Vì thế, trong tâm thức của những cư dân này đều xem cá Ông là vị thần bảo hộ tính mạng và tài sản, là chỗ dựa tinh thần cho họ khi mà quá trình hành nghề luôn phải đối diện với bao hiểm nguy rình rập trên biển cả bao la. Khi cá Ông lụy (chết), ngư dân vớt xác lên bờ và thực hiện các nghi thức rất trang trọng, từ mai táng, làm lăng thờ, đưa xương cốt về lăng và tổ chức cúng tế hàng năm. Nhà nước phong kiến Việt Nam cũng đã công nhận vai trò quan trọng của cá Ông đối với ngư dân thông qua ban tặng sắc phong, gia tặng mỹ tự là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần” và cho ngư dân khắp nơi xây lăng lập miếu để thờ. Qua thời gian, tín ngưỡng tôn sùng được biểu hiện qua tục thờ cúng cá Ông đã dần ăn sâu vào đời sống văn hóa của cư dân làm nghề đi biển; tạo nên những giá trị văn hóa tiêu biểu và riêng có của bộ phận cư dân này. Xét về giá trị di sản, tục thờ cúng cá Ông không chỉ có giá trị về di sản văn hóa phi vật thể qua loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội (nghi lễ thờ cúng), nghệ thuật trình diễn dân gian (hát bả trạo),… mà còn có giá trị về di sản văn hóa vật thể là các công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo nhằm tạo ra không gian văn hóa để thực hiện tục lệ này.
Những công trình xây dựng đó có chức năng là nơi bảo quản xương cốt cá Ông, nơi thể hiện lòng thành kính của cư dân đối với cá Ông qua việc dâng hương thường xuyên hay tổ chức lễ lệ, lễ hội hàng năm. Mỗi địa phương có tên gọi có khác nhau nhưng nhìn chung những công trình này đều được gọi chung là lăng thờ cá Ông[1]. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược một số lăng thờ cá Ông có giá trị đã được kiểm kê, nhận diện đưa vào danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An.
Theo danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An năm 2015 (và theo số liệu thống kê đến nay), hiện có 05 di tích liên quan đến tục thờ cúng cá Ông của ngư dân ở Hội An, gồm: Lăng Ông Ngư ở xã Tân Hiệp, lăng Ông An Bàng ở phường Cẩm An, lăng Ông (trong cụm lăng Năm Sở) ở phường Cẩm Nam, lăng Ông ở xã Cẩm Thanh, lăng Tiêu Diện ở phường Cửa Đại.
* Di tích lăng Ông Ngư: Lăng nằm trong khu dân cư thuộc xóm Đình, thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, là di tích khá tiêu biểu cho tục thờ cúng cá Ông của ngư dân vùng biển đảo ở Hội An, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006.
Di tích lăng ông ngư, xã Tân Hiệp - Ảnh: Nguyễn Cường Chưa có tư liệu xác định chính xác thời gian khởi dựng lăng nhưng qua hình thức kiến trúc, mô típ trang trí và dấu vết lưu lại ở lăng[2] đoán định lăng được xây dựng muộn nhất vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi chép một số thông tin về Cù Lao, trong đó cho biết trên núi (Cù Lao Chàm) có nhiều đền thờ, như đền thờ 3 vị Phục Ba Tướng quân, đền thờ Cao Các, đền thờ thần Bô Bô và các đền thờ thần: Ngọc Lân, Thành Hoàng, Chúa Lồi, Bạch mã, Ngũ Hành... Đền thờ Ngọc Lân được nhắc đến ở đây là lăng Ông Ngư. Mặc dù đã qua nhiều lần tu bổ nhưng kiểu thức kiến trúc truyền thống của lăngvẫn còn được bảo lưu rõ nét. Hiện trạng lăng quay mặt tiền về hướng Tây Nam, nhìn ra biển với diện tích khoanh vùng bảo vệ là 149,4m2. Lăng được xây bằng vôi, gạch, san hô với kiểu mái cuốn vòm thấp, lợp ngói âm dương, trên trang trí con giống đề tài tứ linh. Lăng thờ có cấu trúc tiền đường và hậu tẩm. Tiền đường làm kiểu ba gian; hai gian bên thờ những vị tả hữu ban, thị tùng bộ hạ; gian giữa đặt bệ thờ trước hậu tẩm, ở trên có 12 bài vị bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng ghi các thần hiệu của cá Ông[3]. Hậu tẩm là nơi cất giữ các hòm đựng xương cốt cá Ông. Trước lăng có bình phong dạng cuốn thư, mặt trước đắp nổi hình long mã, mặt sau đắp hình cá chép uốn lượn uyển chuyển. Theo điều tra của Viện Viễn Đông Bác Cổ những năm 1941-1943 về làng xã ở Quảng Nam, trong đó có làng Tân Hiệp ghi nhận “trong lăng Ông Ngư có một cái lư khá lớn bằng gang rất xưa, cái nầy dùng để đốt vàng bạc” nhưng hiện nay đã thất lạc. Hàng năm vào ngày 4/4 âm lịch tại di tích, trước khi ra khơi đánh bắt cá vụ nam, ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm tổ chức lễ cúng cầu ngư tại lăng rất linh đình nhằm cầu mong cho làng xóm được bình yên, ra khơi được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản.
* Di tích lăng Ông An Bàng: Lăng nằm cạnh khuôn viên nhà văn hóa khối An Bàng, phường Cẩm An, đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2011.
Về thời điểm xây dựng lăng hiện vẫn chưa có tài liệu xác định chính xác, chỉ mới biết được lần tu bổ sớm nhất là vào tháng 4/1926 do nhân dân xã Đại An (xã hiệu cũ của khối An Bàng hiện nay) tu bổ qua thông tin ghi lại trên xà còn đang được lưu giữ ở lăng. Theo điều tra dân gian, vào năm 1968, sau khi đình đá An Bàng bị phá hủy, nhân dân phối thờ thêm tiền hiền tại lăng. Năm 1993, lăng được tu bổ lớn và đến nay cũng đã có một số lần tu bổ, tôn tạo từ sự đóng góp của nhân dân và đầu tư kinh phí của nhà nước, gần nhất là vào năm 2019, lần tu bổ này cũng đã mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ lăng thành 1680m2 để có điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Hiện trạng lăng quay mặt về hướng Đông Bắc, nhìn ra biển. Án ngự trước lăng là bình phong xây kiểu cuốn thư, mặt ngoài đắp nổi hình con nghê, mặt trong xây bệ thờ âm linh có mái che. Lăng thờ có cấu trúc tiền đường và hậu tẩm với kiểu thức kiến trúc cuốn vòm đặc trưng của vùng biển và khá tương đồng với kiến trúc của lăng Ông Ngư ở xã Tân Hiệp. Tiền đường làm ba gian, hệ đỡ mái theo kiểu cuốn vòm, lợp ngói âm dương, trang trí con giống đề tài tứ linh bằng nghệ thuật đắp mảnh sành rất công phu, sắc sảo. Không gian bên trong còn lưu lại tên xã hiệu làng Đại An(cũ) qua bức hoành chữ Hán: 大安(Đại An) và câu đối chữ Hán: “Đại đức thâm niên thực mộc khai điền di hậu duệ/An cư vĩnh thế ẩm hà thực quả niệm tiền công”. Tổng cộng trong tiền đường và hậu tẩm có 6 bệ thờ xây; trong đó hậu tẩm là nơi đặt các hòm xương cốt của cá Ông được bảo quản kỹ lưỡng. Hàng năm, vào ngày 15/1 và 04/9 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ cúng cá Ông cầu mong phù hộ bình an, đồng thời cúng bái các bậc tiền nhân đã có công khai mở làng xã, mong được mưa thuận gió hòa, được hưởng một vụ mùa bội thu, cuộc sống đủ đầy.
