CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG, GIÁO DỤC VÀ RÈN LUYỆN LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể mà đến nay đã là tiền thân của những tổ chức, lực lượng cơ quan lớn mạnh, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc giữ gìn, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Một trong những tổ chức lực lượng ấy đó chính Công an nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp xây dựng, giáo dục, rèn luyện và phát triển lực lượng Công an nhân dân trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Người luôn nhận thức một cách sâu sắc rằng người chiến sĩ sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, là người lính có lý tưởng cao cả, kiên quyết hăng hái làm tròn nhiệm vụ. Bởi vậy, trong suốt hành trình sự nghiệp cách mạng Người luôn trực tiếp quan tâm, đào tạo, rèn luyện, dành cả tấm lòng và tình cảm của mình để lực lượng Công an nhân dân góp phần tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc.

Từ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ; bảo vệ các phiên tòa của Xô Viết - Công Nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh trật tự ở những nơi có chính quyền Xô Viết. Đến tháng 3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất thông qua Nghị quyết quan trọng về “Đội Tự vệ”. Khi cuộc vận động mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Đảng chỉ thị: “Mỗi ấp phải tổ chức ra Đội Tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và đối phó với các lực lượng phản động”. Vào đầu năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương thành lập “Ban Công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu (ATK), bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. “Ban Công tác đội” được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu. Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” do Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết. Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng đồng thời, công bố 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội Hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời cùng với “Đội Tự vệ đỏ”, “Ban Công tác đội” và “Đội Danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Các tổ chức này là tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.

Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, sau đó lan rộng, giành thắng lợi trong cả nước, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng trong cả nước, các tổ chức đầu tiên của Công an Nhân dân được thành lập ở cả 3 miền: Sở Liêm phóng ở Bắc Bộ, Sở Trinh sát ở Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ. Ngày 19/8 được Đảng và Nhà nước quyết định là Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam.

Những năm đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời, vận nước còn “ngàn cân treo sợi tóc,” nhưng lực lượng Công an nhân dân còn non trẻ đã biết kết hợp sức mạnh của nhân dân để lập nên nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu là chiến công tiêu diệt được tổ chức phản cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), làm thất bại âm mưu của quân xâm lược cấu kết với các đảng phái phản động tay sai nhằm lật đổ Chính phủ cách mạng vừa mới thành lập. Giữa những bộn bề công việc cấp bách của Đảng, Chính phủ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra gay go, quyết liệt, ngày 11/3/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII về “Tư cách người Công an cách mệnh”, trong đó Người chỉ rõ những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng phải có là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Những điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Những phẩm chất ấy không thể thiếu và là nhân tố quyết định để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc mọi yêu cầu và nhiệm vụ được giao.

Đến ngày 15/1/1950, Trong thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ năm, ngoài việc biểu dương những thành tích mà ngành Công an đã đạt được Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn một số điều ngành Công an phải cố gắng thực hiện: “Xây dựng bộ máy công an nhân dân. Tức là phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân đồng thời phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức và giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian trừ gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an… Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an, để đi đến hiểu công an, yêu công an, và giúp đỡ công an. Mỗi người công an phải là một chiến sĩ ”.

Thật vậy, ngoài việc chỉ ra những điều mà người chiến sĩ công an nên làm, cần làm thì Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng tới cách thức để thực hiện những điều người nhắn nhủ. Đó là chỉ ra phương pháp công tác của Công an nhân dân Việt Nam: phải đi đúng đường lối quần chúng; phải biết dựa vào dân, biến sức mạnh của nhân dân thành sức mạnh của mình. Để phát huy sức mạnh của nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, lực lượng công an phải “làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ”. Muốn vậy, công an phải thường xuyên chỉnh đốn, xây dựng lực lượng thực sự trong sạch, vững mạnh; mỗi cán bộ, chiến sĩ công an dù ở vị trí công tác nào cũng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo 6 điều Bác Hồ dạy, gắn bó mật thiết với nhân dân, nêu cao tinh thần, ý thức phục vụ nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc đang diễn ra, lực lượng công an Nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự, để tiếp tục bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc; tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong lúc này việc xác định kẻ thù và nhiệm vụ chính của cách mạng rất quan trọng. Phong trào cách mạng càng phát triển, càng thắng lợi, thì bọn phản cách mạng càng lồng lộn, càng điên cuồng. Hơn lúc nào hết lực lượng công an cách mạng là vũ khí sắc bén một mặt giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân an cư lạc nghiệp để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội miền Bắc, làm nền tảng cho cuộc đấy tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, mặt khác lật đổ chính quyền Mỹ-Diệm, phá tan âm mưu chống phá chính quyền cách mạng của chúng đối với nhân dân ta. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, công tác phải tích cực, phải khẩn trương, phải bền bỉ. Phải kiên quyết làm thật tốt việc giáo dục cải tạo những người trước kia là tề, ngụy và phỉ, những người trước đã tham gia các tổ chức phản động… Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân… Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ. Làm mọi việc phải đi sâu, đi sát, phải tránh chủ quan, phải có kế hoạch chu đáo, phải có quyết tâm bền bỉ”.

Những lời chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấm thía khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Lực lượng Công an Nhân dân gắn bó máu thịt với nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cấp, các ngành, làm tốt vai trò nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống của nhân dân, đấu tranh làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình" và nhiều cuộc chiến tranh phá hoại trên nhiều mặt của kẻ thù. Lực lượng công an luôn sẵn sàng có mặt làm nhiệm vụ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, vì sự bình yên của nhân dân, của tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa. Trong thực tế, lực lượng công an cần phải đoàn kết với nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm; làm cho mọi người hiểu rõ phòng gian là nhiệm vụ của chung công dân, là một công việc ái quốc từ đó vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Người Công an phải thực sự là một chiến sĩ, chiến sĩ của dân, chiến sĩ trên từng mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh những khuyết điểm mà người công an cần tránh đó là: sợ khó, sợ khổ, không bền gan, không quyết chí, kém cảnh giác, hữu khuynh đồng thời thực hiện 4 nhiệm vụ then chốt của người chiến sĩ công an:

“1.Nhận rõ nhiệm vụ của công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân.

2. Để làm tròn nhiệm vụ, thì phải luôn đoàn kết nội bộ, nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, khinh địch, tự mãn.

3. Phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và chính phủ

4. Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”.

Ngày nay bước vào thời kỳ đổi mới, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đang ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ ở nước ta với quy mô ngày càng mở rộng, quyết liệt, tính chất ngày càng nguy hiểm, thâm độc, tinh vi, xảo quyệt. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng hơn, gây bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những lời chỉ dạy của Người đối với Công an nhân dân vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý báu đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là đối với lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Tin liên quan