếp cư với người Champa bản địa, có sự hội nhập của cư dân Hoa, Nhật Bản, có sự giao lưu với cư dân nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, vì thế, nghề đánh bắt sông nước truyền thống ở Hội An có lịch sử lâu đời, được hình thành và phát triển từ kinh nghiệm của nhiều nhóm - thành phần cư dân khác nhau cùng chung sống trên mảnh đất này. Những đặc điểm trên đã quyết định diện mạo đa dạng, phong phú, độc đáo và đầy tính hấp dẫn của các ngành nghề sông nước, của các công cụ đánh bắt sông nước ở Hội An mà chúng ta có thể bắt gặp ở đây những hình ảnh thật sinh động về các nhóm công cụ đánh bắt ao, hồ, bàu mương, ruộng nước ngọt; nhóm ở các hói, đầm, sông rạch nước lợ; nhóm ở các vùng biển - ven đảo nước mặn.
Không gian trưng bày về công cụ đánh bắt sông nước - Ảnh: Quang Ngọc
Nghề mộc Kim Bồng: Làng Kim Bồng (tên cũ là Kim Bông châu) nằm đối diện Khu phố cổ Hội An, bờ Nam sông Hoài, cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3km về phía Tây Nam, nay phần lớn thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Cùng với sự phát triển hưng thịnh của Đô thị - thương cảng Hội An, nghề mộc Kim Bồng hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, XVII và tiếp tục không ngừng mở rộng vào các thế kỷ sau. Tổ tiên của những người thợ mộc Kim Bồng có gốc gác từ nhiều vùng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đến Hội An định cư, lập nghiệp. Tại đây, họ có điều kiện tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm, kỹ thuật mộc- nề từ nhiều nguồn gốc khác nhau gồm Chăm, Hoa, Nhật, Phương Tây, để hình thành nên một phong cách mộc - nề riêng của nghề mộc Kim Bồng, Hội An, Quảng Nam. Các hiệp thợ mộc Kim Bồng đã góp phần quan trọng tạo dựng nên quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An cũng như nhiều công trình kiến trúc tuyệt mỹ ở Quảng Nam và kinh thành Huế. Họ cũng chính là tác giả của những chiếc ghe bầu Quảng Nam nổi tiếng và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ tinh xảo, mỹ thuật đang được lưu giữ tại địa phương cũng như tại nhiều nơi trong và ngoài nước. Trong số đó, có nhiều thợ giỏi được triều đình trưng tập để thực hiện các công trình xây dựng lớn của nhà Nguyễn. Ông Huỳnh Kim Hơn, một thợ mộc Kim Bồng cũng vinh dự tham gia xây dựng lăng Bác Hồ. Năm 2016, nghề mộc Kim Bồng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, nghề mộc Kim Bồng góp phần tích cực vào công tác trùng tu di tích kiến trúc cổ, các công trình văn hóa tín ngưỡng,... nhằm bảo tồn tốt di sản văn hóa thế giới Hội An.
Nghề gốm Thanh Hà: Tương truyền vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, những thợ thủ công từ Thanh Hóa, Nghệ - Tĩnh đã đến khai lập nên làng Thanh Hà và hình thành, phát triển nghề gốm ở đây truyền lại cho đến ngày nay. Hiện tại, khu vực sản xuất gốm tập trung ở Nam Diêu, cách trung tâm Hội An khoảng 3km về phía Tây. Theo truyền thống, gốm Thanh Hà được tạo hình bằng bàn xoay, làm trong tiết trời khô, nóng để phơi nung gốm thuận tiện. Các công đoạn làm gốm truyền thống gồm có: Làm đất, chuốt gốm, sửa nguội, phơi khô, nung gốm (5-7 ngày). Sản phẩm gốm chủ yếu không có men, xương gốm mịn, hình dáng cân đối, mềm mại. Một số đồ gia dụng được điểm xuyết hoa văn viền chỉ nổi ở quanh vai hoặc có men đơn sắc màu nâu đen, vàng sậm... Trong lịch sử, do có vị trí gần chợ, sát sông cùng với đội ngũ vận tải bằng ghe bầu đông đảo nên sản phẩm gốm Thanh Hà không chi tiêu thụ mạnh ở cảng thị Hội An, các tỉnh duyên hải miền Trung - Việt Nam mà có giai đoạn còn là một mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm gốm Thanh Hà đã được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi danh trong sách Đại Nam nhất thống chí, trong phần thổ sản tỉnh Quảng Nam. Những năm gần đây, nghề gốm Thanh Hà từng bước được phục hồi, góp phần cung cấp các sản phẩm gia dụng, thủ công mỹ nghệ, phục vụ đời sống hàng ngày của cư dân địa phương và nhu cầu thưởng ngoạn của khách tham quan du lịch. Năm 2019, nghề gốm Thanh Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề may: Đây là một nghề truyền thống hình thành tại Hội An từ khá sớm. Ban đầu là may thủ công bằng tay để tạo nên những bộ quan phục, lễ phục, thường phục, phục vụ nhu cầu may mặc vốn rất đa dạng của nhiều thành phần cư dân Chăm, Việt, Hoa, Nhật, Phương Tây,... từng định cư, buôn bán ở đô thị - thương cảng Hội An. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nghề may ở Hội An tiếp tục phát triển với những bàn máy may cổ điển và nhiều hiệu may nổi tiếng chuyên may quốc phục, âu phục... Gần đây, trong xu thế mở cửa và hội nhập, nghề may ở Hội An lại khởi sắc, phát triển một cách nhộn nhịp với các dịch vụ may sẵn, may nhanh được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nghề thêu: Ở Hội An, từ thế kỉ XVII, XVIII, hàng thêu đã xuất hiện trên thị trường để trao đổi buôn bán. Hoạt động buôn bán hàng thêu phát triển mạnh vào khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX với nhiều tiệm tạp hóa buôn bán hàng thêu và nhiều gia đình làm nghề thêu, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm phố thị như phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong và một số vùng lân cận. Dụng cụ của nghề thêu tương đối đơn giản gồm khung thêu (hình chữ nhật hoặc tròn), đê, kim, chỉ, bấm chỉ… Để có được một sản phẩm thêu hoàn chỉnh phải trải qua các công đoạn: Tạo mẫu, sang kiểu, căng khung, thêu, tháo sản phẩm. Do nhu cầu của xã hội, sản phẩm nghề thêu cũng phong phú, đa dạng như họa tiết trên trang phục, bao gối phục vụ nhu cầu may mặc hằng ngày, nghi trướng, hoành phi, liễn đối phục vụ tín ngưỡng hoặc tranh trang trí, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch và xuất khẩu. Nghề thêu đã góp phần cùng các nghề thủ công truyền thống khác giải quyết lao động tại địa phương, tạo cho Hội An sự đa dạng, phong phú về ngành nghề truyền thống. Sản phẩm của nghề thêu cũng là những tác phẩm nghệ thuật được du khách ưa chuộng khi đến với Hội An.
Nghề buôn: Xuất phát từ nhiều yếu tố thuận lợi, vượt lên tâm lý truyền thống “trọng nông - ức thương” của xã hội phong kiến Việt Nam - Nghề buôn bán cũng như hoạt động thương nghiệp ở Hội An đã sớm hình thành và đóng vai trò hết sức quan trọng để nơi đây trở thành một Đô thị thương cảng quốc tế nổi tiếng của Việt Nam suốt các thời kỳ Trung - Cận đại ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.
“Tơ, cau, thuốc chở đầy ghe
Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần”
Dân gian Xứ Quảng - Đàng Trong đã ca ngợi như thế và nhiều sử gia, thương nhân đương thời cũng ghi nhận tương tự về nghề buôn ở Hội An. Chính nghề buôn bán và hoạt động thương nghiệp - ngoại thương đã đưa thương cảng Hội An lên tầm vóc của một cảng thị thuyền buồm quốc tế, xứng đáng đại diện điển hình cho cả Đàng Trong - Việt Nam, nơi đón nhận rất nhiều thuyền buôn nước ngoài ghé bến, bán buôn mà cột buồm của chúng dày đặc “như rừng tên xúm xít” và hàng hóa trao đổi ở đây phong phú, dồi dào “không thứ gì là không có” đến nỗi “100 chiếc thuyền to chở cùng một lúc cũng không hết được”. Đặc biệt, nơi đây “chợ không hai giá”, “buôn bán dễ dãi, xâu thuế nhẹ nhàng... tục mỹ phong thuần, khiến cho lòng khách viễn phương đều muốn kiết cư lập nghiệp”.
Không gian sinh hoạt truyền thống trong gia đình: Người Hội An nói riêng, người Việt Nam nói chung rất coi trọng việc xây nhà và cách bài trí bên trong ngôi nhà. Vì đó là nơi diễn ra quá trình "sinh, lão, bệnh, tử" của một kiếp người, là nơi ghi dấu những kỉ niệm vui buồn của biết bao thế hệ trong gia đình. Người Hội An có tập tục thờ cúng tổ tiên và rất hiếu khách, vì vậy không gian chính giữa ngôi nhà được trang trọng dành làm nơi thờ cúng và tiếp khách. Gian chính này được bài trí công phu với các bức hoành phi, câu đối, trên cột kèo được chạm khắc hoa văn tinh vi, sắc sảo, thể hiện tín ngưỡng và ước mơ của gia chủ. Bên cạnh đó là không gian phòng ngủ, nhà bếp và các không gian khác. Thông qua những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng đã tái hiện phần nào cuộc sống hằng ngày của người Hội An xưa với những phong tục, tập quán vẫn còn được lưu giữ cho đến hôm nay. Đây chính là tài sản văn hóa quý báu của người Hội An và của cả dân tộc Việt Nam cần được bảo tồn và phát huy cho thế hệ mai sau.
