Cùng với Chùa Cầu (cầu Nhật Bản), hội quán Triều Châu (chùa Âm Bổn), chùa Bà Mụ ở Hội An từng được viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp liệt hạng vào danh mục cổ tích bởi di tích này không chỉ có niên đại xây dựng sớm mà còn là di tích có quy đồ sộ và lối kiến trúc mang đậm dấu ấn mỹ thuật phương Đông. Theo nội dung văn bia ghi dấu lần đại trùng tu vào thời Khải Định cho biết nguyên chùa Bà Mụ được xây dựng vào năm Bính Dần thời Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế, tức là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và được đại tu bổ vào các năm Tự Đức nguyên niên (1848) và Khải Định năm thứ 7 (1922). Quy mô của ngôi “chùa” này được mô tả gồm cổng cao cửa rộng, bên trong là hai cung Cẩm Hà và Hải Bình. Cung Cẩm Hà nằm ở bên phải thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, phối thờ 12 Bà Mụ. Cung Hải Bình nằm phía bên trái thờ Bảo Sanh Đại Đế và tam thập lục tướng tức 36 vị tướng được phong thần.
Vậy Bảo Sanh Đại Đế và Tam thập lục tướng là những vị thần nào, có vị trí như thế nào trong đời sống tín ngưỡng mà được người Hội An thờ cúng trong nhiều trăm năm như vậy. Qua sưu tầm, dịch thuật một số tư liệu Hán - Nôm chúng tôi đã tìm thấy những nội dung liên quan đến những vị thần này như sau.
Theo “Hoa Hạ chư thần” và nhiều tài liệu khác như “Đồng An huyện chí”, “Đài Loan huyện chí”, “Đạo giá nguyên lưu Ngô Chân Quân ký”… đều chép rằng Bảo Sanh Đại Đế còn gọi là “Ngô Chân Nhân”, “Ngô Chân Quân” , “Đại Đạo Công”, “Ân Chủ Công”, “Chân Nhân Tiên Sư”, “Hoa Kiệu Công”, “Anh Huệ Hầu Ngô Công Chân Tiên”... tất cả những tôn xưng trên đều là những mỹ tự do nhiều đời vua chúa phong thần cho Bảo Sanh Đại Đế và chuẩn cho phép các địa phương thờ phụng Ngài là thần tiên.
Bảo Sanh Đại Đế vốn người họ Ngô, tên Bản, tự Hoa Cơ, hiệu Vân Đông. Ngài sinh ra vào năm thứ tư Thái Bình Hưng Quốc triều nhà Tống, tại làng Bạch Tiêu, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến. Ngài là hậu duệ của Thái Bá hoàng đế triều nhà Châu, đóng đô ở Kim Lăng, huyện Ngô, nên lấy theo đó làm họ. Truyền được 31 đời đến thời Chiến Quốc thì nước chư hầu Ngô bị diệt vong, hoàng tộc hoặc chết hoặc bị phân ly tứ tán khắp nơi. Trong đó có một chi chạy đến ở tại huyện Lâm Chương, đạo Hà Bắc, tỉnh Hà Nam. Dòng họ nầy nhiều đời ăn chay niệm Phật, làm phước bố thí cho bá tánh. Đến đời chín, có người tên Ngô Thông, cưới vợ là Huỳnh Thị, nhân chạy giặc đến làng Bạch Tiêu, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến thì định cư ở đó. Một đêm nọ, bà Huỳnh Thị đang say giấc nồng, nằm mộng thấy sao Tử Vi đầu thai vào mình, tỉnh giấc thì biết là đã có thai. Đến năm thứ tư Thái Bình Hưng Quốc Kỷ Mão, bà Huỳnh Thị chuyển dạ thì nhìn thấy nào là Thái Bạch Kim Tinh, Nam Lăng Sứ Giả, Bắc Đẩu Tinh Quân… hộ tống một vị Tiên Đồng, đến phòng của bà nói: “Đây là sao Tử Vi ở thượng giới mà trước đây đã giáng thế đầu thai vào bà đó”. Hôm ấy là giờ Thìn ngày rằm tháng ba âm lịch, chính là ngày mà Ngô Bản được sinh ra. Lúc bấy giờ, mùi hương lạ bay thơm khắp nhà, hào quang tỏa rực, lại thấy Tiên Ngũ Lão và Tam Thai Khôi Tinh hiện thân bái hạ. Bên ngoài, trên trời có hoa năm sắc rơi xuống vô số phủ che hết căn nhà. Dân chúng ai ai cũng cho là điềm kỳ lạ, có thoại khí lành tốt chắc chắn không phải việc bình thường.
Ngô Bản từ nhỏ đã tỏ ra thông minh mẫn tuệ, biểu hiện tính cách có tâm đạo là không chịu ăn thịt cá. Rồi khi lớn lên, không chịu cưới vợ, luôn tỏ ra phẩm hạnh khác với người đời. Đến tuổi trưởng thành, Ngài đã thông suốt các sách, xem đâu nhớ đấy. Ngài đọc hàng ngàn quyển sách đủ loại, kể cả Địa Lý, Lễ Nhạc và hành chính. Nhưng chú ý nhất là sách vở về Y thuật của Huỳnh Đế và các y gia khác. Ngài ra sức nghiên cứu và đã đính chính nhiều chỗ sai sót của các sách y học đời trước. Về phương diện bào chế thuốc, Ngài đã ra công chế tạo được nhiều dược phẩm kỳ diệu , có giá trị chữa bệnh rất hiệu quả.
Ngô Bản thường bày tỏ ý chí của Ngài là “cứu thế giúp người”. Năm 17 tuổi, Ngài đi vân du các danh sơn. Ngày nọ, Ngài bổng gặp một dị nhân dẫn đường và nói rằng đưa đến yết kiến Tây Vương Mẫu được truyền “Thần phương diệu dược” và các pháp thuật “tróc quỉ trừ tà” để sau nầy cứu nhân độ thế”. Vương Mẫu còn giao cho các sách thuốc và thư phù trảm yêu trừ ma cho Ngô Bản. Vào năm nọ, ở vùng Chương Châu rộng lớn phát sanh bệnh ôn dịch, lây lan khắp huyện, người chết hàng loạt. Ngô Bản tức tốc đi đến Chương Châu đem sở học giúp cho bách tánh bình yên khỏe mạnh trở lại. Từ đó, Ngô Bản càng chăm chỉ “tu thân dưỡng tính” theo Tiên pháp, chế luyện tiên đan, vân du bốn biển, đem tài y thuật cứu giúp cho nhiều người thoát qua bệnh hiểm. Y thuật của Ngài đã đến mức “siêu thần nhập quỉ”, cho nên các Y Quan và Y gia kéo nhau đến xin Ngài chỉ dạy rất đông. Tương truyền, có lần Mẫu hậu của vua Tống Nhân Tông bị bệnh lạ, các quan Thái Ngự Y ra sức chữa trị mà không khỏi, đành bó tay. Lúc ấy, vua cho đón rước Ngô Bản vào triều, Ngài chẩn mạch cho thuốc, uống vào bệnh lành ngay. Vua Nhân Tông vô cùng mừng rỡ, ý muốn giữ Ngài lại làm Ngự Y, nhưng Ngài khẩn thiết chối từ.
Năm thứ ba Cảnh Hựu đời Nhân Tông (1036), tức là năm Bính Tý, ngày mùng hai tháng năm, Đại Đế đã tu luyện công thành quả mãn. Vào lúc chính ngọ, Ngài cỡi “hạc trắng”, từ quê hương Bạch Tiêu, phi thăng lên không trung. Năm ấy, Đại Đế thọ thế 58 năm. Dân trong làng và các làng bên, lập bàn hương án, thành tâm bái lạy đưa tiễn rồi bàn đến việc tạo lập Miếu Thờ, đắp tượng để lễ bái, hương khói thờ phụng quanh năm. Sau khi Đại Đế thăng thiên, dân làng Bạch Tiêu có xây dựng am Thu Long để thờ, đến đời Tống Cao Tông, vua ban lệnh cho trùng tu lại, thành ra “Cung Từ Tế” ở thôn Bạch Tiêu và ban thụy hiệu là “Đại Đạo Chân Nhân”. Sau vua Hiếu Tông và nhiều đời vua khác cũng phong tặng cho Ngài, như vào Khánh Nguyên năm đầu, vua Ninh Tông phong làm “Trung Hiển Hầu”, đến năm Gia Định lại gia phong “Mạc Huệ Hầu”. Năm Bảo Khánh thứ ba, Lý Tông phong làm “Khang Hữu hầu”, năm Bảo Khánh thứ tư lại gia phong “Trùng Khánh Chân Nhân” rồi năm thứ năm lại phong “Diệu Đạo Chân Quân”. Hồng Vũ thứ năm, hạ lệnh sắc phong Ngô Bản là “Ngô Thiên Ngự Sử Y Linh Chân Quân”. Đến triều nhà Minh, vua Nhân Tông hạ chiếu trùng tu Miếu thờ Ngô Chân Nhân ở Bạch Tiêu, ban thụy hiệu là “Vạn Thọ Vô Cương Bảo Sanh Đại Đế”, lại ban cho một áo long bào, ra lệnh quan địa phương phải cử hành cúng tế trọng thể hai kỳ Xuân Thu hàng năm.
Đến đời Thanh, huyện Đài Bắc xảy ra ôn dịch, tất cả thầy thuốc đều chịu bó tay. Những người dân quê ở Phước Kiến đề nghị chính quyền sở tại vượt biển sang tỉnh Phước Kiến, cung nghênh thánh tượng của Ngài Bảo Sanh Đại Đế ở Bạch Tiêu Cung về Đài Bắc trấn yểm. Chẳng lâu sau thì ôn dịch chấm dứt hoàn toàn. Bá tánh hết sức tôn sùng Đại Đế, xây dựng Miếu Thờ, bốn mùa hương khói đến nay không ngớt. Ngoài ra, trong dân gian cũng còn lưu truyền câu chuyện Bảo Sanh Đại Đế “điểm long nhãn, y hổ hầu” kể lại chuyện Đai đế từng chữa khỏi bệnh mắt cho một con rồng lớn và bệnh yết hầu cho một con hổ. Ngày nay, trong các Miếu Thờ Bảo Sanh Đại Đế, dù hình vẽ hay tượng đắp, bên dưới chân cũng đều có con cọp.
Về Tam thập lục tướng - 36 vị tướng được phối thờ với Bảo Sanh Đại Đế thì có nhiều thuyết khác nhau. Nhưng theo Phong thần thì bao Tam thập lục tướng gồm 36 vị đó là Thiên Khôi tinh Cao Diễn, Thiên Cang tinh Hoàng Chân, Thiên Cơ tinh Lô Xương, Thiên Nhàn tinh Kỷ Bính, Thiên Dũng tinh Diêu Công Hiếu, Thiên Hùng tinh Thi Cối, Thiên Mãnh tinh Tôn Ất, Thiên Uy tinh Lý Báo, Thiên Anh tinh Châu Nghĩa, Thiên Quý tinh Trần Khản, Thiên Phú tinh Lê Tiên, Thiên Mãn tinh Phương Bảo, Thiên Cô tinh Thiềm Tú, Thiên Thương tinh Lý Hồng Nhân, Thiên Huyền tinh Vương Long Mậu, Thiên Kiện tinh Đặng Ngọc, Thiên Ám tinh Lý Tân, Thiên Hựu tinh Từ Chánh Đạo, Thiên Không tinh Điển Thông, Thiên Tốc tinh Ngô Húc, Thiên Dị tinh Lữ Tự Thành, Thiên Sát tinh Nhậm Lai Sính, Thiên Vi tinh Củng Thanh, Thiên Cứu tinh Đan Bá Chiêu, Thiên Thối tinh Cao Khả, Thiên Thọ tinh Thích Thành, Thiên Kiếm tinh Vương Hổ, Thiên Bình tinh Bốc Đồng, Thiên Tội tinh Diêu Công, Thiên Tổn tinh Đường Thiên Chánh, Thiên Bại tinh Thân Lễ, Thiên Lao tinh Văn Kiệt, Thiên Tuệ tinh Trương Trí Hùng, Thiên Bạo tinh Tất Đức, Thiên Khốc tinh Lưu Đạt và Thiên Xảo tinh Trình Tam Ích.
Ở Hội An, ngoài chùa Bà Mụ, tại Minh Hương Tụy tiên đường cũng thờ bài vị của Bảo Sanh Đại Đế và được triều Nguyễn ban tặng sắc phong và chuẩn cho xã Minh Hương được duy trì thờ cúng. Khải Định năm thứ 2 (1917), sắc phong Đại Đế là “Linh Toại Dực Bảo Trung Hưng Bảo Sanh Đại Đế Trung đẳng thần”, phong 36 vị tướng là “Dực Bảo Trung Hưng Bộ hạ Tam thập lục tướng chi thần”.
Như vậy, theo quan niệm dân gian thì Bảo Sanh Đại Đế là một vị thần về y dược, gắn liền với việc trị bệnh cứu người với những truyền thuyết huyền thoại nên được các triều đại phong kiến Trung Hoa phong tặng là “Ân Chủ Hạo Thiên Kim Khuyết Ngự Sử Từ Tế Y Linh Diệu Đạo Chân Quân Vạn Thọ Vô Cực Bảo Sanh Đại Đế”. Còn Tam thập lục tướng là 36 vị thiên tướng bộ hạ của Đại Đế có công trừ yêu diệt ma bảo hộ sự bình an của bách tánh nên cũng được dân gian thờ cúng, và thường phối thờ cùng Bảo Sanh Đại Đế.
Mặc dù ngày nay chùa Bà Mụ đã bị chiến tranh tàn phá, toàn bộ hệ thống thờ tự cũng không còn. Nhưng việc thờ cúng Bảo Sanh Đại Đế vẫn còn duy trì tại Tụy Tiên đường Minh Hương và vẫn còn nhiều dân nhắc đến, điều này phần nào cho chúng ta thấy được sự phong phú trong tín ngưỡng đa thần của người Hội An, nơi mà trước đây từng là một thương cảng quốc tế, và được mệnh danh là một “trung tâm y dược” của xứ Đàng Trong.

Bài vị Bảo Sanh Đại Đế ở Tụy Tiên Đường Minh Hương