TÍN NGƯỠNG THỜ MÔN THẦN CỦA NGƯỜI HOA Ở HỘI AN

Theo các học giả, khởi nguyên của tín ngưỡng Môn thần bắt nguồn từ quan niệm sùng bái tự nhiên và quan niệm tín ngưỡng thần linh của con người thời kỳ nguyên thủy. Vào thời kỳ này, con người chủ yếu cư ngụ trong các hang động tự nhiên. Khi xã hội phát triển cao hơn, mới dần dần học được kỹ thuật dựng nên nhà cửa. Từ đây, ngôi nhà và con người có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Bởi ngôi nhà là nơi có thể phòng ngừa được thú hoang và địch hại, cũng là nơi có thể che mưa che gió, cất giữ thực phẩm và tài sản... Cảm kích vì tác dụng to lớn này, mà trong tâm tưởng con người đã hình thành nên vị thần của ngôi nhà (trong đó có Thần Cửa) để cúng tế nhằm báo đáp ân đức. Đây chính là nguồn gốc đầu tiên của tín ngưỡng thờ Môn thần.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa, Môn thần là vị thần có khả năng ngăn chặn, đe dọa và khống chế các oan hồn, ma quỷ rất kỳ diệu; vị thần này có nhiệm vụ ngăn chặn không cho tà ma xâm nhập vào gia cư, gây tai họa cho con người như ốm đau, chết chóc, việc làm ăn bị thất bại,… Cho nên từ xa xưa, trong tín ngưỡng dân gian của họ, Thần Cửa chiếm một vị trí rất quan trọng. Các vị thần này được thể hiện dưới nhiều hình thức thờ tự khác nhau, đôi khi chỉ là bức tranh, bức tượng, hình mặt hổ phù ngậm chiếc vòng thiếc, hình nhân bằng gỗ đào, chiếc gương soi hình tròn, hình bát giác ở trên đó vẽ bát quái hoặc chỉ một vài câu bùa chú gắn trên các cánh cửa ra vào. Qua điều tra khảo sát của chúng tôi, ở Hội An, tín ngưỡng thờ Môn thần được thể hiện khá rõ qua hình thức thờ hai vị thần là Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức tại các di tích tín ngưỡng tôn giáo và kiến trúc dân dụng của người Hoa. Có khi hai vị này được vẽ trên cánh cửa ra vào của hội quán, hoặc dưới hình thức trang trí mắt cửa trên các ngôi nhà.

Ở Hội An, hình vẽ của hai vị thần Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức được vẽ trên hai cánh cửa ra vào Hội quán Triều Châu và Hội quán Quảng Triệu. Tại hai hội quán này, hình ảnh Uất Trì Kính Đức râu hùm, khuôn mặt màu đen, còn Tần Thúc Bảo khuôn mặt màu trắng, mặc nhung phục võ tướng, tay cầm binh khí đứng gác rất đường bệ, được vẽ bằng sơn màu rất đẹp. Về lai lịch của hai vị thần này, các học giả Trung Quốc cho biết, được ghi chép trong các mục “Tam giáo sưu thần đại toàn”, “Sưu thần ký” và “Sử đại thần tiên thông giám” trong sách Chính thống đạo tàng, vốn là hai vị tướng quân đời Đường. Từ khoảng đời Nguyên về sau, mới được sùng bái, cúng tế như các Môn thần.

Tương truyền, sức khỏe của vua Đường Thái Tông không tốt, vào ban đêm thường nghe trước cửa tẩm cung có tiếng ma quỷ kêu khóc, tam cung lục viện đêm ngày không yên. Nên Đường Thái Tông đem sự việc này nói với các đại thần, Tần Thúc Bảo bèn tâu: “Thần bình sinh giết người như trở bàn tay, thi thể nhiều như kiến, còn sợ gì bọn quỷ nhãi nhép ấy. Nguyện sẽ cùng Kính Đức mặc nhung trang đứng hầu”. Đường Thái Tông bèn chuẩn tấu, trong đêm cho hai người đứng giữ hai bên cửa cung, quả nhiên cả đêm bình an vô sự. Thái Tông vui mừng ban thưởng cho hai người, nhưng cảm thấy để hai người giữ cửa cung cả đêm quá vất vả bèn ra lệnh vẽ hình của hai vị tướng quân, với hình dáng giận dữ, tay cầm rìu, lưng mang roi và cung tên, dán vào hai bên cửa cung, từ đó trong cung được bình an vô sự. Cho tới đời Nguyên, dân gian mới quen dần với cách làm này và tôn hai vị làm thần. Đến sau thời Minh, Thanh, những ghi chép này mới viết rõ đó là hai vị Tần Quỳnh (Tần Thúc Bảo) và Uất Trì Cung (Uất Trì Kính Đức). Như tác giả Cố Lộc, đời Thanh, trong sách Thanh gia lục. Môn thần ghi rõ: “Môn thần trong đêm. Thời cổ có thói quen vẽ hình ảnh của Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức, in vào giấy và dán ở nhà các hộ bá tánh”. Ngoài ra, căn cứ vào ghi chép của các học giả thời nay là Trương Chấn Hoa, Thường Hoa trong sách Trung Quốc tuế thời tiết lệnh lễ tục ghi rõ: “Tục lệ dán môn thần có lịch sử lâu đời, và ở mỗi địa phương đều có những thói quen khác nhau, thời gian khác nhau thì cách dán cũng khác nhau. Ở Bắc Kinh thường dùng ông mặt trắng Tần Thúc Bảo và ông mặt đen Uất Trì Kính Đức, để cầu mong trong năm được an toàn may mắn, bội thu”. Điều này cho thấy hai vị kể từ sau khi được phong làm Môn thần, đến nay vẫn được dân gian tín ngưỡng, cúng tế.

Trên các cánh cửa ra vào những ngôi nhà cổ, hội quán, đền miếu, nhà thờ tộc, đình, chùa tại khu phố cổ Hội An, chúng ta thấy có gắn hai khoanh gỗ hình tròn, hình lục giác, hình bát giác… được chạm khắc khá công phu và đôi khi được sơn son thếp vàng, mà cư dân địa phương quen gọi là “Mắt cửa”. Mắt cửa là một dạng trang trí khá đặc sắc cho ngôi nhà, nó thực chất là núm khóa chốt cửa, có hình dáng chiếc đinh, phần tán ở đầu dày 10cm, đường kính khoảng 20cm, và phần chốt đục liền với tán tiết diện hình chữ nhật dài khoảng 30cm, có chức năng liên kết “đố cửa” và “khung cửa” giữ không cho cánh cửa rời ra.

Qua khảo sát tại khu phố cổ Hội An, bước đầu chúng tôi tìm thấy có trên 20 kiểu mắt cửa khác nhau. Phần lớn các mắt cửa có dạng hình tròn, hình lục giác, hình bát giác, hoặc cắt khấc thành 6 hoặc 8 đầu cánh hoa cúc; một số ít mắt cửa có dạng hình vuông như mắt cửa ở nếp nhà thứ ba nối với nhà cầu và sân trời của nhà số 67 Trần Phú; hình nửa khối cầu dẹt ở nhà số 77 Trần Phú... Tán mắt cửa thường được chia thành hai phần: phần tâm và phần vành bao quanh mắt cửa. Phần tâm của mắt cửa đa số thường trang trí hình lưỡng nghi được sơn hai màu đen trắng - biểu tượng của âm dương, hình nhụy hoa, hình chữ triện, chữ Phúc, chữ Thọ,… Còn phần vành bao quanh bên ngoài tâm, tạo dáng hoa cúc 6 hoặc 8 cánh mà cánh của nó xoáy hình lá đề (nhà số 101 Nguyễn Thái Học, nhà số 80 Trần Phú…), hình bát quái, hình hồi văn, hình giao long, hình bốn hoặc năm con dơi bao quanh chữ Phúc, có mắt cửa chỉ có một chữ Thọ, hoặc tạo một gờ chỉ nổi phía bên ngoài vây lấy tâm… Một số mắt cửa hình vuông thì phần vành của nó không được trang trí. Ngoài ra ở một số đền miếu, hội quán, mắt cửa có trang trí khác: như mắt cửa ở Miếu Quan Công (số 24 Trần Phú) có dạng hình tròn, phần tán được chạm nổi mặt con lân miệng đang há to, mắt trắng, mi xanh, mũi đỏ, râu bạc trông rất dữ tợn; mắt cửa ở hậu cung Hội quán Phúc Kiến sơn son thếp vàng mà phía trên chạm đôi rồng chầu mặt trời, phía dưới là đôi giao long chầu mặt trăng, ở chính giữa là vòng tròn âm dương; còn ở Chùa Cầu mắt cửa cũng sơn son thếp vàng, trên tán mắt cửa người ta chạm nổi hình bốn hoa cúc dây bao bọc xung quanh, xoáy lưỡng nghi nằm ở chính giữa,…

Viết về đôi “Mắt cửa” một số nhà nghiên cứu cho rằng: “Người Hội An quan niệm con người và con vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn lòng mình, thì đồ vật gắn với con  người cũng phải có mắt. Cái thuyền là nhà nổi trên sông phải được vẽ mắt trước khi hạ thủy, cái nhà trên đất cũng phải có mắt để tránh cho chủ nhà những tai nạn”.

Như Phạm Hoàng Hải trong cuốn Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An có viết: “Người Hội An quan niệm con người, con vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn vào lòng mình thì các đồ vật gắn với vận mạng con người cũng phải có mắt. Các thuyền ghe ở Hội An cũng được vẽ vào hai bên mũi thuyền hai con mắt rất to và rõ để nhìn thấy mọi tai ương trên biển khơi. Cái nhà, nơi con người sống cả đời trong đó cũng phải có đôi mắt để bảo vệ mình và cũng mở cửa tâm hồn mình với xã hội”.

Qua hai ý kiến trên, các tác giả đều cùng một quan điểm cho rằng: “Người Hội An quan niệm con người và con vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn vào lòng mình, thì đồ vật gắn với con người cũng phải có mắt”Tuy nhiên, chúng ta thấy nhiều đồ vật khác, cũng gắn chặt với cuộc đời của mỗi con người ở Hội An sao không có mắt?

Hai tác giả còn đưa ra ý kiến về chiếc ghe ở Hội An cũng được vẽ mắt. Điều này hẳn ai cũng biết, không chỉ riêng Hội An mà tại nhiều địa phương trên đất nước ta và các quốc gia trên thế giới, ghe thuyền cũng thường được vẽ mắt. Ở Ai Cập vào khoảng 2.700 năm trước công nguyên, trên những chiếc thuyền lớn, cư dân cổ Ai Cập đã vẽ một con mắt của thần Osiris. Ở Hy Lạp và Ý vào khoảng 450 - 100 năm trước công nguyên, trên các mũi thuyền đều sơn những con mắt. Ở vùng Bali của đất nước Indonesia, trên những chiếc thuyền độc mộc người ta vẽ đầu con quái vật biển Makara. Còn ở Việt Nam, mỗi địa phương đều có những cách vẽ mắt trên các mũi thuyền rất khác nhau. Từ xưa dân gian quan niệm xem chiếc thuyền cũng như một sinh vật, mỗi khi đi trên kênh rạch, ao hồ, sông, biển thường gặp những con quái vật gây hại đối với con người, nên họ vẽ mắt ở hai bên mũi thuyền để các loài thủy quái không dám làm hại. Ngoài ra, ghe thuyền có mắt để dẫn con người đến những ngư trường có nhiều tôm cá.

Đối với nhà cửa, nơi con người sống cả cuộc đời cũng phải có “đôi mắt” thì vẫn còn nhiều vấn đề chưa thật sự thuyết phục. Ở khu phố cổ Hội An, mắt cửa chỉ tập trung trong những di tích kiến trúc dân dụng và kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa, nhưng rất hiếm thấy trên những ngôi nhà, đình, chùa của người Việt. Trong khi đó, làng mộc Kim Bồng - nơi sản sinh ra những nghệ nhân góp phần hình thành nên quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An, thì trong những ngôi nhà của họ lại không chạm khắc trang trí mắt cửa. Còn trong nhiều ngôi nhà của người dân tộc Bạch, cách trung tâm thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khoảng 40km có trang trí nhiều mắt cửa, tuy kiểu thức chạm khắc trang trí không phong phú như ở Hội An. Theo chúng tôi, “Mắt cửa” là biến thể của hình thức thờ “Môn thần” trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở khu phố cổ Hội An.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, các giai đoạn phát triển khác nhau của con người mà vai trò, chức năng và hình ảnh của Môn thần cũng vì thế thay đổi. Và điều này, đã được minh chứng rõ ràng nhất qua các hình thức thờ Môn thần của người Hoa ở Hội An.

Mặc dù ngày nay, trong các công trình kiến trúc của người Hoa ở Hội An, Môn thần ít được cúng bái, hằng đêm người ta chỉ cần cắm hai bên cánh cửa một cây nhang là đã thể hiện lòng tôn kính của gia chủ đối với các thần. Song điều đó, vẫn không làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống nơi cố hương, mà còn góp phần làm phong phú thêm văn hóa cho vùng đất mới - Hội An.

Một số kiểu mắt cửa trong các ngôi nhà cổ Hội An 

Tin liên quan