Đội múa Chùa Ông - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Tục đón tết Trung thu của nước ta từ xưa đã được ghi lại trong một số sử liệu. Văn bản xưa nhất được phát hiện cho tới nay là tấm bia chữ Hán tại tháp Sùng Thiện Diên Linh, chùa Long Đọi Sơn, Hà Nam, lập năm 1121. Nội dung văn bia có đoạn miêu tả cảnh tết Trung thu tưng bừng, hoành tráng với nhiều màn biểu diễn đặc sắc, nhộn nhịp tại kinh thành Thăng Long. Việc tổ chức lễ Tết Trung thu định kỳ hàng năm còn được triều đình nhà Nguyễn quy định rất cụ thể trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Ở Hội An, dưới triều Nguyễn, các quan niệm tín ngưỡng và nghi thức cúng bái liên quan đến lễ hội Tết Trung thu được người dân thực hiện theo phong tục, tập quán cổ truyền, là một phần không thể thiếu trong hành trình mở mang bờ cõi, khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên vùng đất mới. Trải qua thời gian, cùng với những điều kiện giao lưu, tiếp biến văn hóa hiếm nơi nào ở Việt Nam có được, Tết Trung thu ở Hội An vẫn mang chứa nhiều giá trị văn hóa bản thể, riêng có và bền bỉ sức sống.
Người Hội An ngày trước đã dành rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị cúng lễ và trang hoàng không gian tín ngưỡng, không gian gia tư để đón ngày rằm tháng Tám, vui Tết Trung thu. Có những việc kéo dài cả tháng.
Để sẵn sàng cho nghi lễ vào tối 14 âm lịch, các di tích đình, chùa, hội quán, văn chỉ, miếu, lăng,... từ làng xã đến thôn, xóm, ấp,... đều được quét dọn sạch sẽ, trưng bày, trang trí khang trang, lễ vật đầy đủ. Đặc biệt là đều treo đèn lồng trang trí trước cổng hoặc dưới mái hiên. Những kiểu đèn lồng thông dụng ngày trước làm bằng sườn tre, dán giấy dó, giấy gương màu theo hình dáng chiếc bánh ú, cá chép, trái bí đỏ… hay ngôi sao năm cạnh. Đèn lồng ở đình, chùa bao giờ cũng có kích thước lớn hơn nhiều so với đèn lồng treo ở nhà dân.
Tại các gia đình, trước ngày cúng rằm Trung thu, người dân đều lo quét dọn bàn thờ gia tiên, trang trí nhà cửa và nhất là cố công làm một chiếc đèn lồng thật đẹp để treo trước nhà hay đặt tại một vị trí trang trọng nhất. Phụ nữ trong gia đình, ngoài việc phải lo mâm lễ vật xôi, chè, bánh trái, món chay, món mặn,... cúng ông bà, gia tiên, còn kỳ công sắp đặt, trưng bày mâm cỗ Trung thu sao cho đẹp mà ý nghĩa để cúng thổ thần, cô bác trước sân nhà. Mâm cỗ được trưng bày khéo léo, nghệ thuật theo các đề tài cổ tích như chú Cuội, chị Hằng, thỏ ngọc, cây đa với các loại bánh nướng, bánh dẻo hình tròn tượng trưng cho mặt trăng. Các loại bánh cùng với hoa, trái cây tạo nên những sắc màu ngũ hành sặc sỡ[1].
Bánh trung thu là một lễ vật đặc trưng trong mâm lễ cúng rằm tháng Tám của người dân Hội An, bên cạnh xôi, chè, trái cây và những loại bánh ngọt khác. Nhân bánh có vị chay hoặc mặn, tùy vào mâm cúng rằm Trung thu của mỗi gia đình. Vang tiếng một thời ở Hội An có tiệm ông Sườn, Xán Thạnh, bà Ba Ịn, Quảng Hòa Lợi… Cách đây non nửa thế kỷ, Hội An vẫn còn trên dưới 10 tiệm bánh Trung thu gia truyền. Con số này hiện nay chỉ còn khoảng 3 xưởng, làm bánh theo yêu cầu của những bạn hàng sành ăn và có chút hoài cổ.
Đặc biệt, nét văn hóa đặc trưng làm nên linh hồn của Tết Trung thu ở Hội An chính là tục múa Thiên cẩu. Đây là nghệ thuật múa linh vật dân gian truyền thống của cư dân phố cổ, được trình diễn trong các dịp tết, khánh thọ, khai trương, khánh thành để xua đuổi tà khí, đem lại phúc lành. Trong thời gian lễ hội Tết Trung thu, hoạt động biểu diễn linh vật này kéo dài cả tuần lễ, trước và sau ngày rằm. Qua tư liệu hồi cố của các vị cao niên sinh sống tại Khu phố cổ Hội An, cho đến nửa cuối thế kỷ XX, ở Hội An chưa có múa Lân, Sư tử mà chỉ quen thuộc với nghệ thuật múa Thiên cẩu[2].
Thiên cẩu khác biệt với Lân trước tiên về hình dáng linh vật. Đặc điểm về kiểu dáng của những đầu Lân hiện nay là đầu tròn, sừng ngắn, mắt tròn, mi mắt nhô cao, mình ngắn phủ đầy lông, vẩy. Trong khi đó, Thiên cẩu có đầu lớn, trán trài không tròn, mắt xếch đuôi cá, sừng cong không nhọn, mình dài không có lông. Về trang trí, đầu Thiên cẩu sử dụng năm màu theo nguyên tắc ngũ hành. Còn đầu Lân thường dùng màu đỏ hoặc vàng làm chủ đạo. Chính vì vậy, Thiên cẩu toát lên thần thái quyền uy hơn Lân.
