
Giữ bản sắc đô thị di sản trong quy hoạch
Nhiều dự án trọng điểm
Từ khi thành lập thành phố (năm 2008) đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức lập và trình phê duyệt các quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025; rà soát, điều chỉnh quy hoạch cung thành phố Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết: “Chúng ta đã từng bước thực hiện được quy hoạch chung của thành phố năm 2005, dù bây giờ lạc hậu rồi nhưng đó là cây gậy để định hướng phát triển thành phố trong nhiều năm qua. Điều quan trọng nhất là chúng ta giữ được khu phố cổ, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là ngành du lịch; phát triển kinh tế nhưng không phá vỡ không gian, không làm cho Hội An trở nên xô bồ”.
Thành phố đã lập mới và lập điều chỉnh tổng thể các quy hoạch phân khu như: Phân khu Cù Lao Chàm, Làng nghề sinh thái – Văn hóa – Du lịch Cẩm Kim, Công viên Văn hóa đa chức năng,… làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, dự án mới cũng như chỉnh trang đô thị. Nhiều quy chế đã được phê duyệt như: Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị thành phố Hội An, bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An, quy chế quản lý kiến trúc các làng nghề truyền thống, quản lý kiến trúc tạm thời tại các xã,… làm cơ sở cấp phép xây dựng và quản lý kiến trúc phù hợp với từng khu vực, trong đó có công tác giữ gìn, bảo tồn di sản.
Ông Võ Hữu Dũng – Trưởng Phòng Quản lý đô thị Hội An cho biết, đơn vị đã cấp 1.800 giấy phép, nâng diện tích sàn nhà ở bình quân gần 20m2/người và 3,5m2/người đối với đất công viên cây xanh. Các dự án sắp xếp chỉnh trang dân cư, đầu tư xây dựng mới khu dân cư, khu đô thị góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển KT-XH, thúc đẩy quá trình đô thị hóa như: Khu dân cư Xuân Mỹ – Trường Lệ, khu trài dân và tái định cư khối Tân Mỹ – Tân Thịnh, khu tái định cư Làng chài Cẩm An, khu dân cư khối 2-3 Cẩm Phô, khu dân cư Trảng Kèo, cụm công nghiệp Thanh Hà, cảng du lịch Cửa Đại, các khu du lịch ven biển, vườn tượng An Hội, công viên tượng đài Nguyễn Duy Hiệu, công viên Hội An,…

Nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai
Giữ bản sắc đô thị di sản
Đến nay, quy hoạch chung thành phố Hội An được lập từ năm 2005 đã không còn phù hợp dù đã được điều chỉnh, bổ sung. Các quy hoạch phân khu, chi tiết đô thị và các quy hoạch nông thôn được lập và triển khai trong những năm qua bộc lộ sự bất cập nhất định do không đồng bộ vì thiếu quy hoạch tổng thể; một số xã chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có thiết kế đô thị.
Khi nghiên cứu “Xây dựng bộ chỉ số toàn vẹn môi trường phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển bền vững các đô thị di sản”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Đại học Huế nhận định: “Là hai trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, Huế và Hội An hiện đang đứng trước nhiều thách thức về quy hoạch đô thị và do áp lực về dân số cùng như về du lịch, hai thành phố đều đang đối mặt giữa bảo tồn và phát triển. Và để phát triển bền vững, Huế và Hội An bắt buộc phải giữ được bản sắc của một đô thị di sản. Ngược lại, hai thành phố cũng đặt ra những tham vọng lớn trong việc trở thành thủ phủ du lịch nội địa và khách quốc tế trong tương lai đồng thời hướng tới xây dựng đô thị di sản. Để hướng tới tương lai ấy thì đây là thách thức lớn đối với chính quyền và người dân”.
Những năm qua, ngân sách thành phố, ngân sách tỉnh bố trí cho quy hoạch, kiến thiết thị chính, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn… tuy có tăng dần nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn và phát triển. Chính sách pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị và các quy định liên quan còn chồng chéo, chưa hoàn thiện cũng như việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng dẫn đến các sự lúng túng trong tham mưu, thực hiện công việc.
Chính vì thế, các ngành chức năng tại Hội An đang khẩn trương trình phê duyệt quy hoạch chung thành phố làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác quan hệ, hợp tác với các thành phố trên thế giới, các tổ chức quốc tế có liên quan trong việc triển khai quy hoạch và xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch.
Tiến sĩ Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói: “Đô thị sinh thái trước hết phải phải tính đến yếu tố đặc thù của Hội An. Sinh thái hết sức chú trọng, phải kết nối với văn hóa mới tạo nên sự đặc thù, một thành phố sinh thái đặc sắc”.
“Chúng ta không lên đô thị loại II một cách máy móc, duy ý chí mà phải xứng đáng với một đô thị loại II đặc thù, đô thị di sản, do đó công việc sắp tới rất nhiều. Quan trọng nhất là nhanh chóng xúc tiến quy hoạch chung, các phân khu và xây dựng hành lang pháp lý, đặc biệt kiến nghị Trung ương, tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố Hội An”- Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết thêm.
Hiện nay, thành phố Hội An đang huy động toàn xã hội, chính quyền đô thị các cấp tham gia vào công tác quy hoạch, đầu tư phát triển, bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và quản lý đô thị hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và bền vững./.