Cù Lao Chàm - San hô và đa đạng sinh học biển

Quần đảo Cù Lao Chàm nằm về phía Đông tỉnh Quảng Nam, cách thị xã Hội An 18 km, ở vị trí 15052’ - 16000 vĩ độ Bắc và 108022’ - 108044’ kinh độ Đông. Quần đảo Cù Lao Chàm bao gồm 08 hòn đảo, lớn nhất là Hòn Lao với diện tích 1.317 ha, các đảo còn lại có tổng diện tích là 327 ha. Ở đây có khí hậu nhiệt đới gió mùa và giao động nhiệt độ trung bình trong năm không lớn, chỉ khoảng 6-70C. Giông bão thường xuất hiện vào tháng 9 và tháng 10 trong năm. Tuy không xa đất liền, vùng nước quanh quần đảo ít chịu ảnh hưởng của đất liền với độ muối giao động từ 32 - 34 0/00. Quần đảo có rất ít vùng được che chắn trước ảnh hưởng của gió bão.

      Bảy hòn đảo còn lại của quần đảo Cù Lao Chàm mọc thẳng từ lòng biển với hầu hết các bờ đá hoa cương phủ bao quanh. Vào những lúc thời tiết xấu, hoặc thuỷ triều thấp thì rất khó khăn cho việc tiếp cận những đảo này. Xung quanh các bờ đá các đảo được bám đầy các lớp hầu nằm dưới mực triều cao giống như những lưỡi dao cạo bén.

      Về phía Nam của Hòn Lao, khoảng chừng 30 km là Hòn Ông, một chóp đảo hình nón nằm riêng biệt, và được biết đến như là một ngư trường của nghề câu và Yến sào. Có một miếu thờ được tìm thấy trên hòn đảo đá không người ở, đội lên từ lòng biển này.

      Vào mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11, Cù Lao Chàm rất là khó hoặc là không thể tiếp cận được vì gió lớn. Thỉnh thoảng tàu thuyền đi lại cũng gặp nhiều khó khăn trong năm. 

Tom Hùm - Ảnh: khusinhquyenculaocham.com.vn

      VÙNG RẠN SAN HÔ CÙ LAO CHÀM

      Các rạn san hô xung quanh quần đảo Cù Lao Chàm chủ yếu có kiểu cấu trúc rạn dạng riềm không điển hình, tập trung chủ yếu ở phía Tây Nam đảo Cù Lao Chàm và hầu hết các đảo nhỏ khác. Rạn phân bố theo kiểu thoai thoải và đột ngột tạo dốc đến độ sâu 20m hoặc hơn [1]. Bên cạnh đó, một số ít rạn có cấu trúc rạn riềm điển hình, có độ dốc ít, rộng hơn và có độ sâu phân bố dưới 10m. Tổng diện tích các rạn san hô ở Cù Lao Chàm ước tính khoảng 200ha. Theo khảo sát năm 2003 - 2004, độ phủ trung bình của san hô vào khoảng 35%, trong đó gần một nửa thuộc về san hô mềm và khoảng 40% số rạn thuộc nhóm độ phủ thấp theo thang phân loại của English et al, (1997). Ngoài ra, còn có một số bãi ngầm ở độ sâu lớn phía Tây đảo Cù Lao Chàm với phân bố các thảm san hô cứng thuộc nhóm san hô không tạo rạn, tạo nên những cảnh quan rất hấp dẫn ở độ sâu 20 - 35m.

      Các loài san hô cứng tìm thấy chủ yếu dọc theo các bờ Bắc, bờ Nam và trong một vành đai dọc theo các bờ Đông của các hòn đảo nhỏ và bờ Tây của đảo chính. Hầu hết san hô mọc lên đều gắn cố định vào đá bazan. Vùng nước giàu dinh dưỡng xung quanh đảo tạo điều kiện cho các loài động vật hai mãnh vỏ khoan bám như Gastrochaena và Lithophaga phát triển mạnh đến độ các tảng đá vôi là nền tảng cho san hô trở nên khan hiếm. Các sinh vật có vai trò phân giải, còn phải kể đến các loài giun sipunculid, giun nhiều tơ (polychaete worms), tôm penaeid và bọt biển clinonid. Một lượng lớn các loài động vật thu thập thức ăn bằng khoan lọc ẩn nấu trong các sườn san hô cứng đã chết đang phát triển mạnh đến một mức độ mà hầu hết các san hô chết vỡ xuống rất nhanh. Một hiện tượng tương tự cũng được quan sát thấy ở các rạn san hô lục địa và các khu vực có phát triển mạnh khắp vùng Đông Nam Á. Các dải đá vôi san hô chỉ xuất hiện ở các vùng nước đại dương ít dinh dưỡng

      SAN HÔ VÀ CÁC QUẦN THỂ ĐỘNG VẬT ĐI KÈM

   CỘNG ĐỒNG SAN HÔ MỀM NƯỚC CẠN: Bao gồm một cụm lớn các loài san hô Sarcophyton, Lobophytum, Nepthea và Litophyton. Cộng đồng này nhìn chung được hình thành bởi các cụm có chiều ngang từ 1- 4 mét; tất cả xếp thành những khu vực rậm rạp với độ bao phủ gần như 100%. Các loài Klyxum, Cladiella, và Briarium được tìm thấy rải rác trong các cụm nhỏ hơn. Cộng đồng này thường được tìm thấy ở độ sâu từ 2 đến 10 mét trên các dốc có vách. Các cụm san hô cứng Porites chết hoặc sống được tìm thấy rải rác trong cộng đồng, thường là kéo dài từ 1 đến 8 mét theo chiều ngang và cao từ 0,5 đến 5 mét. Nhiều loại san hô mềm nằm trên các tảng đá san hô chết như là một khối đơn tự do.

    CỘNG ĐỒNG SAN HÔ MỀM NƯỚC SÂU: Chủ yếu được tìm thấy dọc theo các bờ nhô ra ở phía Bắc và Nam, ở độ sâu từ 10 đến 25 mét. Các họ Nephtheidae (đặc biệt là Genus Dendronephtya), Archantogorgiidae, Plexauridae, Gorgoniidae, Elliseriidae và Antipatharia đều có mặt. Các khối san hô này thưa thớt và rải rác ở hầu hết các nơi, nhưng cũng có các khối rậm rạp hơn được tìm thấy trên các mũi đá trồi lên giữa những dòng nước xiết. Các cụm san hô chủ yếu bám vào các mỏm đá nhỏ hơn nằm trên các tảng đá nhỏ rải rác bên trên các khu vực đá ngầm phủ cát và bùn trong vùng nước đục. Một vài loại san hô cứng thuộc giống Stylocoeniella, Leptoseris, Pachyseris Favia, Favites, Porites, Goniopora, và Alveopora cũng có mặt trong các cụm nhỏ rải rác.

      CỘNG ĐỒNG SAN HÔ CỨNG NƯỚC CẠN: Bao gồm các lớp mỏng và các cụm hình bán cầu thấp chủ yếu là san hô Faviid và nhìn chung chiều ngang các cụm san hô này nhỏ hơn 0,5m. Độ bao phủ nhìn chung là thấp, thường dưới 10%. Ở các khu vực có nhiều vách thì có các loài san hô bàn vỏ cứng Acropora có thể đạt đến kích thước 1-3m. Cộng đồng này được tìm thấy ở độ sâu từ 1 đến 3 mét và phát triển mạnh nhất ở các vùng khe vách có có sự trao đổi nước tốt. Tuy nhiên hầu như là chỉ tìm thấy ở các vùng nước cạn giữa các tảng đá cuội rải rác hình thành dải ven bờ dọc theo các bờ biển không cát.

      CỘNG ĐỒNG SAN HÔ CỨNG NƯỚC SÂU: Bao gồm các khối san hô Porites nằm rải rác với kích thước từ 0,5 đến 2 mét theo chiều ngang. Các loại san hô lá thuộc các giống Pachyseris, Echinopora và Goniopora tập hợp thành các vùng san hô rậm rạp hơn ở độ sâu từ 5 đến 12 mét. Hầu hết các loài san hô ít phổ biến hơn trong danh mục các loài san hô đều được tìm thấy ở đây trong các cụm nhỏ. Tầng nền cho san hô mọc lên chủ yếu là đá bazan. Hầu hết các cụm lớn san hô cứng có sự xuất hiện dày đặc của các chủng loài Spirobranchus, Gastrochaena, và Lithophaga. Có một ít tảng san hô chết do các hoạt động khoan đào của những loài sinh vật này và của bọt biển clionid. Tảo nâu thuộc các giống Padina, Tubinaria, Sargassum, và Rosenvingia cũng đang chiến đấu, tranh giành không gian với san hô tại hầu hết các vị trí thuộc kiểu dạng rạn san hô nước sâu này. Các chủng loài hai nắp vỏ Tridacna squmosa, Pteria, Pinctada, Chama, Spondylus, và Pinna được tìm thấy thường xuyên, cùng với những dạng cá thể non của chủng loài chân bụng Trochus và Turbo.

      Có hai quần thể san hô chuyên biệt cũng được bắt gặp vài lần: (1) quần thể san hô cứng tầng sâu thống trị bởi các đại san hô cứng Turbinaria xuất hiện với các dạng thể bất thường hình lá và xoắn thích ứng với các dòng nước chảy xiết và bị ảnh hưởng bởi các luồng cát di chuyển. Dạng rạn này chỉ tìm thấy ở các sườn dốc dưới sâu nơi có các dòng nước xiết và các vùng nước rất đục mờ ở khu vực phía Bắc của quần đảo. Một quần thể khác (2) là quần thể san hô rạn ngang (phẳng) được bảo vệ ở tầng nước cạn tại các vùng có nhiệt độ cao, chịu một số ảnh hưởng của nước ngọt và trao đổi nước chậm theo chu kỳ. Quần thể này bị chiếm lĩnh các khối đơn điệu rậm rạp của Montipora ramosa và Montipora aequituberculata. Dạng rạn này chỉ phát triển dọc theo bờ Tây của đảo chính. Các loài san hô rất mỏng mảnh này sống trong các khối rất gần bờ và dễ bị tổn thương do sự tác động của các thợ lặn kém kỹ năng của những người đi bơi snorkeling.

      CÁC KHU VỰC SAN HÔ

      Hòn Tai nằm về phía Nam của hòn đảo chính. Nơi đây không có dân cư và chỉ có một ngôi nhà dành cho những người bảo vệ các hang Yến. Các cộng đồng san hô cứng phát triển rất tốt ở đây. Heliopora và Psammocora contigua chiếm lĩnh các dốc đá ở tầng trên. Mối đe dọa lớn nhất đối với rạn là số lượng lớn các Sao biển gai Acanthaster. Các dòng chảy tương đối yếu, các quần thể động vật đa dạng và các dốc đá tuyệt vời với các tầm nhìn tốt đã tạo cho vùng biển xung quanh khu vực đảo trở thành vị trí lý tưởng cho các hoạt động lặn thương mại.

Đỉnh cao hợp tác - Ảnh: khusinhquyenculaocham.com.vn

 

      Hòn Lao  là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo. Bờ Đông của đảo là vùng cằn cỗi vô cùng, chỉ tìm thấy một vài vạt san hô mọc lên trên các triền đá ở những nơi nước cạn nhất. Khu vực vùng triều lên xuống thì phần lớn là rong Sargassum chiếm đóng, và bên dưới khu vực đó là rải rác một vùng rộng lớn các loài chân tơ. Các bờ dốc trong vùng này được bao phủ bởi các tảng đá cuội hoàn toàn trơ trọc. Một số loài cá lớn cũng được tìm thấy dọc theo bờ này. Đây là địa điểm lặn tốt nhất để quan sát các loài cá lớn.

      Ở bờ biển phía Bắc ta bắt gặp một số lượng lớn nhất các loài san hô cứng, với những khối san hô gồm nhiều chủng loại phát triển mạnh trong những dòng nước tương đối khắc nghiệt. Đây là khu vực ưu tiên được bảo vệ thật nghiêm ngặt như là khu vực tuyệt đối cấm các hoạt động đánh bắt, cũng như các hoạt động lặn.

      Bờ phía Nam thì chưa đến khảo sát. Theo những người có kinh nghiệm, cũng như là những điều kiện địa lý thuỷ văn thể hiện ở đây, thì có thể đoán được một quần xã động vật tương tự như ở bờ phía Bắc cũng phải có mặt, và có lẽ nổi bật và nhiều nhất là các chủng loài san hô xanh.

      Bờ Tây bao gồm những bãi cát ngăn cách nhau bởi những bờ đá nhỏ lộ thiên ra ngoài và được bao quanh bởi những bờ rạn vùng nước cạn đục. Điều quan trọng chủ yếu ở đây là có dày đặc những ấu trùng trứng cá. Các thảm cỏ biển cũng có mặt, được tìm thấy rải rác ở độ sâu khoảng 10m.

      Bờ Tây Bắc là đường bờ hình thành nền với các thảm đá vôi chết. Các rạn san hô ở đây đã tới mức sum sê cực độ, với những tán san hô bàn Acropora lớn hơn mọc lên trên các thảm san hô mềm phong phú và rải rác các khối san hô chết đã được tái sinh lác đác, cùng với một loạt nhiều loài động vật không xương sống quây quần. Các tảng san hô bàn Acorpora thường trải rộng từ 2 đến 3 mét theo chiều ngang, và phát triển mạnh theo chiều xoắn ốc. Tại đây còn tìm thấy các khối Prorities với đường kính từ 1 đến 3 mét. Các loài cá rạn được tìm thấy ở đây thì nhiều nhất so với cả khu vực Cù Lao Chàm. Các điều kiện sinh học và địa vật lý đã biến các rạn này trở thành khu vực lý tưởng để bơi lặn snorkel trong Khu Bảo tồn biển. Đây là điểm duy nhất có san hô nấm xuất hiện với một số lượng nhất định.

      Hòn Dài là một đảo nhỏ hơn nằm về phía Tây của đảo chính. Bờ Tây Bắc của đảo này hơi nhô ra ngoài với vùng nước trong vắt, ở những khu vực cạn quần thể loài san hô cứng nước cạn phát triển mạnh và những tảng san hô bàn Acropora đã đạt được tới kích cỡ từ 0,5 đến 1 mét. Ở các mỏm sâu hơn một chút là quần thể san hô nước sâu với độ bao phủ tương đối thấp nhưng đa dạng về chủng loài. Các khối san hô Porities có đường kính từ 1 đến 3 mét, và một dãy các loại san hô Mussid cũng phổ biến ở đây. Đây là khu vực lặn tương đối tốt.

      Bờ Đông Nam là các rạn hơi dốc rộng lớn với một vài khối san hô chết, đa số là bị bao phủ bởi những khối san hô mềm khổng lồ rậm rạp đẹp như tranh. Hai khối san hô Porites lutea “khổng lồ” ở đây rất đáng quan tâm (có lẽ vì “san hô khối khổng lồ” thu hút khách du lịch). Một trong những khối san hô này có đường kính tới 8m, cao 5,3m, và có chu vi 24m. Khối này đã hơi bị hư hại do bể gãy nhưng vẫn còn sống tương đối hoàn hảo. Khối san hô còn lại cao 3,4m và đường kính khoảng 7m, còn hoàn toàn nguyên vẹn. Ở khu vực cạn có khá nhiều những san hô bàn Acropora kích thước trung bình, và khá đa dạng các chủng loài nằm trên bề mặt các tảng đá cuội gần bờ. Khu vực sâu nhất của vùng rạn có độ bao phủ tốt của chủng loài san hô sặc sỡ Gorgoneans lớn và sống động. Tầm quan sát bị giảm dần ở các khu vực rạn sâu hơn. Đây là một vùng rạn lý tưởng cho du lịch sinh thái bằng tàu đáy kính.

Đôi bạn - Ảnh:  Lê Xuân Ái

 

      Hòn Khô nằm ở góc Tây Bắc của quần đảo. Hòn đảo này không có dân cư, chỉ có một ngôi nhà canh Yến trên lối vào một hang Yến lớn. Các rạn nước cạn phát triển mạnh thành vũng với cấu trúc đan xen những khối san hô sống và chết, phần lớn là san hô cứng Montipora, rải rác các loại san hô mềm và các tảng san hô bàn lớn hơn. Dốc đá bị chiếm lĩnh bởi các loài san hô mềm kích thước lớn, các rạn sò, và rải rác các loài san hô, trong đó một số loài kích thước lớn. Tầng thấp hơn là vùng có dòng chảy mạnh và đục. Dendrophyllia, Tubastrea, và Turbinaria là những chủng loài phát triển mạnh, dày đặc so với các chủng loài lớn khác tại đây. Khu vực cạn của triền đá quanh bờ là vùng lý tưởng cho snorkeling.

      Hòn Lá nằm ở phía Tây của đảo chính. Quần thể san hô nước cạn phát triển rất tốt với những tảng san hô bàn rộng hàng mét và những loài san hô màng cứng đa dạng. Tảo nâu cũng đang đấu tranh giành không gian với những loài san hô cứng. Hầu hết các san hô cứng bị xâm phạm nặng nề bởi Spirobranchus và Lithophaga Acanthaster cũng xuất hiện nhiều. Ở mực nước sâu hơn là những khối san hô lớn gồm Pachyseris và Goniastrea thường xuất hiện đến độ sâu 12m. Hòn đảo này cũng là một nơi thích hợp để lặn. 

      ĐA DẠNG SINH HỌC BIỂN CÙ LAO CHÀM

      Trên 261 loài thuộc 59 giống của 15 họ san hô cứng, 15 loài thuộc 11 giống của 6 họ san hô mềm, 3 loài thuỷ tức san hô (Milleporidae), 1 loài san hô xanh (Helioporidae) và 2 loài san hô gai (Bộ Antipatharia) đã được ghi nhận tại vùng biển Cù Lao Chàm. Số lượng loài tại mỗi điểm khảo sát thay đổi từ 23 (Sũng Bền - Tây Bắc Hòn Dài) đến 63 (Vũng Ráng - Tây Bắc Hòn Lá) trung bình là 42 loài trên mỗi vị trí khảo sát. Các giống ưu thế tìm thấy trong vùng này là Acropora, Montipora, Porities, Galaxea, Pachyseris, Lapophyton, Sinularia, Sarcophytum và Goniopora. Khu vực phía Bắc Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Tai và Vũng Cây Chanh - Tây Bắc Hòn Mồ là những nơi có sự giàu có nhất về thành phần giống loài san hô.

Cá Rô - Ảnh: Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An

 

      Về rong biển đã xác định 47 loài thuộc 26 giống rong lớn sống trên các dạng nền là đá tảng, san hô vỡ vụn, và san hô chết của các rạn san hô. Số lượng loài tại mỗi vị trí khảo sát thay đổi từ 7 (Vũng Cây Chanh - Tây Bắc Hòn Mồ, Bãi Bắc - Tây Bắc Cù Lao Chàm) đến 32 loài (Bãi Đầu Tai -Tây Bắc Cù Lao Chàm), trung bình là 16 loài trên từng điểm khảo sát. Colpomenia bullosa, Colpomenia sinuosa, Sargassum spp., Padina spp., Rosenvingea spp. và Dictyota spp. là các loài phổ biến.

      Bốn loài cỏ biển bao gồm Halophila decipiens, Halophila ovalis, Halodule pinifolia và Cymodecea rotundata đã được ghi nhận trên các thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm. Cymodecea rotundata có phân bố hẹp trong các vùng nước nông sâu không quá 5m và loài này chỉ được tìm thấy ở Bãi Bắc. Ba loài khác thuộc giống Halophila đã được ghi nhận tại hầu hết các thảm cỏ biển. Halodule pinifolia và Halophila ovalis khá phong phú tại những nước có độ sâu 2 - 6m trong khi Halophila decipiens phân bố sâu hơn 5 - 10m.

      Có 66 loài thân mềm sống phụ thuộc vào các rạn san hô, thuộc 43 giống và 28 họ đã được ghi nhận. Trochus maculantus, Drupa sp, Pedum spondyloideum, Atrina vexillum, Pinctada margaritifera và Tridacna decipiens là những loài phổ biến nhất và được quan sát thấy ở hầu hết các rạn khảo sát. Trai Tai tượng Tridacna squamosa phổ biến ở các rạn vùng nước nông trong khi đó Trai ngọc môi đen Pinctada margaritifera phong phú ở các rạn sâu.

      Có bốn loài tôm Hùm: Panulirus longipes, P. ornatus, P. stimpsoni và P. versicolor và một loài cua Charybdis feriata được tìm thấy trên các rạn san hô. Cũng ghi nhận 16 loài thuộc 09 giống và 08 họ Da gai. Cầu gai đen Diadema setosum, Sao biển gai Acanthaster planci, Hải sâm Holothuria edulis và Holothura atra là những loài phổ biến trên hầu hết các rạn.

      Khoảng 200 loài cá rạn san hô thuộc 85 giống 36 họ đã được ghi nhận. Họ cá Thia Pomacentridae (39 loài) và cá Bàng chài Labridae (33 loài) và họ cá Bướm Chaetodontidae (19 loài) được coi là đa dạng nhất. Một số họ cá phổ biến như cá Đuôi gai Acanthuridea (12 loài), cá Mó Scaridae (12), cá Dìa Siganidae (6), cá Mú Serranidae (6), và cá Hồng Lutjanidae (5). Trong số đó, các loài Labroides dimidiatus, Thalassoma lunare, Halichoeres marginatus, H. melanochir, Gomphosus varius (Labridae), Abudefduf sexfasciatus, Neoglyphidodon melas, Hemiglyphidodon plagiometopon, Pomacentrus chrysurus (Pomacentridae), Chaetodon kleinii, C. trifascialis, C. trifasciatus (chaetodontidae), Parupeneus multifasciatus (Mullidae), Acanthurus nigrofuscus (Acanthuridae) và Sufflamen chrysoptera (Balistidae) được xem là phổ biến ở hầu hết các rạn. Những nơi có sự đa dạng cao về thành phần loài cá (với số lượng loài trên 70) bao gồm phía Bắc Xẹo Mô - Hòn Mồ, Vũng Bến Lăng - Đông Bắc Hòn Dài, Bãi Bắc - Tây Bắc Cù Lao Chàm, Bãi Hương - Tây Nam Cù Lao Chàm, Vũng Đá Đen - Bắc Hòn Tai, Vũng Thùng - Nam Hòn Tai và Vũng Nhàn - Đông Bắc Cù Lao Chàm./.


(Trích từ sách: Cù Lao Chàm - Vị thế, Tiềm năng và Triển Vọng, in năm 2007)

[1] Võ Sĩ Tuấn (chủ biên), Nguyễn Huy Yết & Nguyễn Văn Long, 2005. Hệ sinh thái Rạn san hô Biển Việt Nam. Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, 212 trang.

Tin liên quan