VAI TRÒ, Ý NGHĨA CỦA LỄ HỘI TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG

Từ buổi bình minh nguyên sơ của lịch sử, con người trong quá trình lao động kiếm sống, khi săn bắn, hái lượm có thành quả thì cũng đã biết diễn đạt niềm vui của mình bằng những sinh hoạt cộng đồng khác nhau để thể hiện lòng vui sướng, được hưởng các kết quả lao động. Con người thời ấy không chỉ vui sướng và thoả mãn về kết quả vật chất được đáp ứng mà còn tăng thêm mức cao hơn một nhu cầu: được thoả mãn về đời sống tinh thần. Và đó là những hình thức lễ hội sơ khai của loài người.

Hết đời này qua đời kia những hình thức lễ hội nguyên thuỷ được lưu truyền mãi. Song song với việc văn minh vật chất và văn minh tinh thần luôn luôn được cải thiện, nâng cao dẫn đến các hình thức lễ hội cải thiện và ngày càng phong phú.

Cũng chính vì thế nên dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử cũng sáng tạo nên nhiều lễ hội. Đặc trưng văn hóa Làng - Nước của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đã giải thích cho tính đậm đặc của các hình thức lễ hội ở khu vực này. Bởi lẽ, đã nói đến lễ hội là nói đến sinh hoạt tập thể, cộng đồng nên thông qua các hoạt động lễ hội, con người sẽ xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn; lễ hội cũng là dịp để con người tái hiện, trao chuyển cách thức làm ăn, là chỗ dựa tinh thần để con người hướng về tổ tông, dòng tộc, về thế giới tâm linh, giao cảm hòa đồng với thần linh và thiên nhiên. 

Hiện nay với sự biến đổi ngày càng mạnh mẽ, nhanh chóng của thời kỳ kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hóa, các lễ hội - một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội Việt Nam từ xưa – nay không thể không biến đổi theo. Sự biến đổi này đang đặt trước những quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. 

Lễ hội về cội nguồn sâu xa là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh (lễ), nhu cầu giao lưu, thưởng thức văn hóa (hội). Do vậy, lễ hội đã xuất hiện từ lâu và vẫn tiếp tục tồn tại. Theo một số nhà nghiên cứu, các lễ hội dân gian truyền thống vẫn còn cần thiết, đáp ứng nhu cầu của dân chúng, sự biến đổi ngày càng tăng theo hướng kinh tế thị trường, ít nhiều có làm đảo lộn các mối quan hệ xã hội. Hiện nay việc trùng hợp giữa sự bột phát trở lại của lễ hội dân gian truyền thống và sự phát triển mới đây của các sinh hoạt cộng đồng, các tập đoàn, tầng lớp xã hội khác nhau như: lễ, liên hoan để kỷ niệm ngày thành lập cơ quan, trường học, công ty…Những buổi họp mặt, liên hoan giữa những người đồng hương, đồng môn và đồng ngũ cũ… có thể liên quan đến điểm chung giữa 2 hiện tượng, đó là góp phần vào việc thắt chặt những mối dây đoàn kết của những thành viên trong cộng đồng, là các giải pháp mà nhân dân muốn trưng cầu một đời sống tinh thần ổn định, một sự thăng bằng xã hội tốt hơn, để có thể thích nghi tốt hơn với môi trường xã hội đang biến đổi nhanh chóng. Khi con người ngày càng khẳng định được cá tính, cá nhân của mình thì tự thân con người có những nhu cầu đi tìm sự bù đắp tính cộng đồng để tâm trạng thoát khỏi sự cô đơn dẫn đến các loại lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng xã hội hiện đại không hề mất đi mà càng phát triển rộn ràng và biểu hiện hết sức đa dạng. 

Các lễ hội mang nhiều nội dung khác nhau: mang tính nghề nghiệp nhớ ơn các vị tổ sư, động viên những người cùng nghề; tôn giáo-tín ngưỡng, các vị thần linh, các anh hùng dân tộc, vòng đời người, những sinh hoạt này mang tính cộng đồng, biểu dương những giá trị văn hóa, sức mạnh cộng đồng dẫn đến cố kết những thành viên tham dự lễ hội. Trong lễ hội còn nhận thấy sự biểu hiện về tính “cộng mệnh” và tính “cộng cảm”. Đó là một nhu cầu, tìm về cội nguồn: ví dụ : Xóm làng nơi chôn nhau cắt rốn, là đất nước, quê hương, tôn giáo…

Từ lễ hội dân gian truyền thống cho đến các lễ hội mới xuất hiện trong đời sống hiện đại đã góp phần khẳng định những nền nếp, đạo lý truyền thống, minh chứng cho sức sống của một cộng đồng và mang dấu ấn về lịch sử, văn hóa đậm nét. Lễ hội thể hiện trình độ văn hóa, tinh thần yêu quê hương, đất nước và ý thức gắn kết của cộng đồng, trong tiến trình phát triển của dân tộc. Việc tổ chức Lễ hội văn hóa du lịch cũng là một phần công việc đặc biệt quan trọng trong khai thác, sử dụng, phát huy những giá trị nhiều mặt của kho tàng di sản văn hóa. Mặt khác lễ hội còn có ý nghĩa về mặt ngoại giao, quảng bá văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế.

Trên những căn nguyên, ý nghĩa sâu xa của các hoạt động lễ hội mà các nhà nghiên cứu đã xác định một số vai trò to lớn của lễ hội trong đời sống cộng đồng, đó là vai trò phản ánh hiện thực cuộc sống và bảo tồn văn hóa truyền thống; vai trò giáo dục; vai trò thỏa mãn đời sống tinh thần, tâm linh; vai trò kinh tế./.

Tin liên quan