<!-- /* Font Definitions */ @font-face {font-family:"VNtimes new roman"; mso-font-alt:"Courier New"; mso-font-charset:0; mso-generic-font-family:swiss; mso-font-pitch:variable; mso-font-signature:3 0 0 0 1 0;} /* Style Definitions */ p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal {mso-style-unhide:no; mso-style-qformat:yes; mso-style-parent:""; margin:0cm; margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:14.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US;} h1 {mso-style-unhide:no; mso-style-qformat:yes; mso-style-link:"Heading 1 Char"; mso-style-next:Normal; margin:0cm; margin-bottom:.0001pt; text-align:justify; mso-pagination:none; page-break-after:avoid; mso-outline-level:1; font-size:14.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-font-kerning:0pt; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US; layout-grid-mode:line; font-weight:bold; mso-bidi-font-weight:normal;} p.MsoHeader, li.MsoHeader, div.MsoHeader {mso-style-unhide:no; mso-style-link:"Header Char"; margin:0cm; margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; tab-stops:center 216.0pt right 432.0pt; font-size:14.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US;} p.MsoFooter, li.MsoFooter, div.MsoFooter {mso-style-unhide:no; mso-style-link:"Footer Char"; margin:0cm; margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; tab-stops:center 216.0pt right 432.0pt; font-size:14.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US;} p.MsoBodyText, li.MsoBodyText, div.MsoBodyText {mso-style-unhide:no; mso-style-link:"Body Text Char"; margin:0cm; margin-bottom:.0001pt; text-align:justify; mso-pagination:none; font-size:14.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US; layout-grid-mode:line;} p.MsoBodyTextIndent, li.MsoBodyTextIndent, div.MsoBodyTextIndent {mso-style-unhide:no; mso-style-link:"Body Text Indent Char"; margin:0cm; margin-bottom:.0001pt; text-align:justify; text-indent:36.0pt; mso-pagination:none; font-size:14.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US; layout-grid-mode:line;} a:link, span.MsoHyperlink {mso-style-unhide:no; color:blue; text-decoration:underline; text-underline:single;} a:visited, span.MsoHyperlinkFollowed {mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; color:purple; mso-themecolor:followedhyperlink; text-decoration:underline; text-underline:single;} p {mso-style-unhide:no; mso-margin-top-alt:auto; margin-right:0cm; mso-margin-bottom-alt:auto; margin-left:0cm; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman","serif"; mso-fareast-font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US;} span.Heading1Char {mso-style-name:"Heading 1 Char"; mso-style-unhide:no; mso-style-locked:yes; mso-style-link:"Heading 1"; mso-ansi-font-size:14.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-ascii-font-family:"VNtimes new roman"; mso-hansi-font-family:"VNtimes new roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US; layout-grid-mode:both; font-weight:bold; mso-bidi-font-weight:normal;} span.BodyTextChar {mso-style-name:"Body Text Char"; mso-style-unhide:no; mso-style-locked:yes; mso-style-link:"Body Text"; mso-ansi-font-size:14.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-ascii-font-family:"VNtimes new roman"; mso-hansi-font-family:"VNtimes new roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US; layout-grid-mode:both;} span.BodyTextIndentChar {mso-style-name:"Body Text Indent Char"; mso-style-unhide:no; mso-style-locked:yes; mso-style-link:"Body Text Indent"; mso-ansi-font-size:14.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-ascii-font-family:"VNtimes new roman"; mso-hansi-font-family:"VNtimes new roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US; layout-grid-mode:both;} span.HeaderChar {mso-style-name:"Header Char"; mso-style-unhide:no; mso-style-locked:yes; mso-style-link:Header; mso-ansi-font-size:14.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-ascii-font-family:"VNtimes new roman"; mso-hansi-font-family:"VNtimes new roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US;} span.FooterChar {mso-style-name:"Footer Char"; mso-style-unhide:no; mso-style-locked:yes; mso-style-link:Footer; mso-ansi-font-size:14.0pt; font-family:"VNtimes new roman","sans-serif"; mso-ascii-font-family:"VNtimes new roman"; mso-hansi-font-family:"VNtimes new roman"; mso-ansi-language:EN-US; mso-fareast-language:EN-US;} .MsoChpDefault {mso-style-type:export-only; mso-default-props:yes; font-size:10.0pt; mso-ansi-font-size:10.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt;} @page WordSection1 {size:612.0pt 792.0pt; margin:72.0pt 72.0pt 72.0pt 72.0pt; mso-header-margin:36.0pt; mso-footer-margin:36.0pt; mso-paper-source:0;} div.WordSection1 {page:WordSection1;} -->
Quan Vân Trường (còn được gọi là Mỹ Nhiệm Công, Quan Công, Quan Đế), theo điển tích, Ông cao chín thước (hơn 2 mét ngày nay), mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt, có sức khỏe địch vạn người, nên Ông đã từng chém được 17 tướng giỏi địch thủ trên chiến trường. Tượng Ông cao 2,5m, bề ngang từ 2 đầu gối rộng 1,5m, từ đầu gối đến sau lưng rộng 1,2m. (Theo cụ Phạm Hơn, người giữ miếu hơn 40 năm trước 1975 thì đây là chuẩn thước của các thầy Phong Thủy). Tượng Ông, tương truyền khi khởi dựng xưa bằng gỗ mít nhưng bị lụt lớn làm hỏng nên sau được đắp bằng tam hợp. Đầu đội mũ Tam Kim Khôi, mặt đỏ, râu đen năm chòm dài đến đai lưng. Hai tay để lên đầu gối. Thanh bào thêu Rồng nổi Kim tuyến. Tượng Ông là công trình mỹ thuật cổ được xem là bậc nhất ở khu vực miền Trung Việt Nam. Phía trước có 2 vị tướng hộ vệ là Quan Thái Tử Quan Bình (chuyên giữ ấn), Bộ tướng Châu Thương (chuyên giữ thanh long đao). Tương truyền thanh long đao yển nguyệt này của Ông nặng 82 cân (khoảng 49 kg ngày nay) và 2 con ngựa Bạch Mã, Xích Thố (là ngựa quý chạy ngàn dặm một ngày). Theo "Đào Viên Minh Thánh Kinh" chép: Trong thời Tam Quốc, Ông từng ứng mộ dẹp giặc Khăn Vàng. Gặp được Lưu Bị và Trương Phi tại quận Trác nên "kết nghĩa Đào Viên", thề cùng sống chết có nhau.
Ông là một danh tướng bậc nhất đã có nhiều công lao lớn, phò Hán dẹp Ngô diệt Ngụy, nổi tiếng là người trung nghĩa tiết liệt và đức độ nên được người đời tán tụng "Tam Quốc anh hùng vô đối thủ, nhất trường trung liệt hữu hoàn nhân" (Người anh hùng thời Tam Quốc không ai là đối thủ, (Ngài) là người trung liệt, hoàn hảo hiền nhân). Vào năm đời Hán Hằng Đế, niên hiệu Diên Hy năm thứ 3 (220), Ông bị bại trận, mất vào tay Tôn Quyền (Vua Đông Ngô) và hiển thánh tại Lâm Thư, núi Ngọc Tuyền. Sau đó, hay hiển linh trừ ma, đuổi tà, giúp nước, cứu đời nên được sắc phong "Sắc phong Tam Giới Phục Ma Đại Đế Thần Uy Viễn Chấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân" và được lập miếu thờ ở nhiều nơi. Đời Minh coi Ông là vị Thánh Hộ quốc. Các Hoàng Đế Phong kiến Trung Quốc liên tục nối tiếp nhau phong tặng Ông đến 33 danh hiệu cao quý và là người được đời sau sùng bái tôn kính. Đặc biệt vào thời vua Ung Chính, năm 1725 lệnh cho toàn quốc lập Võ miếu thờ Ông, sử dụng lễ nghi dành cho Khổng Tử để cúng tế Ông, bắt đầu cho sự thờ cúng quốc gia với Quan Công. Vua Càn Long tôn Ông làm "Sơn Tây Quan Phu Tử", năm 1736, trở thành nhân vật thứ hai trong lịch sử Trung Quốc nhận danh hiệu Phu Tử, chính thức đặt Ông ngang hàng Khổng Tử. Như vậy đủ thấy tầm vóc Ông đã đến độ Thánh Hiền, được trọng vọng đến mức nào.
Ở Việt Nam, các triều vua, đặc biệt là vào đầu thời Nguyễn cũng cho dựng miếu Quan Công ở 23 tỉnh thành và ban sắc phong để thờ cúng. Thần hiệu cao nhất của Quan Thánh được sắc phong là "Quan Thánh Đế Quân Hộ Quốc Tí Dân Hiển Hữu Công Đức Dực Bảo Trung Hưng Đại Vương Tôn Thần". Trong các ngôi chùa Phật, Ông cũng thường được thờ chung với Phật và coi đó là vị Bồ Tát. Từ một nhân vật có thực trong lịch sử của Trung Quốc nhưng lại được được biết đến nhiều ở khu vực Đông Á, nhất là những nước ảnh hưởng đạo Nho. Do có đức độ điển hình lúc sống cùng những tài năng phi thường, Ông đã được tác giả La Quán Trung tiểu thuyết hóa trong Tam Quốc diễn nghĩa, đồng thời được các đời sau khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như tượng, tranh, kịch, chèo, tuồng, phim ảnh, chuyện kể, giai thoại, thơ ca...
Quan Công miếu Hội An được cộng đồng người Minh Hương và người Việt kiến dựng vào trước năm Khánh Đức Quý Tỵ (1653). Với người dân Hội An, Quan Công biểu trưng cho đức độ Trung - Tín - Tiết - Nghĩa là đỉnh cao của đạo làm người.
Một đặc điểm khá thú vị ở Hội An là những nơi linh thiêng thuộc về cấp Phật, Thánh thường được gọi là CHÙA. Tên các di tích tín ngưỡng đều được dân gian nâng cấp thành Chùa như Chùa Cầu, Chùa Phước Kiến, Chùa Âm Bổn...như vậy, Chùa Ông, được coi trọng sánh ngang các Chùa Phật khác trên đất Hội An.
Vì Hội An từng là đô thị - thương cảng, nơi thường xuyên diễn ra các việc hợp đồng buôn bán. Để làm tin trong giao dịch nợ nần vay mượn cần có nơi thề nguyền, cam kết. Tương truyền có những giao dịch mua chịu, bán chịu cả thuyền hàng lớn. Quan Thánh Đế Quân ở Hội An được nhân dân sùng bái chính là bậc Thánh không những chứng tri chữ Tín trong làm ăn quan hệ thương mại mà còn trừng phạt kẻ vi phạm điều ước nguyện với nhau. Vì thế nơi đây vừa có ý nghĩa trọng tài, toà án kinh tế mà còn là nơi trừng phạt tráo trở, cân bằng xã hội, độ trì hộ mạng, hộ sinh kế cho mọi người. Việc thờ Quan Vũ có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian và phố Hội An. Theo thống kê năm 1982, còn có 192 khám thờ Quan Công ở các gia đình. Ông được sắc phong "Tam giới Phục ma Đại đế" tức quản lãnh hàng yêu phục ma ở cả Tam Giới nên nhân dân thờ như Ông là Thần độ mạng. Vì thuở hàn vi Ông từng làm nhà buôn đậu phụ (buôn bán nhỏ) nên giới thương nhân thờ Ông là thần Tài. Vì Ông hay đọc và làm theo Kinh Xuân Thu nên giới nho sĩ coi Ông như thần Văn (tượng Quan Vũ trên giữa hổ tướng, tay vuốt râu, tay cầm cuốn sách Kinh Xuân Thu đang mở). Vì Ông là tướng tài lại đầy cơ trí nên giới quân sự thờ Ông là vị thần hộ mệnh. Từ lý do trên mà đã có thời gian dài Quan Công miếu từng đóng vai trò trung tâm quy tụ của người dân phố Hội, ai cũng đến để cầu cúng theo nhu cầu tín ngưỡng của riêng mình, theo nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Vì thế, đến những ngày Vía, ngày Kỵ, người ta thường tổ chức cúng tế linh đình và đã trở thành ngày hội của không những cư dân địa phương quanh vùng Hội An mà còn gồm cả Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi. Trong đó đông đảo nhất vẫn là giới thương nhân, khi đến cư trú nước nào cũng đều lập bàn thờ Ông.
Trong các thời kỳ lịch sử trước, Quan Công miếu do Hội đồng Ngũ Hương Minh Hương xã chăm sóc và lo tế lễ. Từ sau 1975, Hội đồng tan rã, UBND phường Minh An tạm đóng cửa coi sóc. Từ năm 1987, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An cử người quản thủ chính thức mở cửa lại. Từ 1997, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An trực tiếp quản lý và tổ chức các lễ hội. Trước ngày vía chính (23.6), tổ quản lý di tích Quan Công miếu tổ chức trang trí, trưng bày cờ hội, cờ Ngũ hành. Ngay trước cửa chính treo 2 cờ đại trên có thêu dòng chữ Hán "Hiệp Thiên Đại Đế, Quan Thánh Đế Quân". Trên các bàn thờ đều bày nhiều hoa tươi, quả lạ của bà con hiến cúng. Trước đây còn có thêm lễ Gia quan Mộc dục để lau chùi Kim Tượng và đồ thờ vào chiều tối ngày 23, nhưng nay đã giản lược bớt, chỉ đánh trống, chiêng và thắp hương đèn.
Ngày 24.6 là ngày chính thức diễn ra lễ tế quan trọng. Sáng tinh mơ, đội kèn nhạc đã tề tựu xếp hàng 2 bên tả, hữu vu, trong điện khói hương trầm nghi ngút, chuông trống vang lừng, chuẩn bị bước vào lễ tế. Ngay giữa chính điện bày nguyên một con heo quay, 1 mâm xôi vò, 1 mâm bánh bao và nhiều hoa quả, áo giấy. Ở bàn thờ của ngựa Bạch Mã, Xích Thố, khám thờ Khổng Tử, Chúa Tiên cũng bày nhiều hoa quả, bánh trái và đồ vàng mã.
Ban tổ chức buổi tế lễ Quan Công miếu (Chùa Ông) trước đây gồm các cụ già phúc hậu được xã tín nhiệm, ngoài ra còn có ban tiếp dẫn (đội gia lễ) và ban tế lễ (chánh tế, Đông Tây xướng và đọc văn tế). Bước vào lễ tế, mở đầu 3 hồi chiêng trống, tiếp theo là dàn cổ nhạc cất lên, đội gia lễ hương đèn sẵn sàng dâng hoa quả phẩm vật lên điện theo lời của Đông xướng, Tây họa. Người Chủ Tế lễ phục áo rộng thắt đai chỉnh tề quỳ lạy cúc cung, hưng bái trước điện Quan Công theo lời xướng tế, hai bên điện là sự tham gia chứng kiến của hàng trăm người dân trong và ngoài Hội An, ai nấy cũng đều đứng nghiêm, nín lặng trong suốt thời gian buổi tế lễ diễn ra. Văn tế Quan Thánh được viết bằng chữ Hán trên một tấm giấy màu vàng, đính lên giá văn và bên trên dán thêm một tờ vàng bạc, để đến bao giờ có lời xướng "Tuyên độc chúc" thì giá văn được đưa từ bàn thờ xuống, chuyển cho người đọc. Bên cạnh người đọc có hai Học trò lễ, một người đỡ giá văn, người kia cầm đèn để soi sáng cho người đọc (đây chỉ là hình thức mà thôi). Văn tế Quan Thánh cũng được viết theo thể văn biền ngẫu như những bài văn tế khác, nhưng phần sau hầu hết trích dẫn những câu từ "Đào Viên Minh Thánh Kinh", "Giác Thế Chân Kinh" để nhằm ca tụng công đức, lòng trung liệt của Quan Công và cầu mong Thánh Đế ban phước, hộ trì dân chúng bình an vô sự, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt. Văn tế đọc xong là phần "Đồng bái" (cùng lạy) của những thiện nam tín nữ và người dân. Sau đó là lễ "Phần chúc" tức là đốt văn tế và hóa vàng mã, rồi kết thúc lễ tế. Cuối cùng là phần múa lân để bái Ông và làm tăng khí thế sôi động mừng kết quả của buổi lễ.
Qua tư liệu thư tịch và hồi cố về lễ hội Quan Công miếu (Chùa Ông) trước đây trong các dịp chuyển mùa vào Rằm tháng Giêng và tháng Bảy, hoà cùng với các đình làng, ấp cúng Long Chu ở Quan Công miếu còn có lễ rước sát phạt. Tuần tự sau tế là đến rước. Việc rước đã được chuẩn bị chu đáo từ mấy hôm trước.
Ba hồi chín tiếng trống cùng chiêng hoà nhịp nổi lên báo hiệu cuộc rước bắt đầu. Đội khiêng kiệu, đội cờ sẵn sàng. Tiếng Ông Hiệu trưởng (người đứng đầu Ban tổ chức) xướng lệnh kèm theo tiếng pháo nổ vang báo hiệu cuộc rước bắt đầu.
Dẫn đầu là cờ Tiết và cờ Mao. Cờ Tiết do Vua ban tượng trưng cho quyền lực, cờ Mao là chỉ dụ của Vua cho đi tuần thú. Đây là cờ biểu hiện uy đức của thần linh. Kế đó là bốn lá cờ vuông, tức là cờ tứ phương, cũng tương ứng với bốn màu theo tuần tự trước có Đông (xanh), Tây (trắng), sau có Nam(đỏ), Bắc (đen). Sau nữa có năm lá cờ ngũ hành đuôi nheo được may viền bốn màu quanh màu chính ở giữa, kim (trắng), mộc (xanh), thuỷ (đen), hoả (đỏ), thổ (vàng). Tiếp là bốn lá cờ tứ linh, bốn con vật linh thêu trên cờ: Long (rồng), Lân ( sư tử), Quy (rùa), Phượng (phượng hoàng). Các loại cờ trên của miếu và làng. Ngoài ra còn có cờ bát quái (tám lá tượng trưng tám quẻ: kiền, khôn, chấn, tốn, khảm, ly, cấn, đoài) của lực lượng phù thuỷ và thầy bói. Những người cầm cờ có y, trang phục kiểu lính thú đời xưa. Đầu đội nón dấu, áo vàng, nẹp đỏ, lưng thắt dây đỏ có may chần một đoạn trước bụng cho dầy để đỡ cán cờ cho nhẹ.
Đi sau đội cờ có 4 người cũng y phục như trên rinh 4 biển nhỏ, sơn son thếp vàng hình chữ nhật, góc uốn tròn, đi hai bên. Một biển đề chữ "hồi tỵ", biển kia đề "tĩnh túc". Ý truyền lệnh tránh xa, nghiêm túc.
Đội nhạc áo dài khăn đóng gồm chủ yếu là bộ kèn, bộ gõ, bộ dây tấu nhạc đi ngay sau. Tiến theo đó là trống cái và chiêng do những người có y phục võ khiêng. Trống và chiêng điểm nhịp từng tiếng một, trống trước, chiêng sau.
Ngựa hồng (Xích Thố) đi bên trái, ngựa bạch (Bạch Mã) đi bên phải. Cả hai đều có bánh xe gỗ được 8 người chia toán đẩy đi.
Đồ lễ bộ và bát bửu cũng do những người có trang phục lính rinh đi hai bên hộ vệ một viên quan mang tấm vóc thêu chữ Lệnh, có lọng vàng che. Đây là Lệnh của Vua giao cho Tướng thừa hành lần này.
Long đình rước đỉnh trầm cùng lục bình hoa và mâm quả do 4 người khiêng. Long kiệu là một cái ngai lớn được trang trí rồng mây công phu do tám người khiêng. Chính giữa lưng ngai có một chữ Thánh cắt bằng giấy kim hoa vàng rực lóng lánh. Đám rước đi quanh phố đến các ngã tư đều dừng để các thầy phù thuỷ đọc kinh Quan Thánh Đế Quân và chú sát phạt. Đây cũng là dịp cho các con kiệu được nghỉ ngơi.
Bô lão, chức sắc đi ngay sau Long kiệu trong bộ lễ phục tế hoặc áo áo dài khăn đóng, nối sau là lực lượng dân làng, đủ mọi lứa tuổi. Đặc biệt có những năm làm lớn được sự tài trợ của quan phủ, còn tổ chức múa Lân, múa Rồng. Đám múa Lân, Rồng được quyền lúc đi trước, lúc đi sau đám rước có ý nghĩa như hộ tống và làm rộn rã đám rước. Trong suốt thời gian tổ chức lễ tế mọi người đến dự cùng khách thập phương đều tự nguyện đóng góp ít nhiều và xin lộc Ông về để bàn thờ Gia tiên mong được nhiều may mắn trong cuộc sống. Cũng theo hồi cố, đã có dịp vì Trời làm đói kém người ăn xin đầy đường nên làng dựng cộ lớn trước sân ngay góc Giếng Mái để cúng lễ xong phát chẩn, xô cộ cho chúng sinh chóng thoát khỏi khổ não phiền luỵ.
Lễ hội Quan Công miếu (Chùa Ông) tuỳ từng thời kỳ để làm lớn hoặc làm nhỏ nhưng luôn luôn được duy trì tổ chức, bởi nó mang nhiều ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc đối với người dân địa phương. Ai cũng hiểu rằng ở đây không phải là tôn thờ cúng tế một Quan Công nhà Hán mà chính là tôn thờ và cúng tế một vị Thánh Đế Quan Công trung liệt nghĩa khí, tiết liệt oai phong, căm ghét gian tà, tráo trở, có công giúp nước cứu dân, bảo hộ sự bình an cho dân chúng. Hình tượng Quan Công đã được Hội An hóa, trở thành tín ngưỡng hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng. Khi con người có niềm tin sẽ có tất cả, trong đó niềm tin trong tín ngưỡng còn có tác động duy trì cân bằng hành động hướng đạo của con người để vươn tới Chân Thiện Mỹ.
Ngoài lễ chính trên, hàng ngày và vào dịp sóc vọng, dân cư trong phố và khách thập phương vẫn thường xuyên đến lễ bái cầu xin độ mạng từ ơn trên. Có rất nhiều câu chuyện thú vị truyền miệng về những linh ứng ban phúc của Ông cho từng người, từng gia đình. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Tiêu, ngày 14-15-16 tháng Giêng âm lịch sau Tết Nguyên Đán, hàng ngàn người từ các nơi lân cận và cả Hội An đổ về xin lộc, cầu tài, cầu phúc. Họ tin tưởng rằng khi dâng hương lên Ông trong dịp này sẽ nhận được cả năm nhiều may mắn trong đời sống, công cuộc làm ăn. Những ngày này, dòng người đông đúc chen vai thích cánh, xếp hàng cả hai ba giờ đồng hồ để đến lượt vào chiêm bái. Vì đức tin vô cùng lớn nên họ sẵn sàng chấp nhận chồn lưng mỏi gối, khí trời nắng nóng để đạt được mục đích.
Ngày nay lễ hội Chùa Ông đã thu gọn lại và có nguy cơ đơn giản dần. Vì đây là loại lễ hội lớn ở Hội An nên cần có biện pháp duy trì phát triển trả về bản gốc chân nguyên của nó, nhất là trong tình hình hiện nay hoặc sắp tới càng có điều kiện để làm như vậy. Nên chăng có ban tổ chức của cả thành phố đứng ra lo liệu sắp xếp, bố trí. Ví dụ có thể đặt WC công cộng, làm mái che cơ động phục vụ nhân dân. Nên chăng tái tổ chức những đám rước sau lễ tế để phố phường sôi động hơn, để góp phần làm phong phú hình thức lễ hội tín ngưỡng dân gian, một biện pháp bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đồng thời góp phần tạo sức hút thêm cho Hội An.
Đã nói đến chùa Ông lại thường nhắc đến chùa Bà. Kế sau Chùa Ông là Minh Hương Phật Tự, nơi thờ Phật nhưng được dân gian nhắc đến nhiều, chủ yếu là Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát nên lâu dần thường gọi là chùa Quan Âm. Ở hai di tích này đã có sự hỗ trợ lan tỏa trong lễ hội vì đã có hoạt động lễ hội ở phía trước nhất thiết kéo theo các hoạt động phía sau và ngược lại. Vì có sự phối hợp giữa hai di tích này diễn ra liên tục nên vô hình trở thành tụ điểm thu hút dân cư trong phố và trở thành trung tâm tín ngưỡng của Thương cảng Hội An xưa. Đã có thời gian dài sau giải phóng nơi đây trở thành trụ sở UBND phường Minh An. Từ năm 1989, Ban Quản lý Di tích Hội An (sau này Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) sử dụng làm Nhà Trưng bày Lịch sử Văn hóa Hội An nhằm giới thiệu cho khách tham quan có cái nhìn khái quát về các chặng đường lịch sử Đô Thị cổ Hội An. Để trả lại không khí lễ hội độc đáo cho nơi này, vừa qua đã dời chuyển trưng bày Lịch sử Văn hóa đến Bảo tàng Hội An và đang cho thiết lập lại Minh Hương Phật tự. Xét cho cùng trong phố đến nay chỉ còn nơi này là chùa thờ Phật. Thật hiếm có nơi nào như ở Hội An trước thờ Ông, sau thờ Bà, xa phía trước có chợ có sông. Hy vọng từ sau Tết Bính Thân -2016, đây sẽ là cặp di tích kiến trúc tín ngưỡng thỏa mãn được khát vọng có được chỗ dựa tâm linh hơn nữa để được sống bình an, hạnh phúc, tài lộc dồi dào...riêng của người dân Hội An, chung của cả cộng đồng khu vực Xứ Quảng.

Rất đông du khách viếng hương Chùa Ông trong Tết Nguyên Tiêu