TƯ LIỆU QUÝ VỀ CÔNG TÁC TUẦN TRA VÙNG BIỂN CÙ LAO CHÀM

Trong quá trình thực hiện một đề tài về văn hóa làng xã Hội An truyền thống, chúng tôi may mắn được tiếp cận một tập tư liệu quý. Đây là một tập tư liệu dày gần 3000 trang, là kết quả của một cuộc điều tra của trường Viễn Đông Bác Cổ đầu những năm 1942-1943 . Về tổng quan, đây là tập điều tra về các làng tại Quảng Nam, trong đó có Hội An. Ghi chép khá chi tiết, gồm cả chữ Hán Nôm, Pháp văn và Quốc ngữ. Nội dung chính đề cập đến tự khí, văn tự, quan lộ, sắc phong... trong các làng xã, kèm theo sơ đồ vẽ tay chỉ dẫn.

Trong quá trình thực hiện một đề tài về văn hóa làng xã Hội An truyền thống, chúng tôi may mắn được tiếp cận một tập tư liệu quý. Đây là một tập tư liệu dày gần 3000 trang, là kết quả của một cuộc điều tra của trường Viễn Đông Bác Cổ đầu những năm 1942-1943[1]. Về tổng quan, đây là tập điều tra về các làng tại Quảng Nam, trong đó có Hội An. Ghi chép khá chi tiết, gồm cả chữ Hán Nôm, Pháp văn và Quốc ngữ. Nội dung chính đề cập đến tự khí, văn tự, quan lộ, sắc phong... trong các làng xã, kèm theo sơ đồ vẽ tay chỉ dẫn.

Làng Tân Hiệp được chép trong tập tư liệu thời điểm đó thuộc tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có độ dài 10 trang. Làng gồm khoảng trên 300 nhân khẩu, nghề nghiệp chủ yếu là nông nghiệp, đánh cá và đốn củi mặc dù họ ở rất gần và là cửa ngõ đường biển của thành phố Hội An nhưng thương nghiệp lại không nhiều. Về sản vật gồm gỗ, cây củi, mây và nhiều nhất là yến, đồi mồi, xà cừ...

Điều đặc biệt là tuy tư liệu không nhiều nhưng có 3 tư liệu về công tác tuần tra, bảo vệ cửa biển tại làng Tân Hiệp xưa: "Hồi trước hình như văn tài ít nên không để lại bia bản cùng liệt truyện và sử ký từ đời Hậu Lê. Về địa bộ và châu bộ cũng không có giấy má gì. Làng chỉ có 3 tờ phổ của ba đời Chánh Hòa, Vĩnh Thạnh, Cảnh Hưng. Trong ba tờ ấy, cũng giống giống với nhau là bắt dân ở trên hòn Cù Lao Chàm này phải tuần phòng đêm ngày lưu ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó".

Có thể nói đoạn tư liệu trên tuy ngắn nhưng lại rất quý về công tác tuần phòng tại cửa biển của Hội An, Quảng Nam, nơi có nhiều thương thuyền ngoại quốc thường xuyên lui tới nên phải "ngày đêm tuần phòng". Điều đặc biệt nữa là có sự giống nhau của cả ba tờ phổ, nghĩa là có sự xuyên suốt từ các niên hiệu Chánh Hòa (Chính Hòa), Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thịnh) và Cảnh Hưng, tức khoảng trên 100 năm, từ 1680 đến năm 1786[1] chính quyền Đàng Trong đều chăm lo đến công tác quan trọng này.

Về sau, dưới triều Nguyễn, công tác tuần phòng ven biển, cửa biển cũng tiếp tục được vua Nguyễn quan tâm thực hiện. Nhiều tư liệu từ chính sử nhà Nguyễn cho biết điều này được thực hiện rất qui cũ, bao gồm hệ thống thành đồn ven biển để giám sát, phòng thủ và thực hiện công tác tuần tra thường xuyên. Thuyền tuần tra có nhiều dạng trong đó thuyền kinh phái, tỉnh phái và các đồn biển giữ vị trí quan trọng. Ở những cửa biển nhỏ nhà nước thường giao cho dân trong vùng phụ giữ. Đặc biệt vào thời đại phải thường xuyên tiếp xúc với các tàu thuyền nước ngoài, nhà Nguyễn đã rất lưu ý đến những tàu phương Tây. Ngay từ đầu, nhà nước đã có nhiều qui định để kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa biển, trong đó qui định tàu phương Tây chỉ được cập bến Đà Nẵng không ngoài mục đích dễ bề kiểm soát.

 Đây là tập tài liệu cũ, chữ bị mờ nhiều, lại viết lẫn lộn chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và Hán Văn nên gây khó khăn nhất định khi nhận diện văn bản. Tuy vậy, có thể nói đây là những tư liệu rất quý giúp chúng ta nhận diện về một Hội An của những năm 40 thế kỷ trước trong đó có làng Tân Hiệp và thông tin về công tác tuần phòng vùng biển rất quý. Ngày nay nếu may mắn tìm lại được ba tư liệu gốc có thông tin nói trên thì sẽ rất ý nghĩa ?

 


[1] Tập tư liệu được TS. Trần Đình Hằng cung cấp nhân đây chúng tôi xin trân trọng cám ơn TS Trần Đình Hằng.

[1] Chính Hòa là niên hiệu của vua Lê Hy Tông, làm vua từ 6/1675 - 1705, có hai niên hiệu Vĩnh Trị (1/1676 đến 9/1680), Chính Hòa (10/1680 đến 3/1705). Vĩnh Thịnh là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông, ở ngôi từ 1705 - 1729. Ông có hai niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 - 1720) và Bảo Thái (1720 - 1729). Cảnh Hưng là niên hiệu của vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Ông chỉ có một niên hiệu duy nhất cũng là vị vua cuối của nhà Hậu Lê.

 

Tin liên quan