Riêng việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử đấu tranh yêu nước cách mạng ở Hội An vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập[1]. Mặc dù từ ngay sau ngày giải phóng miền Nam (1975) đến nay các bộ phận, cơ quan chuyên môn thuộc Thành ủy, UBND thành phố Hội An (Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và các địa phương) đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉ đạo, tổ chức, phối hợp sưu tầm hiện vật, nghiên cứu biên soạn sách lịch sử, sách ảnh, thiết lập Nhà truyền thống/Bảo tàng truyền thống cách mạng cùng nhiều băng đĩa, hình ảnh, video về “địa chỉ đỏ”, tuyên truyền giáo dục truyền thống với khá nhiều hình thức phong phú, nhất là trong học sinh, thanh niên… lập danh mục xếp hạng và khoanh vùng bảo vệ di tích; đặc biệt đã tiến hành dựng bia, cắm mốc, trích lục sơ đồ đất và định vị từng di tích trên Google Maps. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra cho việc bảo tồn và phát huy loại di tích này, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và toàn cầu hóa hiện nay.
1. Về nhận thức và tình hình nghiên cứu, bảo tồn nhà lao
Ở Việt Nam, từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1975, để đối phó với phong trào đấu tranh, yêu nước cách mạng của Nhân dân ta, thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ cùng chính quyền tay sai đã thiết lập hàng nghìn nhà tù, điểm giam cầm núp dưới nhiều tên gọi khác nhau (chúng tôi gọi chung là nhà lao). Đây là loại hình di tích đặc biệt/riêng biệt, trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa nói chung và di tích lịch sử đấu tranh yêu nước cách mạng nói riêng. Bởi đây là di tích/công trình xây dựng do chính bọn thực dân, đế quốc cùng chính quyền tay sai xây dựng/thiết lập. Tại đây, bọn chúng dùng nhiều thủ đoạn thâm độc, dã man để tra tấn, đày ải những chiến sĩ Cộng sản, tù nhân yêu nước, hòng giết dần, giết mòn về thể xác những người yêu nước và bóp chết ý chí đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta. Có thể nói, đây là loại hình di tích minh chứng rõ ràng nhất về tội ác của kẻ thù, bọn thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai đối với các chiến sĩ Cộng sản, người tù chính trị, yêu nước không chỉ ở Việt Nam mà ở các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược bởi thực dân, đế quốc trên thế giới. Tuy nhiên, ở miền Bắc từ năm 1954 và ở miền Nam từ sau năm 1975 đến khoảng thời kỳ bắt đầu đổi mới (từ 1986), do nhiều nguyên nhân khách quan (điều kiện kinh tế...), chủ quan (do nhận thức chưa thực sự thấu đáo về di tích do thực dân, đế quốc xây dựng)[2] mà công trình di tích nhà lao ít được các nhà khoa học, cơ quan quản lý bảo tồn, bảo tàng ở Trung ương, tỉnh và địa phương quan tâm quản lý, nghiên cứu, nhất là về đầu tư nghiên cứu bảo tồn và phát huy trong hệ thống di tích của cả nước. Do đó số lượng di tích này hiện nay không còn bao nhiêu (so với con số hàng ngàn thời thực dân, đế quốc lập ra trước đây) phần nhiều đã bị bỏ hoang, sập đổ, hay phá hủy để xây dựng công trình mới hoặc được tận dụng, sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhà kho, thậm chí cán bộ, viên chức vào ở, rồi để hoang phế, thành phế tích, lãng quên nay không thể phục hồi được, kể cả trong việc tư liệu hóa (ghi chép hồi cố, ghi hình...). Ngoại trừ các nhà lao/nhà tù lớn như Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc, Sơn La,... nơi các sĩ phu, văn thân là lãnh tụ của các phong trào đấu tranh yêu nước đầu thế kỷ 20, nơi các đồng chí lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta đã bị bắt giam tù đày tại đây; nghĩa là gắn với sự kiện, danh nhân/anh hùng/nhân vật lịch sử. Hầu như, những di tích nhà lao không gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu thì ít được/không được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn - nghĩa là không nằm trong danh mục di tích.
Riêng về các nhà lao/nhà tù ở Hội An, đáng ghi nhận là đã được sớm tổ chức nghiên cứu, với 2 công trình: “Phong trào đấu tranh của tù yêu nước ở nhà lao Hội An 1908 - 1945” (xuất bản năm 2003) và “Lịch sử đấu tranh cách mạng ở nhà lao Hội An 1947 - 1975” (xuất bản năm 2004) đều do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trì. Đây là 2 công trình nghiên cứu khoa học, khá công phu, làm rõ nhiều vấn đề về các nhà lao ở Hội An như về sự ra đời, quy mô, hệ thống, bộ máy cai trị, thủ đoạn độc ác của các nhà lao do thực dân, đế quốc thiết lập ở Hội An đối với tù yêu nước và chiến sĩ cách mạng; nhất là về tinh thần lạc quan, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Cộng sản, quần chúng yêu nước ngay trong ngục tù của kẻ thù trong suốt 3 giai đoạn: Nhà lao Faifo-Nhà lao Hội An, thời kỳ Pháp thuộc, từ năm 1908 đến 1945 (vị trí ở số 145-147 Lý Thường Kiệt, Hội An hiện nay); Nhà lao Thông Đăng, thời kỳ thực dân Pháp tái chiếm Hội An, từ 1947-1954 và thời kỳ đế quốc Mỹ, cùng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, từ 1954-1959 (vị trí ở số 127 đường Phan Châu Trinh hiện nay); Nhà lao Xóm Mới, hay còn gọi Lao xá Hội An, từ 1960-1975, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai gọi dưới cái tên, trên bảng treo trước cổng nhà lao là: “Trung tâm cải huấn Quảng Nam”. Ban Liên lạc - Hội tù yêu nước tỉnh Quảng Nam, dưới sự chỉ đạo, trợ giúp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam đã sưu tầm, biên soạn, xuất bản 11 tập sách “Kiên trung bất khuất”, trong đó tập 11 xuất bản năm 2019 với chuyên đề về Nhà lao Hội An và tập sách “Ánh sáng trong ngục tối” năm 2000; Ban liên lạc tù chính trị thành phố Đà Nẵng, dưới sự chỉ đạo, trợ giúp của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng năm 2000 cho xuất bản tập: “Hồi ký - Nhà tù Hội An”. Các công trình nghiên cứu, ấn phẩm nêu trên không chỉ là tác phẩm để đời cho các thế hệ sau nghiên cứu, tìm hiểu, học tập mà còn là nguồn tư liệu/tài liệu vô cùng quý giá, phải sử dụng cho việc phục dựng/tái hiện lại tính chân xác của di tích. Ở Hội An, các di tích nhà lao đã sớm được nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật đưa về trưng bày tại Nhà truyền thống Cách mạng (sau này là Bảo tàng Hội An) ngay từ những năm đầu sau giải phóng; lập thủ tục, hồ sơ khoa học trình và được tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh (Nhà lao Thông Đăng năm 2005, Nhà lao Xóm Mới năm 2007). Nhìn chung, các ấn phẩm trên đã cung cấp nhiều thông tin tư liệu quý, đáng trân trọng, có ý nghĩa lưu truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này. Tuy nhiên, về lĩnh vực bảo tồn, phát huy thì ngoài nhà lao thời kỳ Pháp thuộc và Nhà lao Thông Đăng đã bỏ phế, phá hủy từ trước, còn lại Nhà lao Xóm Mới. Từ sau 1975 đến 2011, nhiều khu vực ở nhà lao này đã bị phá hủy, bị cải tạo làm thay đổi căn bản, những khu còn lại xuống cấp nghiêm trọng[3]. Cho đến thời điểm năm 2007, di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh thì nơi đây vẫn là một khu phế tích, cây dại, cỏ mọc um tùm. Đến năm 2010, Dự án “Đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích nhà lao Hội An/Nhà lao Xóm Mới” mới được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Và đến năm 2011, dự án được triển khai thực hiện giai đoạn 1[4]. Song song với dự án này, công tác tổ chức khảo sát, sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến nhà lao được triển khai một cách toàn diện, bài bản bởi đội ngũ cán bộ, chuyên viên của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, trong đó có sự tham gia phối hợp của Hội tù yêu nước tỉnh Quảng Nam, Hội tù yêu nước thành phố Hội An (kết quả từ năm 2012 - 2015, đã sưu tầm được hơn 2.000 đơn vị tư liệu, hiện vật trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; tổ chức được 4 cuộc tham vấn, cùng với 12 cuộc tham gia góp ý phương án tu bổ nhà lao; phỏng vấn chuyên sâu được hơn 20 nhân chứng; và cùng với một khối lượng lớn nguồn tư liệu khác nhau gồm: 121 tư liệu lưu trữ, 600 trang sách, 19 trang báo, tạp chí, 12 đĩa phim tư liệu, hơn 200 ảnh chụp. Đặc biệt, năm 2021 đã thiết lập được một nhà trưng bày tạm tời tại Nhà lao Xóm Mới). Sau giai đoạn 1, bước đầu Nhà lao Xóm Mới đã được đưa vào hoạt động tham quan nghiên cứu và giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ. Tuy nhiên, ở đây còn gặp phải nhiều vấn đề về công tác bảo tồn và phát huy, rất cần có sự tham gia, tham vấn, góp ý thực tiễn của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, quản lý, phát huy. Nhất là về đầu tư kinh phí cho kỹ thuật, công nghệ.
2. Vài ý kiến tham gia về bảo tồn và phát huy di tích nhà lao
Xuất phát từ một di tích đặc biệt, ngoài những nguyên tắc chung về bảo tồn và phát huy di tích, đối với di tích Nhà lao Xóm Mới cần có những nguyên tắc và giải pháp phát huy riêng biệt[5].
2.1. Về bảo tồn di tích
- Nguyên tắc chung: Việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi phải tuyệt đối ưu tiên, tuân thủ bảo tồn tính chân xác-tính nguyên gốc; thu hút khách tham quan du lịch đến di tích cũng bằng chính nhờ vào tính chân xác, nguyên gốc của di tích.
- Tuyệt đối không được “tô hồng hoặc bôi đen” làm mất/giảm tính thực tế khách quan về bản chất của di tích trước đây là một nhà tù chính trị do thực dân, đế quốc cùng chính quyền tay sai dựng lên để đàn áp dã man các chiến sĩ Cộng sản và tù nhân yêu nước.
- Tiếp cận định hướng bảo tồn di tích nhà lao như là một bảo tàng lịch sử - bảo tàng sống. Bởi với cơ sở thiết chế của bảo tàng chính là các hạng mục vốn có được bảo tồn chân xác của nhà lao; kết hợp với những hình ảnh sống động bằng các thủ pháp, giải pháp công nghệ hiện đại[6], đó là bảo tàng về tội ác của kẻ địch đối với các chiến sĩ Cộng sản và đồng bào yêu nước. Do đó, phải hết sức cẩn trọng từng chi tiết ở mỗi khu vực, mỗi phòng chức năng của di tích, với công năng như một công cụ tra tấn, ác độc của kẻ thù, cả từng lối đi, không gian bên ngoài, cổng ngõ, hàng rào, bốt gác,… với tất cả vật liệu/chất liệu, hình dáng, màu sắc, ánh sáng,... vốn nguyên có của di tích.
- Tôn tạo chỉ được áp dụng khi thực sự cần thiết nhằm bảo tồn tính chân xác, chống lại nguy cơ xâm hại bởi thiên tai, côn trùng và phải được hài hòa, phân biệt rõ. Không chạy theo, làm vừa lòng du khách, người tham quan mà biến xung quanh trở thành nơi mát mẻ, có nhiều cảnh đẹp hấp dẫn (như trồng nhiều cây hoa, cây bóng mát, cây bon sai, lát đá/gạch đường đi sạch đẹp…) hoặc đèn màu, pha thắp sáng ban đêm để phục vụ người xem, để chụp ảnh… Trong nội thất nhà lao, càng phải thực sự đảm bảo tính chân xác, phản ánh đúng, chân thực khách quan về điều kiện ăn, ở, sống, sinh hoạt,… của tù nhân chính trị (như nóng nực, chật chội, oi bức, thậm chí hôi thối vào mùa hè; lạnh lẽo, đói rét, bẩn thỉu về mùa đông…), nhất là ở nhà biệt giam, khu tra tấn, tra khảo. Nhìn chung khi bước vào nhà lao phải tạo cho du khách cảm nhận được sự độc ác, dã man, tàn bạo, ghê tởm của kẻ thù đối với các chiến sĩ Cộng sản và tù nhân yêu nước. Đừng biến nơi đây thành nơi nghỉ ngơi cho du khách. Nếu có phải là nơi cách biệt bên cạnh khu vực nhà lao hoặc ở ngay trong khu vực nhà trưng bày.
- Việc phục hồi các hạng mục di tích phải thực sự cần thiết, nếu xét thấy nó không thể thiếu trong hệ thống di tích. Bởi nếu không có sẽ làm thiếu, giảm hoặc mất đi về bản chất công năng của di tích trước đây, nhưng thực sự phải có cơ sở khoa học, được tham vấn, tham khảo kỹ lưỡng.
- Ngoài các giải pháp trên, nên tăng cường kết hợp giải pháp áp dụng công nghệ, thông qua nguồn tư liệu, tài liệu, hiện vật, nhân chứng, hồi cố,… để tạo dựng hình ảnh, cả âm thanh, tiếng động, (tương lai thậm chí cả mùi) trong từng khu vực/hạng mục di tích sống; cả hệ thống manơcanh phải được thực hiện một cách cẩn trọng, có cơ sở khoa học thông qua tư liệu, hình ảnh, nhân chứng. Đặc biệt hết sức chú ý tính chân xác về hình thể, sắc màu, nhân chủng, tư thế,… của các chiến sĩ Cộng sản, tù nhân yêu nước và của từng tên cai ngục, giám thị, lính gác… Tất cả tư liệu, tài liệu, hiện vật, hình ảnh lưu trữ,… đều được tổ chức trưng bày khoa học tại nhà trưng bày chung, được đầu tư cẩn trọng bằng các kỹ nghệ, công nghệ hiện đại cho phép.
2.2. Về phát huy di tích
- Trước hết cần xác định cơ quan hoạt động bảo tồn và phát huy di tích là một đơn vị sự nghiệp đặc thù, đó là sự nghiệp giáo dục truyền thống đấu tranh, yêu nước cách mạng; về tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, anh hùng của con người Việt Nam trước mọi dã tâm, âm mưu thâm độc của kẻ thù cho các thế người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời truyền cảm, giới thiệu đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, đơn vị này được thụ hưởng toàn bộ ngân sách Nhà nước cấp để hoạt động.
- Đội ngũ chuyên viên bảo tồn - bảo tàng ở đây phải thực sự có hiểu biết sâu sắc về di tích, đam mê, say nghề, gắn bó với nghề. Nhất là phải có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp tại chỗ, ngoài khả năng hiểu biết còn có khả năng biểu cảm, truyền cảm, diễn xuất,... truyền tải được thông tin, thông điệp đến du khách, với một phong cách thân thiện, thông minh, bài bản,… tạo nên sự tin tưởng và ấn tượng đẹp, gây được cảm xúc thực sự cho mọi du khách, mọi lứa tuổi. Để có được đội ngũ chuyên viên này quả là khó, cần có cơ chế về chế độ chính sách lương để họ có thể yên tâm gắn với nghề. Nên chăng, ngoài bậc lương cơ bản của viên chức sự nghiệp, nên cho họ hưởng thêm từ mọi nguồn thu hoạt động được giữ lại. Kể cả cho phép huy động nguồn ủng hộ thường xuyên của các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội… Nên chăng phải có đề án “Tổ chức bộ máy quản lý bảo tồn và phát huy di tích Nhà lao Hội An”. Đề án này phải được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam thông qua, UBND tỉnh phê duyệt.
- Tăng cường hơn nữa gắn kết với Phòng Giáo dục và Đào tạo, thông qua chương trình “Di sản học đường”, “Em học làm thuyết minh”, vừa gây cảm hứng, tìm hiểu cho các em học sinh, vừa đào tạo được những “Hướng dẫn viên nhí” làm việc một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, đó chính là đội ngũ cộng tác viên hùng hậu cho sự phát triển trong công tác quảng bá về di tích. Phối hợp với tổ chức Đoàn thanh niên, và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác thường xuyên tổ chức nhiều buổi sinh hoạt dã ngoại tìm hiểu về di tích nhà lao, giáo dục truyền thống.
- Đặc biệt cần quan tâm ưu tiên đầu tư công nghệ. Tuy nhiên ở đây cần lưu ý đầu tư tại di tích cần phải lựa chọn kỹ phương án, hình thức, thiết kế hình thể nhằm bảo tồn tính chân xác. Nhìn chung, trong xu hướng hội nhập và phát triển với tốc độ và nhu cầu cao của cộng đồng địa phương, khách du lịch, công chúng nói chung, hướng đến cần phải được đầu tư công nghệ kỹ thuật số. Bởi ứng dụng công nghệ mới ngày càng trở nên quan trọng và trở thành trợ thủ đắc lực trong mọi hoạt động của di tích và bảo tàng nói chung: Từ ứng dụng công nghệ phục vụ trưng bày, khách tham quan như công nghệ 3D, màn hình cảm ứng tương tác, scan kỹ thuật ảo, công nghệ thực tế ảo,... hay Audio Guide, Multime Guide,... đến các hoạt động an ninh, bảo vệ, giám sát điều kiện môi trường bảo quản, lưu trữ dữ liệu số. Nhất là, cần quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho gắn kết với cộng đồng, nhằm phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn. Đây đang là mục tiêu, là xu hướng mới của hầu hết các di tích/bảo tàng trên thế giới và là một trong những chỉ tiêu đánh giá hoạt động đã thực sự hiệu quả hay chưa. Chú ý tạo ra những giá trị mới, hiện đại cho di tích bằng chính công nghệ ngay trên những mảng trưng bày; tạo cơ hội trải nghiệm mới cho du khách tham quan. Công nghệ mới cung cấp các ứng dụng giúp khách tham quan tương tác toàn diện với trưng bày, với từng khu vực/phòng di tích nhà lao, được chuẩn bị trước, trong cũng như sau khi tham quan; nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ chuyên môn, hướng dẫn viên để tiếp cận ứng dụng công nghệ mới với việc làm trước tiên phải tư liệu hóa thông tin dưới dạng kỹ thuật số của các sưu tập, nội dung trưng bày, toàn bộ khu di tích, từng bước xây dựng dữ liệu lớn (big data) của riêng di tích. Hơn nữa, dữ liệu số các hiện vật sẽ còn vô cùng hữu ích cho quá trình bảo quản, phục hồi hiện vật trong trường hợp không may bị hư hỏng, mất mát. Đặc biệt trong hoạt động giáo dục tại di tích, ứng dụng trí tuệ thông minh luôn là “trợ lý” đắc lực cho cán bộ chuyên môn. Những nội dung số “thông minh”, như hộp thoại chia sẻ thông tin, diễn đàn trao đổi kiến thức, hay các chương trình khám phá, tìm hiểu về di tích,... với các ứng dụng tùy biến, sẽ giúp cho những phần trưng bày tăng khả năng kết nối một cách thân thiện với khách tham quan là học sinh, sinh viên. Hệ thống những bài giới thiệu về di tích, phòng trưng bày với ứng dụng tương tác, hỏi - đáp, trao đổi trực tiếp, riêng tư giữa khách tham quan di tích và trưng bày cũng sẽ dễ dàng truyền tải cảm xúc, nội dung đến khách tham quan, đồng thời tạo cảm giác thân thiện, chủ động trong tiếp nhận kiến thức mới, hạn chế những định kiến hay những mặc cảm về khoảng cách kiến thức giữa hiện vật di tích, trưng bày và khách tham quan. Chia sẻ thông tin sau khi tham quan di tích tại những ứng dụng do bộ phận quản lý di tích cung cấp cũng là một lợi ích cần hướng tới. Đây cũng chính là kênh học tập tự nguyện, giúp khách tham quan, các nhà nghiên cứu có thể trao đổi với nhau, vừa giúp di tích thu thập được thông tin. Nên chăng phải có dự án “Đầu tư công nghệ phát huy di tích Nhà lao Hội An”.
- Phối kết hợp với Ban Liên lạc của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao tham gia các chương trình: Đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc với nhân chứng lịch sử; trực tiếp nghe nhân chứng thuật, kể lại những câu chuyện, sự kiện lịch sử đã từng diễn ra ngay/chính tại nơi nhà lao này.
- Tăng cường quảng bá, liên kết với các công ty lữ hành, du lịch, các hướng dẫn viên,… thông qua liên kết website, mạng xã hội, bằng nhiều ngôn ngữ của các điểm đến, tour du lịch, hướng dẫn và phát hành các ấn phẩm, sách, hồi ký, tờ rơi…
Có thể nói, nhà lao ở Hội An nói chung, Nhà lao Xóm Mới nói riêng là nhà lao lớn ở khu vực miền Trung, là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ lịch sử kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai bán nước của quân và dân Quảng Nam. Nơi đây là một di tích “đồng thời là nguồn sử liệu trực tiếp, cho ta những thông tin quan trọng để khôi phục các trang sử hùng tráng - và cũng có bi tráng của dân tộc”[7] . Nếu được bảo tồn một cách khoa học, bài bản, đảm bảo tính chân xác, di tích sẽ phản ánh chân thực, khách quan về bản chất ác độc, dã man của bọn thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai thông qua bộ máy cai trị ở nhà lao đối với người Cộng sản, chiến sĩ cách mạng của Nhân dân ta. Nơi đây là một chiến địa ác liệt nhất mà các chiến sĩ cách mạng đã vượt qua với tinh thần kiên trung bất khuất, vì sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang trong “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng ta, dân tộc Việt Nam ta. Và với những giải pháp phát huy tích cực, hiệu quả, di tích sẽ là nơi giáo dục về truyền thống đấu tranh, yêu nước cách mạng; về tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, anh hùng của con người Việt Nam trước mọi dã tâm, âm mưu thâm độc của kẻ thù cho các thế người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời sẽ truyền cảm, giới thiệu đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới về tinh thần, ý chí bất khuất, yêu nước, sẵn sàng hy sinh của cả dân tộc, con người Việt Nam trước mọi kẻ thù xâm lược, vì hòa bình, nền tự do độc lập
[1] Một phần do hầu hết di tích này là các địa điểm, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử,… nay chỉ còn dấu vết hoặc phế tích, nằm trong khu dân cư đang đứng trước nguy cơ xâm lấn rất mạnh mẽ của tiến trình đô thị hóa.
[2] Ngay trong văn bản luật và dưới luật về di tích cho đến hiện nay diễn giải về loại hình di tích này - nhà lao cũng còn khá mập mờ, khó nhận biết. Như tại Điều 1, Luật Di sản văn hóa Việt Nam: “Di sản văn hóa bao gồm di sản vật thể và phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong đó, di sản văn hóa vật thể gồm: “…di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Và ở Điều 28 của luật này cũng ghi rõ về di tích lịch sử - văn hóa (gọi tắt là di tích) gồm nhiều tiêu chí, trong đó có: a. Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa của quốc gia hoặc của địa phương (có thể hiểu như: địa đạo, căn cứ địa kháng chiến, địa điểm chiến thắng Ấp Bắc, Núi Thành...); b. Công trình xây dựng gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử…; c. Công trình kiến trúc nghệ thuật… (như đình, chùa, miếu, lăng tẩm…).
[3] Do những năm đầu sau giải phóng - 1975, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tạm sử dụng giam giữ tội phạm chống đối cách mạng, vượt biên ra nước ngoài trái phép, trộm cắp, cướp giật… và năm 1987 là nơi Xí nghiệp Hồ mắc dệt cải tạo để thích ứng với hoạt động sản xuất tại đây, rồi Phòng quản lý nhà đất Hội An ngăn phòng bố trí cho công nhân viên chức vào ở (theo Lý lịch di tích nhà lao - 2006, lưu trữ tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An).
[4] Với các hạng mục chính: Trọng tâm là tu bổ, phục hồi theo các dấu vết, hình ảnh nguyên trạng của các hạng mục nhà thăm nuôi, nhà trật tự, nơi ở của giám thi, phòng giam tù nhân nam, tù nhân nữ, bếp ăn tù, khu xà lim/biệt giam…
[5]Đối với Nhà lao Faifo (1908 - 1945) và Nhà lao Thông Đăng (1947 - 1959), do đã bị phá hủy, theo chúng tôi nên chọn giải pháp bảo tồn vị trí/địa điểm, dựng bia lưu niệm/ghi dấu và triển khai tư liệu hóa bằng mọi hình thức có thể. Đồng thời được đưa vào giới thiệu trong phòng trưng bày tại Nhà lao Xóm Mới.
[6] Hiện nay, hệ thống bảo tàng ở Hội An bao gồm nhiều chủ đề, chuyên đề trưng bày và các góc tiếp cận thể hiện khác nhau. Ở đây có cách tiếp cận của ngành dân tộc học (như Bảo tàng Văn hóa dân gian, Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An); khảo cổ học (như Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch); Nhân học - lịch sử văn hóa (Bảo tàng Đô thị thương cảng Hội An - Bảo tàng Hội An); hay nhân học - dân tộc học (Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh). Ngay Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới, được xem như một bảo tàng sống - Bảo tàng lịch sử kiến trúc, cư dân đô thị Khu phố cổ Hội An; hay các làng quê, làng nghề (Cẩm Thanh, Kim Bồng, gốm Nam Diêu - Thanh Hà, xã đảo Cù Lao Chàm) chính là các bảo tàng sinh thái - nhân học. Ở đây giữa con người với hoạt động đời thường và di tích luôn gắn bó hòa quyện, trong không gian sinh thái tự nhiên, nghĩa là giữa yếu tố sinh thái và nhân văn - nhân học. Nhìn chung, hệ thống bảo tàng ở Hội An đã gắn với nhịp sống sôi động trong xã hội, ở trong lòng công chúng, trở nên gần gũi với mọi loại công chúng kể cả ở trong và ngoài nước.
[7] Hà Văn Tấn, Bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - Bản tin Thông tin di tích số 16- 9/2003, tr.13.