Một số lưu ý về góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 6/2/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quá trình góp ý sẽ phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Những nội dung mới

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, cụ thể gồm: (1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (3) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; (4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; (5) Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất;

(6) Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất; (7) Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; (8) Quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; (9) Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; (10) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến đất đai.

Cần góp ý trọng tâm 

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Các nhóm vấn đề lớn, quan trọng nhất, xuyên suốt của dự luật này là: quy hoạch; tài chính và định giá; thể chế; cải cách thủ tục hành chính và chuyển dịch đất đai.

Nội dung góp ý tập trung vào 9 vấn đề trọng tâm của Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: (1) quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) phát triển quỹ đất; (4) giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) hộ gia đình sử dụng đất.

 

Tin liên quan