ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA LỄ HỘI CỔ TRUYỀN Ở HỘI AN

So với lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm của dân tộc thì vùng đất Hội An, Quảng Nam chỉ là vùng đất mới khai phá từ thế kỷ XV, XVI. Thế nhưng ở vùng đất mới này, lễ hội dân gian đã trở thành sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật cộng đồng. Trải qua nhiều thời kỳ tiến triển, sàng lọc tích hợp, sinh hoạt lễ hội đã trở thành truyền thống của cư dân Hội An. Truyền thống tốt đẹp này không hề gián đoạn trong tâm thức cộng đồng.

LỄ HỘI CẦU BÔNG TRÀ QUẾ - CẨM HÀ

Lễ hội ở Hội An diễn ra quanh năm, bắt đầu từ lễ hội chuyển mùa- Tết Nguyên Đán. Đây là lễ hội mang tính đặc thù của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đây là “thời điểm mạnh” (GS.Đinh Gia Khánh) của sinh hoạt cộng đồng. Hầu hết các điểm thờ tự tôn giáo – tín ngưỡng, người dân đều đắm mình vào một “không gian thiêng trong khoảnh khắc thời gian thiêng”. Tại các gia đình, nhà thờ họ, các đình, lăng, miếu, chùa, hội quán…đều có lệ cúng suốt 3 ngày tết. Các gia đình đều có lễ cúng ông Táo (đêm 23 tháng Chạp) cúng đất (đêm giao thừa). Các di tích thờ tự cộng đồng có lễ dựng nêu. Các làng xã ngoại thị, các phường nội thị đều có trò diễn, trò chơi: hát sắc bùa, chơi Thai đề, hô Bài Chòi, chơi du tiên, hội đua thuyền, chiếu hát bội, hát hò khoan đối đáp, chơi cờ tướng, thả thơ…Sau Tết Nguyên Đán, lễ hội diễn ra quanh năm ở các di tích thờ tự tín ngưỡng- tôn giáo như lễ hội Nguyên Tiêu của cộng đồng người Hoa ở các hội quán, cúng giỗ Tiền hiền và sinh hoạt vui chơi của đồng hương các bang. Ở các chùa lớn có lễ thiên quan tích phúc (còn gọi là Lễ Thượng Nguyên) cầu trời ban phước lành, ở các làng ven thị cúng Long Chu đầu năm, xóm ấp cúng cầu an. Sang tháng hai, lễ hội Lục tánh ở hội quán Phúc Kiến, chùa Ông (Quan Công Miếu) là nơi cúng vọng. Tháng ba có Tết Hàn Thực (mùng ba tháng năm), lễ cúng kỳ yên (cầu an) lớn ở các làng, lễ cúng cầu bông, cầu ngư ở các lăng Ông, đình làng. Tết Thanh Minh, các tộc họ tổ chức tảo mộ và cúng tộc ( mùng mười đến mười năm tháng ba âm lịch). Đây cũng là tháng người dân cả nội thị và vùng ven lễ hội Vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ( 23 -3 âm lịch). Tháng tư, vào ngày rằm có lễ hội Phật Đản ở các chùa và ở các gia đình theo đạo Phật. Tháng năm có Tết Đoan Ngọ, cúng sông, cúng đất, cúng cô hồn (mùng Năm tháng 5) khắp cả Thành phố. “Mùng Năm, ngày Tết” – là dịp Tết xum họp lần thứ hai trong năm của các gia đình. Tháng sáu có lễ hội Hội quán Hải Nam ( 15/6 âm lịch) lễ hội Vía Quan Thánh đế quân ( 24/6 âm lịch), đây là các lễ hội khá quy mô ở Chùa Ông và Hội quán Quảng Triệu. Tháng bảy có Tết Trung Nguyên ( 15/7 âm lịch) cũng đồng thời là Lễ Vu Lan, lễ Địa quan xá tội vong nhân ở các chùa Phật. Đây cũng là dịp diễn ra lễ cúng Long Chu ở Đình Cẩm Phô và một số miếu Ngũ Hành ở các làng. Tháng Tám có Lễ hội Trung Thu (15/8 âm lịch) là lễ cúng trăng ở các gia đình và cũng là dịp tổ chức Hội Rước đèn, Rước cộ, phá cỗ dành cho trẻ em. Tháng chín có Tết Trùng Cửu (mùng 9/9 âm lịch) cúng tổ tiên, ông bà. Tháng mười có lễ Thuỷ Quan giải ách (15/10 âm lịch). Chùa Vạn Đức làm đại lễ giỗ tổ sư Minh Lượng (28/10 âm lịch). Tháng một, lễ cúng Minh Hải tổ sư phái thiền Lâm Tế Chúc Thánh ( 6/1 âm lịch) ở chùa Chúc Thánh, lễ giỗ tổ sư Minh  Lượng ( 10/1 âm lịch) ở chùa Phước Lâm. Tháng Chạp có lễ tổ nghề may ( 12 tháng chạp) lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng ( 20 tháng Chạp), các đình làng làm lễ lạp tiết (mùng hai tháng chạp) cáo yết thần linh, sau đó trở lại chu kỳ Tết Nguyên Đán, cúng ông Táo ( 23 Tháng chạp) về lễ tất niên ( hết một năm ở các gia đình).

Tìm hiểu về sinh hoạt lễ hội cổ truyền ở Hội An, tính chất nổi trội có thể nhận diện ngay đó là phần lớn các lễ hội đều in đậm màu sắc phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, hoa mầu và cư dân làm nghề cá ở sông, biển. Các lễ hội loại này thường liên quan đến “nước” vì thế các nhà nghiên cứu đã gọi là “Lễ hội nước”: lễ tang cá Ông, lễ hội cầu mưa, lễ kỳ yên, lễ hội Long Chu, lễ cúng Thần Nông, lễ Cầu Bông…Cả đến các lễ hội tôn giáo như bộ ba lễ hội Tam Nguyên của đạo Phật: Thượng Nguyên ( Nguyên Tiêu), Trung Nguyên ( lễ Vu Lan), Hạ Nguyên ( Thuỷ quan giải ách- “Rằm tháng 10 người người đều cúng” đều liên quan đến lễ lệ cúng trăng (mừng trăng tròn vào dịp Nguyên Tiêu, “cầu mưa thuận” để tránh ngập úng, lũ lụt vào dịp Tết Trung Nguyên, mừng cơm mới, cưới vớt những vong hồn bị chết nước vào dịp rằm tháng mười- tết Hạ Nguyên). Các lễ hội có tính chất ngoại sinh như Vía Thiên Hậu Thánh Mẫu, Vía Quan Công, Vía Bắc Đế Trấn Vũ…cũng chịu sự chi phối của ước vọng “nhân khang, vật thịnh”, “buôn mau bán được”, “tài lộc dồi dào”, “của cải như non, bạc tiền như nước”…Như vậy có thể khẳng định lễ hội ở Hội An đậm đà màu sắc tín ngưỡng dân gian giai đoạn tiền nông nghiệp và nông nghiệp. Các yếu tố phát sinh qua tiếp biến, giao hòa đều có xu hướng “dân gian hóa” mạnh mẽ và ngược lại các yếu tố ngoại sinh cũng phải “dung hợp, tích hợp” với xu hướng này để tồn tại và diễn biến trong không gian và thời gian.

Về mặt quy mô, ngoài một số lễ hội có quy mô lớn, huy động sự hưởng ứng đồng cảm của cả cộng đồng như tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu…, các lễ hội còn lại đều có quy mô nhỏ (cộng đồng xóm, ấp, xã, phường, bang). Về mặt cấu trúc, lễ hội ở Hội An nặng về phần lễ (hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính với đối tượng thờ tự) hơn là phần hội ( hệ thống các trò diễn, trò chơi cộng cảm…). Tuy nhiên, lễ và hội không tách bạch riêng lẻ.

Lễ hội ở Hội An qua điều tra hồi cố chỉ được biết đến từ những năm 30 sau thế kỷ XX đến nay và chỉ được phục hồi trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Tuy vậy các lễ thức cầu cúng thờ tự vẫn diễn ra ở hầu hết các di tích thờ tự tín ngưỡng thỏa mãn nhu cầu tâm linh của nhiều đối tượng, từ Tết Trung thu cho trẻ em, lễ cúng Thành Hoàng làng cho già trẻ ở các làng, các phường xã, thôn, ấp, đến tổ nghề các giới: thầy thuốc, thầy cúng, nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ may…Sau năm 1975 một thời gian khá dài, do điều kiện kinh tế khó khăn, do nhận thức về lễ hội cổ truyền còn nhiều lệch lạc, thậm chí do thái độ “cực đoan” trong một số chính sách văn hóa ( quan niệm lễ hội là mê tín dị đoan, là xa hoa lãng phí hao tổn sức lực tiền của, quan niệm các điểm thờ tự là tàn tích của chế độ phong kiến lỗi thời) dẫn đến việc phá bỏ các di tích hoặc biến di tích thành các điểm phục vụ cho lợi ích công cộng. Vì thế sinh hoạt lễ hội bị mai một, nhiều nhất là các lễ hội gắn bó với di tích. Một thực trạng cũng đáng lưu ý là do tính chất cư trú theo cơ cấu làng xã, nên lễ hội ở Hội An chủ yếu tập trung ở các thôn, xóm. Do trải qua nhiều biến động xã hội nên cơ cấu tổ chức của làng xã cổ truyền ở Hội An bị phá vỡ. Nếu như ở Bắc Bộ, các hình thức tổ chức làng dựa trên chế độ ruộng đất tư và công điền, công thổ còn tồn tại cho đến cuối thế kỷ XIX thì ở Hội An, vào thời điểm đó, các chức sắc của bộ máy hành chính cấp làng xã như lý trưởng, phó lý, ngũ hương tuy vẫn còn nhưng cơ cấu tự quản là chính. Các bậc trưởng thượng, các bàn quan lão, các hình thức tập hợp người trong tổ chức đều dựa trên lòng tự nguyện tham gia của từng cá nhân. Phe, hội, phường đã không thật bền vững do các ngành nghề sản xuất bị thu hẹp vào phạm vi gia đình. Ruộng đất hương hỏa, nhà cho thuê, phương tiện sản xuất cho thuê mướn, tiền cho vay không còn, nguồn kinh phí phục vụ cho thờ tự, lễ hội cạn kiệt. Chính vì thế nhiều lễ hội đã mất đi phần hội hoặc phần hội bị đơn giản hóa, sơ lược hóa hoặc mất đi đặc điểm ban đầu. Phần lễ nhìn chung được bảo tồn khá nguyên vẹn do tâm thức cộng đồng (nhu cầu tâm linh) hoặc do ảnh hưởng của những “điển chế”, “điển lễ” của nhà nước phong kiến triều Nguyễn. Một điều đáng lưu ý ở Hội An, việc thờ cúng các anh hùng, danh nhân không có nhiều, nếu không muốn nói là quá hiếm - chỉ có một anh hùng chí sĩ thời cận đại là Nguyễn Duy Hiệu và các chí sĩ danh nhân Quảng Nam được tôn vinh dưới hình thức tượng đài ( Tượng đài Danh nhân chí sĩ Quảng Nam ở phường Cẩm Phô). Điều này có nguyên nhân do điều kiện lịch sử đặc thù của vùng đất mới, đây cũng là địa bàn của những cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến kéo dài nhiều thế kỷ.

Lễ hội cổ truyền ở Hội An hiện nay đang ở giai đoạn phục hồi. Chiếm số lượng lớn vẫn là các lễ hội thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền ở các làng xã và các lễ hội tín ngưỡng tôn giáo nói chung cho cả cộng đồng. Trong điều kiện kinh tế - xã hội mới, sinh hoạt lễ hội có tính chất mùa vụ có phần giảm thiểu do nhiều nguyên nhân: sự chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu mùa vụ,…sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã “giải thiêng” không ít những tín điều, những cách thức “thiêng hóa” thế lực tự nhiên và xã hội (thiên thần và nhiên thần).

Tin liên quan