Theo nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu về Hội An cho biết, từ thế kỷ XVII, XVIII, người Hoa đến định cư ở Hội An đã được các chúa Nguyễn đón nhận, lập nên cộng đồng cư dân Minh Hương bao gồm nhiều nghề nghiệp, giai tầng khác nhau: thương nhân, buôn bán nhỏ, thợ thủ công, thầy thuốc, thầy lý số, binh lính, quan lại, quý tộc, nho sĩ...Những tri thức, kinh nghiệm nghề nghiệp của họ đã được các chúa Nguyễn tin dụng bằng những chính sách ưu đãi. Các chúa Nguyễn đã giao người Minh Hương đảm nhận các công việc ở Ty Tàu Vụ như kiểm soát thuyền buôn các nước, cân đo, định giá hàng hóa, thông ngôn...Một số người uy tín còn được phong chức Cai phủ tàu. Điều hết sức tiến bộ, cởi mở trong quản lý và cách đặt niềm tin của các chúa Nguyễn lúc bấy giờ là tạo cho cơ quan Ty Tàu Vụ tự trị về mặt tài chính.
Người Nhật đến buôn bán ở Hội An cũng được các chúa Nguyễn tin dụng, trọng đãi. Chúa Nguyễn cũng giao cho các thương gia người Nhật phụ trách về cảng vụ, thuế vụ, phiên dịch, cố vấn thương mại. Phố người Tàu, người Nhật được lập ở Hội An có luật lệ, phong tục riêng và tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong khu phố. Các thương nhân phương Tây cũng được các chúa Nguyễn cho chọn khoảng đất thích hợp để dựng thương điếm ở Hội An. Thương nhân, giáo sĩ Poivre (người Pháp) đến Hội An đầu thế kỷ XVIII đã nhận định: Ở Hội An việc thuê nhà làm thương quán rất dễ dàng. Những chính sách, giao tiếp, ứng xử trên đã thể hiện bản lĩnh khá táo bạo, cách đặt niềm tin, sự tín cậy của chúa Nguyễn, của cư dân bản địa Hội An đối với bạn bè các nước từ phương xa đến. Hội An - nơi Hội Nhân, tụ cư của con người từ nhiều lớp, nhiều nguồn, nhiều dân tộc - thì chắc rằng phải “trọng tín” với nhau để chung sống hòa hợp, an vui lạc nghiệp được.
Điểm nổi bật danh tiếng về phương thức buôn bán ở đô thị thương cảng Hội An xưa là tổ chức chợ phiên quốc tế hàng năm giữa 2 kỳ gió mùa kéo dài đến 4 tháng “Phố Hoài bốn tháng một phiên”. Muốn có hàng hóa năm tới vừa tốt, vừa rẻ, thương nhân các nước thường “đặt hàng - ứng trước” qua việc giao hàng mẫu, hình thức mua bán này đòi hỏi đôi bên phải giữ “uy tín quốc tế” mới mong bền chặt lâu dài trong điều kiện bạn hàng xa xôi cách trở trùng dương, lại khác nhau về ngôn ngữ giao tiếp, tiền tệ.
Đáp ứng nhu cầu của thương cảng quốc tế, sản vật, hàng hóa ở Hội An xưa được tư liệu lịch sử khẳng định là nhiều vô kể, phong phú về chủng loại, không thiếu thứ gì. Các sản phẩm của ngành nghề thủ công ở Hội An hết sức phong phú, đa dạng, chất lượng, đảm bảo uy tín và trở thành hàng hóa xuất khẩu với những thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới, đáng kể như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, yến Thanh Châu. Đặc sản địa phương thì “Trăm vật trăm ngon” như bánh in đậu xanh, mỳ Quảng, cao lầu, rau Trà Quế, hến, mắm, tương ớt... Phong cánh ứng xử trong buôn bán rất dễ dãi, sưu thuế nhẹ nhàng.
Các cư dân làm nghề buôn bán, hành nghề thủ công ở Hội An rất xem trọng chữ “Tín” còn được thể hiện trong tín ngưỡng thờ cúng dân gian. Các phổ nghề đều lập các thiết chế tín ngưỡng riêng, đây là nơi ngoài chức năng tín ngưỡng còn là điểm sinh hoạt tạo điều kiện liên kết, giúp đỡ nhau trong kinh doanh, hành nghề. Đặc biệt miếu Tín Nghĩa (Di tích Tín Nghĩa Từ tại số 5 đường Nguyễn Huệ, Hội An hiện nay) là một điểm thờ tự đề cao hai chữ “Tín Nghĩa” trong việc kinh doanh buôn bán. Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) với lòng Trung, Tín, Tiết, Nghĩa được cư dân buôn bán trong khu phố phụng thờ và tín ngưỡng hàng đầu, chợ Hội An - Trung tâm thương mại - được tạo lập ngay trước miếu Quan Công, qua đó cũng nhằm nhắc nhỡ những người buôn bán phải giữ “Tín Nghĩa” thường ngày, mua bán từ tốn, trung thực, không mua gian bán lận, không thách giá, biết giữ điều hẹn ước, tin cậy lẫn nhau. Có lẽ vậy, nên phố Hội mới được ngợi ca là nơi buôn bán tiếng nghe xa gần “Hội An là chốn hữu tình/ Thuyền buôn thuyền bán rập rình bến sông”.

Di tích Tín Nghĩa Từ (5 đường Nguyễn Huệ)- Ảnh: Huỳnh Hà