Dự báo, từ 15/11 đến ngày 17/11/023, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến như sau: các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Bắc tỉnh phổ biến từ 60-180mm, các địa phương vùng núi phía Nam tỉnh phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 300mm. Mô hình hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
Đồng thời, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Từ ngày 16/11/2023, vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực giữa biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động.
Để chủ động ứng phó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, thời tiết nguy hiểm trên biển, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 13/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển.
Khẩn trương rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngậm sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất; kiên quyết không để người dân sơ tán quay về nhà khi chưa đảm bảo an toàn. Hỗ trợ chỗ ở, lương thực đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ có nhà cửa bị thiệt hại, các hộ phải sơ tán khẩn cấp, không để hộ dân nào bị thiếu lương thực. Kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.