Cá Ông là một loài cá sinh sống trên biển, ngư dân đi biển khi gặp sóng to, gió lớn thường được loài cá này cứu giúp, do đó được triều đình nhà Nguyễn nhiều lần sắc phong thần, ngư dân lập lăng thờ phụng, đặc biệt là khi cá Ông lụy (chết) trôi dạt vào địa phận của làng nào thì làng đó sẽ tổ chức an táng cho cá Ông, sau đó sẽ thỉnh hài cốt vào thờ tự trong lăng. Theo Danh mục Di tích – Danh thắng Hội An ban hành năm 2015, trên địa bàn thành phố Hội An hiện nay có 05 lăng thờ cá Ông được ghi vào Danh mục Di tích với các cấp xếp hạng khác nhau: lăng Ông Ngư ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp (di tích cấp quốc gia); lăng Ông ở khối An Bàng, phường Cẩm An (di tích cấp tỉnh); lăng Ông ở khối Hà Trung, phường Cẩm Nam (di tích cấp tỉnh); lăng Ông ở thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh (danh mục bảo vệ của tỉnh); lăng Tiêu Diện ở khối Phước Hải, phường Cửa Đại (danh mục bảo vệ của tỉnh). Hầu hết các di tích này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trải qua thời gian với nhiều yếu tố tác động, các lăng đã có sự thay đổi về hình thức kiến trúc, đề tài trang trí đã không còn nguyên gốc. Trong bài viết này xin giới thiệu về những đề tài, chi tiết trang trí tại các di tích thờ cúng cá Ông ở Hội An hiện nay.
Trong các di tích thờ cúng cá Ông ở Hội An hiện nay, ngoài di tích lăng Ông thuộc cụm di tích Khu lăng Năm Sở ở phường Cẩm Nam thì các di tích còn lại đều có hạng mục tường rào, cổng ngõ. Hạng mục tường rào, cổng ngõ ở các di tích này có quy mô nhỏ, chi tiết trang trí đơn giản, tập trung ở cổng. Cổng gồm hai trụ tiết diện vuông, trên đỉnh trụ gắn chi tiết trang trí hình tượng hoa sen bằng chất liệu vữa (lăng Ông An Bàng, lăng Ông Cẩm Thanh, lăng Ông Ngư), hay bằng sứ (lăng Tiêu Diện); riêng lăng Ông An Bàng ngoài hai trụ cổng chính thì hai bên còn bố trí thêm hai trụ bên trên trang trí tượng con Lân được khảm sành sứ.
Lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồng ViệtÁn ngữ trước các lăng thờ đều có một bức bình phong, các bình phong này nhìn chung có cùng kiểu dáng hình cuốn thư, xây bằng gạch, tô trát vữa. Hầu hết mặt trước các bình phong đều được trang trí đề tài linh vật (trừ lăng Ông Cẩm Thanh không trang trí). Bình phong lăng Ông An Bàng và lăng Ông Ngư cùng trang trí đề tài “Long mã phụ hà đồ”, tuy nhiên hình thức tạo hình không giống nhau, trong khi đề tài “Long mã phụ hà đồ” tại bình phong lăng Ông Ngư được khảm bằng các mảnh sành sứ thì tại lăng Ông An Bàng được đắp nổi bằng chất liệu vữa, quét vôi màu. Tại di tích lăng Ông Cẩm Nam và lăng Tiêu Diện sử dụng đề tài hổ để trang trí tại mặt trước bình phong. Nghệ thuật tạo hình đối với đề tài này không theo một khuôn mẫu nhất định, như hình tượng hổ trên bình phong lăng Ông Cẩm Nam có tư thế hướng về phía Tây, xung quanh đắp nổi hình tượng cây cối theo kiểu cách điệu, đơn giản, trên bề mặt ngoài hai trụ bình phong đắp nổi câu đối chữ Hán; trong khi đó hình tượng hổ trên bình phong lăng Tiêu Diện có tư thế hướng về phía Đông, đầu lại ngoảnh về phía Tây, xung quanh đắp nổi hình tượng cây cối khá sinh động, bên dưới vẽ chi tiết trang trí dây lá, hai cạnh bên đắp nổi chi tiết hồi văn, bề mặt ngoài hai trụ không trang trí. Đối với bình phong có trụ biểu hai bên, trên đầu trụ biểu đều được gắn hình tượng hoa sen (lăng Ông Cẩm Thanh, lăng Ông Cẩm Nam). Mặt trong bình phong có hai trường hợp xây bệ thờ có mái che (lăng Ông An Bàng, lăng Ông Cẩm Thanh), trên tường mặt sau thường đắp nổi chữ Hán, tại lăng Ông Cẩm Thanh đắp nổi hai chữ Hán: 髙 望(Cao vọng), trên cổ lầu hướng vào lăng đề 4 chữ Hán: 臺 靈 婺 寶 (Đài linh vụ bảo); tại lăng Ông An Bàng đắp nổi hai chữ Hán: 陰 靈 (Âm linh). Hình thức mái che lăng Ông Cẩm Thanh kiểu khám thờ, đúc bằng xi măng, mái đắp giả ngói âm dương, bờ nóc gắn chi tiết trang trí dây lá, mặt nhật, đầu bờ chảy gắn chi tiết cuộn mây, trên thân hai trụ trước đắp nổi hình tượng rồng cuộn quanh thân trụ, các ban thờ đơn giản, không có chi tiết trang trí. Hình thức mái che bình phong lăng Ông An Bàng đơn giản, chỉ gồm một tấm đan bê tông và hai trụ đỡ tiết diện tròn, các ban thờ không có chi tiết trang trí. Mặt trong bình phong lăng Ông Ngư ở Tân Hiệp được trang trí các đề tài giàu giá trị nghệ thuật: chính giữa khảm các mảnh sứ tạo hình tượng cá trong tư thế tung lên khỏi mặt nước, đầu hướng lên trên, hai bên trang trí đối xứng đồ án “Đông bình Tây quả”, nền trang trí các chi tiết chữ 卍 (Vạn) cách điệu, phần trên cùng trang trí thêm mảng các họa tiết đám mây mềm mại.
Hạng mục lăng thờ đa số có quy mô vừa và nhỏ, kích thước không giống nhau nhưng có cùng mặt bằng hình chữ 丁 (Đinh), kết cấu gồm tiền đường và hậu tẩm. Mặt tiền lăng thờ thường trang trí đơn giản, có hai di tích đắp nổi cặp câu đối chữ Hán trên bề mặt hai trụ hiên (lăng Ông Cẩm Nam, lăng Ông Cẩm Thanh), riêng mặt tiền lăng Ông An Bàng không trang trí các cặp câu đối chữ Hán nhưng được trang trí công phu và giàu giá trị thẩm mỹ thông qua hình tượng các bình hoa, dây lá (các chi tiết trang trí này được tạo hình bằng hình thức đắp nổi bằng chất liệu vữa, quét vôi màu). Trên tường lối vào chính điện lăng thờ thường để trống, riêng tại di tích lăng Ông Cẩm Thanh có trang trí bức hoành được đắp nổi bằng chất liệu vữa, có dạng cuốn thư, bề mặt đắp nổi các chữ Hán: 宇 宙 回 春 (Vũ trụ hồi xuân).
Hệ mái các lăng thờ là hạng mục được trang trí công phu và có tính chung nhất thông qua các đề tài trang trí. Hầu hết hệ mái các lăng thờ đều trang trí các đề tài thuộc “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng) đồng thời kết hợp chi tiết mặt nhật, hoa dây ở vị trí trung tâm tạo sự đối xứng, cân đối giữa các đồ án. Các đồ án này được nghệ nhân tạo tác công phu thông qua hình thức đắp nổi, khảm các mảnh sành sứ đa dạng màu sắc lên bề mặt các chi tiết tạo sự mềm mại cho chủ thể. Tại vị trí diềm bờ nóc mái lăng Ông Ngư (Tân Hiệp) có trang trí các chi tiết khá đặc trưng của địa phương thông qua nghệ thuật đắp nổi, vẽ màu các hình tượng sóng biển và chim yến, hoa quả kết hợp. Hệ mái tại di tích lăng Ông Cẩm Thanh được trang trí các đề tài đơn giản, khác biệt so với các lăng khác thông qua đề tài “Lưỡng long chầu nhật” ở trên bờ nóc chính điện, đầu bờ chảy trang trí đề tài “Lý ngư hóa long”, các đề tài này được tạo hình bằng chất liệu vữa.
Bên trong tiền đường các lăng thờ đều bố trí 3 bàn thờ, gồm: 1 bàn thờ ở gian chính giữa, hai bàn thờ sát tường hai bên gian trái/phải. Trong đó, bàn thờ gian chính giữa thường là bàn hương án, thờ hội đồng, riêng lăng Ông Ngư thì bàn thờ này là nơi đặt thờ các bài vị cá Ông. Đề tài trang trí bàn thờ này tập trung tại quần bàn, các đề tài trang trí khá đa dạng, không theo một khuôn mẫu nào, cụ thể:
- Lăng Ông Ngư: Chính giữa quần bàn trang trí đề tài “Long vân”, hai cạnh ngoài trang trí đề tài “Phụng vũ”, hai cạnh trên cùng trang trí chi tiết hồi văn kết hợp dây lá.
- Lăng Ông Cẩm Thanh: Chính giữa quần bàn trang trí đề tài “Long ngư hý thủy”, bốn góc trang trí đề tài dơi cách điệu, diềm trên trang trí đề tài dây lá.
- Lăng Tiêu Diện: Chính giữa quần bàn trang trí đề tài hổ.
- Lăng Ông An Bàng: Chính giữa quần bàn trang trí đề “Long vân”, viền trên trang trí đồ án thuộc bát bửu (2 cây bút).
- Lăng Ông Cẩm Nam: Chính giữa quần bàn trang trí đề tài “Long ngư hý thủy”.
Bàn thờ gian trái/phải thường thờ tả ban/hữu ban (lăng Ông Cẩm Nam), Phước hải/Thọ sơn (lăng Ông Ngư, lăng Ông Cẩm Thanh), Phúc/ Thọ (lăng Ông Tiêu Diện), Quang tiền/Dụ hậu (lăng Ông An Bàng); các đề tài trang trí tại các bàn thờ này cũng khá đa dạng, không trùng lắp, cụ thể:
- Lăng Ông Cẩm Nam:
Bàn thờ gian trái: trên tường viết chữ 左 班 (tả ban), bên trên trang trí đề tài “Tùng lộc”, quần bàn trang trí đề tài “Phụng vũ”, hai cạnh trên vẽ đề tài con dơi, diềm trên cùng trang trí đề tài thuộc bát bửu (quyển sách).
Bàn thờ gian phải: trên tường viết chữ 右 班 (hữu ban), bên trên trang trí đề tài “Tùng lộc”, chính giữa quần bàn trang trí đề tài “Phụng vũ”, hai cạnh trên vẽ đề tài con dơi, diềm trên cùng trang trí đề tài thuộc bát bửu (quyển sách).
- Lăng Tiêu Diện:
Bàn thờ bên trái: trên tường viết chữ 福 (Phúc), hai bên viết cặp câu đối chữ Hán, bên trên trang trí đề tài “Tùng lộc”, quần bàn trang trí đề tài “Phụng vũ”, bốn góc trang trí chi tiết dây lá.
Bàn thờ bên phải: trên tường viết chữ 壽 (Thọ), hai bên viết cặp câu đối chữ Hán, bên trên trang trí tranh phong cảnh với đề tài làng chài biển và núi non, quần bàn trang trí đề tài “Phụng vũ”, bốn góc trang trí chi tiết dây lá cách điệu.
- Lăng Ông Cẩm Thanh:
Bàn thờ gian trái: trên tường vẽ khám thờ, chính giữa viết hai chữ Hán: 福海 (Phước Hải), hai bên viết cặp câu đối chữ Hán, trán khám thờ trang trí đề tài “Lưỡng long chầu nhật” theo kiểu thức hóa (dây lá hóa long). Chính giữa quần bàn trang trí đề tài “Phụng vũ”, bốn góc trang trí chi tiết dây lá, hai mảng hai bên đối xứng nhau qua đề tài “Phụng vũ” là đề tài hoa cúc (bên trái) và đề tài quả đào (bên phải).
Bàn thờ gian phải: trên tường vẽ khám thờ, chính giữa viết hai chữ Hán: 夀 山 (Thọ Sơn), quần bàn trang trí các đề tài giống quần bàn bàn thờ gian trái.
Trong số các lăng Ông đề cập trong bài viết này, chỉ có di tích lăng Ông Cẩm Thanh tại tiền đường bố trí đến 4 bệ thờ ở hai gian trái/phải, ngoài hai bàn thờ Phước Hải/Thọ Sơn thì tại sát tường biên gian trái bố trí một bệ thờ, trên tường vẽ một khám thờ hình thức trang trí đơn giản giống như một bài vị (phần chân trang trí kiểu chân quỳ), chính giữa viết các chữ Hán: 前 往 英 靈 (Tiền vãng anh linh); bệ thờ bên gian phải trang trí giống bàn thờ bên gian trái nhưng đề các chữ Hán khác: 後 往 英 靈 (Hậu vãng anh linh).
Trang trí nội thất ở lăng Ông An Bàng - Ảnh: Hồng Việt- Lăng Ông An Bàng:
Bàn thờ gian trái: Trên tường viết chữ: 光 前 (Quang tiền), viền trên trang trí đề tài thuộc bát bửu (cuốn thư), viền hai bên trang trí đề tài thuộc chủ đề “Tứ thời” thông qua hình tượng cây hoa mai ở bên trái (tượng trưng cho mùa xuân), hoa lan ở bên phải (tượng trưng cho mùa hạ), quần bàn trang trí hình tượng con cá và sóng biển.
Bàn thờ gian phải: trên tường viết chữ: 裕 後 (Dụ hậu), viền trên trang trí đề tài thuộc bát bửu (bình hồ lô), viền hai bên trang trí đề tài thuộc chủ đề “tứ thời” thông qua hình tượng hoa cúc ở bên trái (tượng trưng cho mùa thu), cây trúc ở bên phải (tượng trưng cho mùa đông), quần bàn trang trí giống quần bàn bàn thờ gian trái.
- Lăng Ông Ngư:
Bàn thờ gian trái: Sát tường có xây khám thờ bằng xi măng, chính giữa khảm sứ hai chữ 福 海 (Phước Hải), xung quanh trang trí các cụm mây. Trán khám thờ trang trí đề tài “Lưỡng long chầu nhật”, hình tượng rồng được thể hiện theo kiểu thức hóa (dây lá hóa long). Viền trên khám thờ chia thành 5 ô nhỏ, ô chính giữa trang trí đề tài thuộc bát bửu (cây bút và cuốn thư), hai ô hai bên trang trí đối xứng đề tài hoa cúc, hai ô hai bên ngoài cùng trang trí đề tài rồng lá kết hợp hình tượng quả đào và rồng lá kết hợp hình tượng quả lựu. Hai viền hai bên chia thành hai mảng trang trí, phần trên trang trí đề tài “Đông bình Tây quả”, phần dưới trang trí hình tượng bông hoa 8 cánh, ô dưới cùng đắp nổi hình hoa thị 4 cánh. Quần bàn trang trí đề tài “Phụng vũ”, viền phía trên trang trí đề tài hoa dây (sử dụng hình tượng hoa cúc làm chủ đạo, một bông hoa cúc lớn ở vị trí trung tâm và hai bông hoa cúc nhỏ đối xứng hai bên).
Bàn thờ gian phải: Có hình thức trang trí giống bàn thờ gian trái, chỉ khác hai điểm đó là chính giữa khám thờ khảm sứ hai chữ 夀 山 (Thọ Sơn), ô chính giữa viền trên trang trí đề tài bát bửu (bình hồ lô).
Trong số các di tích lăng Ông, lăng Ông An Bàng và lăng Ông Ngư là hai di tích có quy mô lớn, được xây dựng hoàn toàn bằng gạch và vữa vôi theo kiểu cuốn vòm, có nhiều cột gạch lớn ở tiền đường. Trong đó, trên bề mặt cuốn vòm di tích lăng Ông An Bàng được trang trí nhiều đề tài đặc sắc: tại vị trí trên cuốn vòm gian giữa lòng nhất trang trí hình tượng hai con dơi chầu cụm mây theo hình thức đắp nổi, tại vị trí mỗi góc trên cuốn vòm cả 3 gian thuộc lòng nhì cùng đắp nổi đề tài “Dây lá hóa long”, tại vị trí trên cuốn vòm gian giữa lòng ba vẽ bức hoành đề hai chữ Hán: 大 安 (Đại An), hai cạnh tường hai bên đắp nổi cặp liễn đối đề chữ Hán.
Trên bề mặt tường trước lối vào hậu tẩm các lăng đều trang trí một bức hoành dạng cuốn thư đề các chữ Hán với các nội dung cũng như chất liệu khác nhau (đa số đắp nổi bằng vữa, riêng lăng Ông Cẩm Nam bằng chất liệu gỗ), hai bên cạnh tường đắp nổi cặp liễn đối chữ Hán, trên đầu mỗi bức liễn thường trang trí hình tượng con dơi theo hình thức đắp nổi.
Hậu tẩm các di tích lăng Ông có kết cấu một gian, chức năng và trang trí không đồng nhất, có 2 trường hợp hậu tẩm chỉ để thờ Thần (lăng Tiêu Diện, lăng Ông Cẩm Thanh), có 2 trường hợp chỉ để hòm đựng xương cá Ông mà không có các chi tiết trang trí (lăng Ông An Bàng, lăng Ông Ngư), và trường hợp lăng Ông Cẩm Nam là sự kết hợp giữa không gian thờ Thần và hòm đựng xương cá Ông, cụ thể:
- Lăng Tiêu Diện: Hậu tẩm bố trí 3 bàn thờ liên kết nhau, trong đó bàn thờ chính giữa có kích thước lớn nhất, sát tường xây một khám thờ bằng xi măng, chính giữa khám viết chữ Hán: 神 (Thần), nền vẽ các cụm mây, hai góc trên vẽ cặp chim phụng trong tư thế chầu nhau; viền trên của khám thờ chia thành 3 mảng nhỏ, trong đó mảng chính giữa viết 3 chữ Hán: 在 如 祭(Tế như tại), hai mảng hai bên cùng trang trí một chủ đề tranh phong cảnh đề tài “Tùng hạc”; viền hai bên trang trí đối xứng nhau, mỗi viền chia thành 3 mảng, chính giữa viết cặp câu đối chữ Hán, các mảng còn lại cùng trang trí đề tài hình quả đào. Trán khám thờ đắp nổi dạng hình cuốn thư, trang trí nhiều đề tài giàu tính thẩm mỹ, chính giữa trang trí đề tài “Lưỡng long chầu nhật” (hình tượng rồng được thể hiện theo kiểu thức dây lá hóa long), bên dưới hình tượng quả châu trang trí đề tài con dơi, hai mảng hai bên trang trí đề tài hoa lá, hai bên ngoài cùng của cuốn thư được tạo hình hai ngọn bút lông, phần cuốn thư bao quanh thân bút được vẽ chi tiết trang trí chữ 卍 (Vạn) cách điệu, ngoài cùng hai bên cuốn thư trang trí đối xứng đề tài hình con dơi cách điệu. Chính giữa quần bàn bàn thờ trang trí đề tài “Long ngư hý thủy”, hai góc trên trang trí đề tài quả đào (2 quả đào). Hai bàn thờ hai bên thờ tả ban và hữu ban, trên tường bàn thờ gian trái đề 2 chữ Hán: 左 班 (tả ban), trên tường bàn thờ gian phải đề 2 chữ Hán: 右 班 (hữu ban).
- Lăng Ông Cẩm Thanh: Bên trong hậu tẩm bố trí một bàn thờ xây bằng gạch, sát tường trên bàn thờ vẽ một khám thờ trang trí đơn giản, chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 神 (Thần), hai bên tường khám thờ vẽ đề tài các cụm mây. Chính giữa quần bàn trang trí đề tài với hình tượng trung tâm là quả lựu (2 quả) xung quanh là hình tượng 5 con dơi (ngũ phúc), bốn góc quần bàn trang trí chi tiết hồi văn, dây lá. Viền trên cùng trang trí chi tiết dây lá đối xứng.
- Lăng Ông Cẩm Nam: Bên trong hậu tẩm bố trí một bàn thờ xây bằng gạch, sát tường trên bệ thờ xây khám thờ, tại bàn thờ này đặt một số hòm bằng gỗ đựng xương cốt cá Ông và một ngai thờ bằng gỗ được tạo hình giàu giá trị thẩm mỹ. Chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 神 (Thần), hai góc trên vẽ đề tài dơi, hai viền bên đắp nổi cặp câu đối chữ Hán, viền trên chính giữa bố trí một mảng hình chữ nhật trong đó vị trí chính giữa đắp nổi chữ: 夀 (Thọ) tròn, hai bên trang trí đề tài thuộc bát bửu (bên trái trang trí hình tượng bình hồ lô, bên phải trang trí hình tượng cuốn thư và một cây bút), hai trụ khám thờ tiết diện tròn, trên thân trụ trang trí đề tài rồng trong tư thế cuộn tròn thân trụ kết hợp các cụm mây (Long vân); trán khám thờ tạo hình dạng cuốn thư, vị trí chính giữa trang trí đề tài “Lưỡng long chầu nhật”, bên dưới trang trí đề tài hoa cúc dây, hai mảng hai bên đối xứng nhau qua đề tài “Lưỡng long chầu nhật” trang trí đề tài “Đông đào Tây lựu”, hai mảng ngoài kế tiếp trang trí đề tài thiên nhiên cây cối chim chóc, thú vật. Chính giữa quần bàn thờ trang trí đề tài “Hổ phù” trong một khuôn viền tròn.
Trang trí bài vị tại lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồng ViệtCác đề tài trang trí trên vật liệu gỗ tại các di tích lăng Ông hiện nay chủ yếu tập trung ở các hòm đựng xương cốt cá Ông, ngai thờ và bài vị. Tuy nhiên, các hiện vật này hiện nay không còn nhiều, tập trung chủ yếu ở lăng Ông Ngư và lăng Ông Cẩm Nam. Hòm đựng xương cá Ông được làm bằng gỗ, bề mặt chạm khắc các đề tài giàu giá trị nghệ thuật, trong đó nổi bật là hòm đựng xương cốt cá Ông ở lăng Ông Cẩm Nam, bề mặt cạnh hòm chạm nổi hình tượng hai con rồng cùng chầu chữ 夀 (Thọ) tròn, các chi tiết trang trí này được sơn son thếp vàng khá tỉ mỉ. Ngai thờ tại lăng Ông Cẩm Nam và lăng Ông có kiểu thức khá tương đồng, đề tài trang trí tập trung hình tượng rồng, dây lá, “Hổ phù”; các chi tiết trang trí được sơn son thếp vàng khá tỉ mỉ thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân. Trong các di tích lăng thờ cá Ông hiện nay, chỉ còn lăng Ông Ngư là còn lưu giữ khá đầy đủ các bài vị thờ cá Ông bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng tinh xảo, các đề tài trang trí trên các bài vị cũng khá đa dạng thông qua các đề tài như hình tượng rồng, “Lưỡng long chầu nhật”, hoa dây, hồi văn.
Qua kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy các đề tài, chi tiết trang trí tại các di tích thờ cúng cá Ông ở Hội An không có sự khác biệt lớn so với các di tích thuộc loại hình đình, miếu ở Hội An. Các mô típ trang trí tập trung chủ yếu qua các hệ đề tài chính như: thiên nhiên, thực vật, linh thú/động vật.
Mô típ trang trí hệ đề tài thiên nhiên gồm các đề tài như: nước, hình tượng sóng nước thường được tạo hình gồm những đường lượn cong đều, đề tài nước được sử dụng dưới dạng đề tài “cá và sóng biển”, “Long ngư hý thủy”, “chim yến và sóng biển”; đề tài mây, chi tiết các cụm mây mang ý nghĩa những điều tốt lành, người xưa quan niệm những đám mây ngũ sắc có ý nghĩa ngũ phúc, trong các di tích thờ cá Ông ở Hội An, đề tài mây thường xuất hiện qua mô típ “Long ẩn vân”, “Phụng vũ”, các cụm mây bằng vữa gắn trên các đầu bờ chảy, các cụm mây trang trí trên các khám thờ.
Mô típ trang trí hệ đề tài thực vật gồm các đề tài như: “dây lá”, hoa sen, “Đông bình Tây quả”, hoa cúc, quả đào, lựu, hoa mai, hoa lan, cây trúc.
Mô típ trang trí hệ đề tài linh vật, động vật gồm các đề tài như: “Long mã phụ hà đồ”, hổ, dơi, cá, “Long ngư hý thủy”, chim yến, “Long vân”, “Phụng vũ”, “Hổ phù”, “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng), “Lưỡng long chầu nhật”, “Lý ngư hóa long”.
Mô típ trang trí hệ đề tài đồ vật gồm các đề tài như: các đồ vật thuộc bát bửu: cuốn thư, thư bút, thảo sách, bình hồ lô, hình tượng các vật quý này luôn được trang trí kết với dải lụa thanh nhã, mềm mại; hình ảnh chiếc bình hoa xuất hiện thông qua đề tài kết hợp “Đông bình Tây quả”.
Có thể nói các đề tài, chi tiết trang trí tại các di tích lăng Ông ở Hội An mang giá trị riêng về nghệ thuật trang trí mang dấu ấn văn hóa cộng đồng cư dân miền biển, là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân gắn liền với đời sống mưu sinh trên biển cả. Trải qua thời gian với nhiều biến động của thời cuộc, mặc dù đã có những biến đổi về quy mô cũng như hình thức kiến trúc nhưng thông qua các đề tài, chi tiết trang trí tại các di tích này vẫn còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều giá trị nghệ thuật trang trí truyền thống. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để nghiên cứu về các đề tài, đồ án nghệ thuật trang trí truyền thống về lăng thờ cá Ông ở Hội An nói riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng các đề tài trang trí tại các công trình kiến trúc tín ngưỡng ở Hội An nói chung.
* Tài liệu tham khảo:
1. UBND thành phố Hội An (2015), Di tích – Danh thắng Hội An, Nxb Đà Nẵng.
2. Lý lịch các di tích thờ cá Ông, Tài liệu lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa.