Tết Trung Thu ở Hội An

Mỗi độ trăng rằm tháng Tám, Hội An lại rộn ràng vui hội Trung Thu. Các gia đình, thôn xóm, các di tích đình miếu, doanh nghiệp, hiệu buôn,… tưng bừng bày mâm cỗ, đón mời các đoàn múa vật linh. Không khí lễ hội thật tươi vui, náo nhiệt. Người Việt xưa có câu“Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”. Ngắm trăng rằm tháng Tám và dự đoán về thời tiết, mùa màng, vận mệnh quốc gia là một thông tục từ xưa của Lễ Tết Trung thu tại nhiều quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á, một nghi lễ hội mùa, cầu mong sự sinh sôi, nảy nở và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an . Trải qua thời gian, cùng với những điều kiện giao lưu, tiếp biến văn hóa, Tết Trung Thu ở Hội An mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc riêng có và bền bỉ sức sống theo cùng năm tháng.

Lễ hội Trung thu ở Hội An 1999 - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 

      Văn bản xưa nhất cho tới nay đề cập đến Tết Trung Thu ở Việt Nam là tấm bia chữ Hán tại tháp Sùng Thiện Diên Linh, chùa Long Đọi, Hà Nam lập năm 1121, cách nay 9 thế kỉ. Văn bia đã miêu tả Tết Trung Thu thời đó được Hoàng đế Lý Nhân tông tổ chức thật là tưng bừng, hoành tráng với những màn biểu diễn đặc sắc, nhộn nhịp tại kinh thành Thăng Long. Đoạn miêu tả bắt đầu như sau: “Trung Thu cảnh đẹp, muôn việc rảnh rang. Với lòng hiếu thành mở ra mà dọn cỗ bàn, cùng lễ lạt bày lên mà cúng dâng hoàng khảo”[1].

      Theo chính sử triều Nguyễn, việc tổ chức lễ Tết Trung Thu định kỳ hàng năm được triều đình quy định rất cụ thể. Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (tục biên), tập 5, phần Bộ Lễ, qui định về việc tế ở các đại tự, vào năm Tự Đức thứ 13 (1860), tại điện Long An, lễ Trung Thu là một trong 7 lễ tiết (lễ cúng theo các tiết của mỗi năm) với lễ vật là “1 mâm hào soạn hạng nhất, 2 mâm ngọc soạn, 1 mâm trân tu”. Năm Thành Thái thứ nhất (1889), qui định lễ phẩm cần thiết cho mỗi lễ ở mỗi sở. Không chỉ tế tại điện Long An mà còn mở rộng ra ở các miếu, điện lớn hơn là Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thái Miếu, Điện Phụng tiên, Điện Thụy thánh, Sùng Ân, Hòa Khiêm... Lễ phẩm có phần đơn giản hơn với đèn cày, rượu, giấy vàng bạc, trầu, cau, thuốc, bạch đàn hương, tốc hương.

      Như vậy, trong thời phong kiến, việc cúng Tết Trung Thu đã được qui định chặt chẽ trong triều đình.

      Theo ghi chép trong cuốn Phủ biên tạp lục, đến nửa cuối thế kỷ XV, là thời kỳ phát triển thịnh vượng của chế độ phong kiến Việt Nam với vị vua Lê Thánh Tông, thời kỳ nhà nước Đại Việt đủ sức lực để bảo vệ ổn định vùng đất Đại Chiêm, Cổ Lũy thông qua việc xây dựng chính quyền phong kiến ở đây. Việc quan trọng không kém lúc bấy giờ là phải tổ chức hành chính xuống tận các làng - xã - thôn - xóm để làm cơ sở cho chính quyền trung ương và địa phương. Đó là cơ hội để các làng - xã ở khu vực Hội An nói riêng, ở Quảng Nam nói chung ra đời[2], cũng như bắt đầu hình thành các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Việt trên mảnh đất này nhằm duy trì, phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, tín ngưỡng cộng đồng của những di dân người Việt tại nơi an cư mới. Những quan niệm tín ngưỡng và các nghi thức cúng bái liên quan đến lễ hội, trong đó có lễ tết Trung Thu, là một phần không thể thiếu trong hành trang khai hoang phục hóa, mở mang bờ cõi, khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên vùng đất mới.