Hội An phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng

Đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, TP.Hội An chú trọng khai thác tiềm năng để phát triển sản phẩm mới, mang tính đặc trưng…


 

Các phiên chợ sản phẩm OCOP ở Hội An luôn thu hút người dân và du khách đến tham quan, mua sắm

 Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2022, TP.Hội An có 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao cấp tỉnh là sản phẩm Ngũ cốc hạt sen mè đen của Cơ sở ngũ cốc Mẹ Mít (xã Cẩm Hà) và 4 sản phẩm đạt hạng 3 sao gồm: Quật sấy sợi Phúc Nguyễn của cơ sở SXKD hoa hồng Phúc Nguyễn (xã Cẩm Hà), Bơ đậu phộng nguyên chất của Công ty TNHH Bếp Gấu Trúc (xã Cẩm Thanh), Bình hoa thủ công gốm Sơn Thúy của cơ sở sản xuất gốm Sơn Thúy (phường Thanh Hà), Hồng đẳng sâm sấy mật ong của Hộ Kinh doanh Cà phê & Đặc sản Bếp Nhà Vân phường Cẩm Châu). Chị Thái Thị Nhị – cơ sở ngũ cốc Mẹ Mít (xã Cẩm Hà) giới thiệu nguyên liệu về sản phẩm Ngũ cốc hạt mè đen đạt hạng 4 sao cho biết, từ sản phẩm ngũ cốc gạo lứt mè đen, chị muốn phát triển rộng hơn từ nguyên liệu địa phương nhiều hơn như mè đen ở Cẩm Hà, mè đen ở Núi Thành rất ngon và sạch. “Nhờ thổ nhưỡng nên mè đen ở Quảng Nam trồng ra không cần thuốc, chỉ thuần tự nhiên và rất tốt cho sức khỏe người lớn cũng như em bé. Phát huy lợi ích nguyên liệu đó, kết hợp với hạt sen hữu cơ ở Trà Quế (Hội An) và ở Trà Kiệu (Duy Xuyên), tôi làm thành sản phẩm Ngũ cốc hạt mè đen, lan tỏa được sản phẩm đi xa hơn!”, chị Nhị nói.

Như vậy, trong giai đoạn 2018 – 2022 Hội An có tổng cộng 18 sản phẩm OCOP được công nhận hạng sao cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm được đề nghị công nhận hạng 5 sao cấp Trung ương. Phân theo nhóm sản phẩm, có 13 sản phẩm thực phẩm, 3 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm đồ uống và 1 sản phẩm dịch vụ du lịch. Riêng sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng của HTX Dịch vụ – du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành, phường Cẩm An đạt hạng 4 sao năm 2021, vừa được trao giải thưởng du lịch ASEAN vào ngày 5/2/2023.

Tuy chỉ trong một giai đoạn ngắn nhưng chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế rất thiết thực, được UBND thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong năm 2022, thành phố đã đầu tư hơn 930 triệu đồng để thực hiện chương trình, chủ yếu là hỗ trợ phát triển sản phẩm. Chương trình ngày càng lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng dân cư. Các cơ sở, các chủ thể sản xuất kinh doanh đã chủ động đăng ký tham gia và dành nhiều tâm huyết xây dựng sản phẩm. Nhận thức của các chủ thể được cải thiện rõ rệt qua từng năm. Các chủ thể từng bước tiếp cận và tích cực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; chú trọng về bao bì, mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm; chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, phối hợp tốt trong công tác hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm tại thành phố và tỉnh.

Gắn với định hướng phát triển Hội An – thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch, các cơ sở sản xuất và chủ thể ngày càng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP sạch, an toàn, có nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Một số sản phẩm tham gia chương trình năm 2022 đã thể hiện được tính đặc trưng của địa phương, tính bản sắc, văn hóa truyền thống làng nghề… Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố nói: “Các sản phẩm này có yếu tố bản địa là một trong những yếu tố chủ đạo nên khi tạo thành sản phẩm cũng đồng thời đã tạo được sự liên kết giữa khu vực nông nghiệp, tức là vùng nguyên liệu với sự đầu tư chế biến, chế tạo, tức là với ngành TTCN, CN. Có nghĩa là giữa đối tượng lao động là người nông dân với chủ cơ sở sản xuất cũng có được mối liên kết hướng đến các sản phẩm đảm bảo chất lượng và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Sản phẩm dịch vụ du lịch của HTX Dịch vụ – du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành, phường Cẩm An đã được công nhận hạng 4 sao và được trao giải thưởng du lịch ASEAN

Năm 2023 này, TP.Hội An tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, tập trung khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên, sản phẩm đặc trưng, truyền thống, văn hóa của từng địa phương nhằm đa dạng nhóm sản phẩm, đáp ứng yêu cầu “xuất khẩu tại chỗ” cho du lịch, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân. Thực hiện chương trình OCOP theo chuỗi giá trị, gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, có chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Cùng với việc đánh giá công nhận lại hạng sao cho 6 sản phẩm đã được công nhận (quá 36 tháng), thành phố tập trung hỗ trợ nâng cấp hạng sao cho 2 sản phẩm là Quật sấy sợi Phúc Nguyễn và Bình hoa thủ công Sơn Thúy và phát triển từ 5 đến 7 sản phẩm mới trên địa bàn. Trong đó ưu tiên các sản phẩm có tính chủ lực, tính đặc trưng ở địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, tham gia hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, sản phẩm được sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO… khuyến khích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Phúc – cơ sở SXKD Hoa hồng Phúc Nguyễn (xã Cẩm Hà) cho biết, món quật sấy dẻo là món ăn mà khách hàng cảm thấy rất vừa vị, rất thích. “Đặc biệt có những bạn từ nước ngoài về mang sản phẩm này qua lại, tặng cho bạn bè thì mọi người cảm thấy rất thích, mọi người cảm giác có được “Tình quê” ở đây. Tôi thấy tự hào về điều đó và mong muốn đưa sản phẩm đi xa hơn trong tương lai. Đương nhiên, tôi rất cần nhiều hỗ trợ về kỹ thuật để sản phẩm đảm bảo được hình ảnh của địa phương và có thể bay xa hơn!”, chị Phúc nói.          

Năm nay, UBND TP.Hội An có kế hoạch đầu tư 400 triệu đồng để thực hiện Chương trình OCOP, trong đó hỗ trợ 343 triệu đồng để phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành xây dựng phương án mạng lưới điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Quảng Nam, kết nối quảng bá, phát triển mạng lưới bán hàng OCOP tại các tuyến đường phố cổ, các điểm du lịch, làng nghề, các khách sạn, nhà hàng… và đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại “xuất khẩu tại chỗ”, trong nước và nước ngoài.

Tin liên quan